“Trò chơi” thông tin

(Dân trí) - Có thế nói, chưa khi nào, ngành giáo dục cởi mở thông tin và tỏ ra cầu thị như hiện nay. Hầu như những vấn đề “nóng” dư luận phản ánh về ngành đều có “tiếng vọng”. Thời “đấm bị bông” giáo dục có lẽ thực sự đã qua.

Nhưng, dường như chưa chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để “mở cửa” nên thông tin đã trở thành “trò chơi” hai mặt. Chẳng hạn như về vấn đề Dự thảo phát triển trẻ 5 tuổi. Nhóm soạn thảo Dự thảo đã liên tục lên tiếng phân tích, thanh minh về những nhận xét đúng sai của dư luận đánh giá về Dự thảo chuẩn này. Tuy nhiên, càng lên tiếng, càng bị “sa lầy” khi đã đưa ra những công bố… gây sốc hơn.
 
“Trò chơi” thông tin - 1

Không có chuẩn, đất nước Việt Nam sẽ có một thế hệ mầm non kém cỏi?
(Ảnh minh hoạ)

20 năm trước đã có “chuẩn” nhưng không ai… hay biết!

Phản ứng trước các ý kiến trong dư luận cho rằng Dự thảo chuẩn đưa ra những tiêu chí  “nặng”, “cao quá”, “không đúng tâm lý trẻ” và chuẩn này chỉ có thể để dành cho trẻ “thần đồng và thiên tài”, “trẻ kiệt xuất”, “chỉ dành riêng cho đào tạo mũi nhọn với những trẻ em đặc biệt”…

Nhóm soạn thảo khẳng định: “Đây chính là một sai lầm đáng tiếc nhất, vì sai lầm này mà người lớn ở Việt Nam đang tự làm cho trẻ trở nên yếu ớt đi, thụ động trong mọi hoạt động, hình thành ở trẻ tâm lý mình không biết làm gì và không thể làm tốt được việc gì… Kết quả là đất nước Việt Nam sẽ có một thế hệ mầm non kém cỏi không có bất kỳ cơ hội nào để nhận biết và phát triển tiềm năng vốn có của mình”.

Tiếp tục chứng minh cho chuẩn này là hoàn toàn phù hợp, nhóm soạn thảo đưa ra một văn bản có “tuổi thọ” rất đáng… “giật mình”. Đó là văn bản Qui định về mục tiêu và kế hoạch đào tạo Nhà trẻ, trường Mẫu giáo được ban hành ngày 03/02/1990 của Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Theo đó, trong mục “Yêu cầu cần đạt của trẻ 5 tuổi (cuối tuổi mẫu giáo lớn)”, một số mục tiêu trẻ cần phải đạt được là:

+ Biết quan tâm thông cảm giúp đỡ bạn bè, em nhỏ, những người gần gũi. Hiểu được những lời nói việc làm nào của mình, của bạn bè là tốt, xấu. Biết nhận lỗi, sửa lỗi, thật thà.

+ Có nhu cầu tham gia vào các hoạt động tạo hình, âm nhạc… nhận ra được vẻ đẹp và thể hiện cảm xúc của mình trong các hoạt động đó.

+ Biết quan sát, tập trung chú ý, nhận xét được những đặc điểm, những mối liên hệ, sự biến đổi của sự vật, hiện tượng xung quanh.

+ Hồn nhiên, mạnh dạn, biết tự tổ chức những hoạt động mà trẻ ưa thích. Biết diễn đạt những ý kiến, nhận xét của mình rõ ràng, mạch lạc.

+ Thông minh, ham hiểu biết, thích khám phá tìm tòi, có một số kỹ năng sơ đẳng (quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp, suy luận…) và một số nề nếp thói quen để dễ thích nghi với hoạt động học tập khi bước vào lớp 1…

Nhóm soạn thảo kết luận: “Như vậy, ngay từ những năm 1990 chúng ta đã nhìn thấy những khả năng tiềm ẩn rất lớn ở trẻ cuối tuổi mẫu giáo trong tất cả các lĩnh vực phát triển thì vì cớ gì mà 20 năm sau chúng ta lại hạ (chứ chưa nói là tăng lên) mức độ phát triển của trẻ xuống?”

Vấn đề đặt ra là: Từ 20 năm trước, ngành giáo dục đã có những yêu cầu trẻ 5 tuổi phải đạt được như vậy nhưng 20 năm sau, dư luận vẫn thấy đó là những yêu cầu rất… mới. Dư luận “quên” hay rất nhiều thế hệ trẻ 5 tuổi lớn lên trong 20 năm qua chưa từng được qua những mục tiêu giáo dục bắt buộc, đã từng được quy định thành văn bản ban hành rộng khắp?

So sánh trẻ 5 tuổi Việt Nam với trẻ… Liên bang Nga

Trước khi phản ứng về thông tin của dư luận đối với các chỉ số về lĩnh vực phát triển thể chất, Nhóm soạn thảo “phủ đầu” bằng nhận xét: “Thật là xót xa cho thể lực yếu ớt của trẻ 5 tuổi Việt Nam. Chẳng lẽ trong 15 năm qua chúng ta đã kìm hãm sự phát triển thể lực của trẻ đến mức độ này sao?” vì theo họ, trong Chương trình ban hành 15 năm trước đây đã yêu cầu trẻ 5 tuổi phải chạy được 120m.

Sau đó, Nhóm soạn thảo đưa ra dẫn chứng: Các bài tập đối với việc rèn luyện tố chất thể lực cho trẻ 5 tuổi ở Liên bang Nga là: Khối lượng cường độ vận động chung phải từ 1100 m đầu năm đến 2000 m cuối năm; chạy chậm 350 m x 2 lần sau đó 4 lần; chạy với tốc độ trung bình 200 - 300 m x 2 lần trong một giờ học (trích “Tố chất thể lực - Phương pháp rèn luyện tố chất thể lực cho trẻ mâu giáo. S.Peterburg. “Giáo dục” 1993).
 
“Cách nhìn của xã hội như vậy cũng có thể phần nào giải thích tại sao người Việt Nam luôn gặp vấn đề về sức bền thể lực”, Nhóm soạn thảo kết luận.

Các tài liệu được dẫn chứng cũng chủ yếu là các tài liệu nghiên cứu về trẻ em ở Nga.

Ví dụ như hầu hết trẻ mẫu giáo lớn (5 - 6 tuổi) đã hiểu các khái niệm cơ bản chỉ vị trí không gian như trên - dưới, phải - trái, trước - sau, ở giữa, xung quanh, ở góc, xa - gần của tác giả A. A. Liublinxkaia.

Khả năng sử dụng những từ khác nhau để chỉ đúng các mối quan hệ không gian giữa các sự vật  - tức khả năng trừu tượng hoá - khái quát hoá các mối quan hệ không gian đó cho phép trẻ 5 - 6 tuổi có thể định hướng trong không gian mà không phụ thuộc vào vị trí của bản thân mình, ở trẻ đã hình thành kỹ năng thay đối điểm gốc. Trẻ có thể hiểu và sử dụng được bản đồ không gian, có nghĩa là trẻ có thể xác định các địa điểm quen thuộc với bất kỳ điểm gốc nào… từ tài liệu của A. Ia. Kôlotna, Ph. N. Semiakin, A. E. Kozưreva, K.N . Kornhilop…
 

Trong khi đó, ai cũng biết rằng, thể trạng của người Việt Nam so với người Châu Âu quả thật là… “một trời một vực”, thậm chí có thời gian, cụm từ “to như người Liên Xô” (tên gọi Liên bang Nga trước đây) thường dùng để chỉ những người Việt Nam cực kỳ quá khổ. Trẻ con Việt Nam đương nhiên cũng không thể so sánh với trẻ con của Liên bang Nga, ít nhất là về mặt thể trạng và không thể lấy đó mà “đặt vấn đề” than phiền về mặt thể lực của trẻ em Việt Nam!

 
 Mai Minh