Trường đại học là “cái nôi” tạo ra cơ hội khởi nghiệp cho sinh viên

(Dân trí) - Các bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội, nguồn vốn để khởi nghiệp ở khắp nơi mà chưa nắm chắc lấy cơ hội từ chính “cái nôi khởi nghiệp” là trường đại học của mình. Đây là chia sẻ của các chuyên gia, nhà đầu tư mạo hiểm tại buổi tọa đàm về sinh viên khởi nghiệp.

Tọa đàm “Start-up – Từ ý tưởng đến thực tiễn” diễn ra tại Hà Nội.
Tọa đàm “Start-up – Từ ý tưởng đến thực tiễn” diễn ra tại Hà Nội.

Khởi nghiệp đang là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, tạo thành một làn sóng mới trong giới trẻ, đặc biệt trong sinh viên với nhiều ý tưởng đam mê, khát vọng, cùng khả năng tiếp thu thích ứng và đổi mới sáng tạo. Không nằm ngoài xu hướng vận động của thế giới, tại Việt Nam chính sách dành cho khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp sinh viên ngày càng được tạo điều kiện và nhận được sự quan tâm lớn.

Năm 2016 đã được Chính phủ Việt Nam chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Cùng với đó những cam kết mạnh mẽ và trách nhiệm rõ ràng của Chính phủ trong đề án hỗ trợ “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên" được tổ chức lần đầu tiên năm 2016 là sáng kiến của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam nhằm tạo cơ hội dành cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp. Trong khuôn khổ cuộc thi, sáng ngày 18/03, tại Hà Nội, T.Ư Hội sinh viên Việt Nam tổ chức tọa đàm “Start-up – Từ ý tưởng đến thực tiễn”. Buổi tọa đàm là cơ hội để các bạn sinh viên, nhà quản lý, doanh nhân và các quỹ đầu tư tiến lại gần nhau, kết nối những ý tưởng khởi nghiệp.

Tại buổi tọa đàm, các bạn sinh viên cùng các doanh nhân, các nhà đầu tư, các chuyên gia đã cùng trao đổi về con đường đưa ý tưởng khởi nghiệp đến đích, làm sao có được ý tưởng tốt, giải pháp nào để thuyết phục các nhà đầu tư, chiến lược kinh doanh tiếp thị sản phẩm, mô hình doanh thu, chiến lược phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Đồng thời các bạn sinh viên có thể trình bày các quan điểm và đề xuất liên quan đến vấn để start-up trong giai đoạn hiện nay.

Sinh viên đặt câu hỏi cho các nhà quản lý, chuyên gia và nhà đầu tư tại buổi toạ đàm.
Sinh viên đặt câu hỏi cho các nhà quản lý, chuyên gia và nhà đầu tư tại buổi toạ đàm.

Mở màn đặt câu hỏi, bạn Hoàng Thanh Liêm, SV năm thứ 4 Học viện Ngoại giao nêu lên vấn đề: “Việt Nam đang tăng cường liên kết thế giới nên dẫn đến thanh niên Việt Nam phải cạnh tranh với thanh niên nước ngoài trong quá trình khởi nghiệp, vậy thì Hội SVVN có những biện pháp, chương trình gì hỗ trợ cho sinh viên tự tin hơn?”.

Đại diện Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Minh Triết giải đáp: “Trong thời đại công nghệ thông tin và hội nhập, TƯ Hội SVVN đang có những chương trình cụ thể để triển khai, hỗ trợ sinh viên, giúp các bạn có những công cụ hội nhập tốt nhất để tiến lên cùng với thế giới, ví dụ như có những kiến thức nhất định, giỏi ngoại ngữ... Từ có, các bạn sinh viên có kênh chính thống để tiếp cận thông tin, nắm bắt tri thức để tự tin hội nhập và cạnh tranh trong môi trường quốc tế”.

Sau phát biểu của anh Nguyễn Minh Triết, một sinh viên đến từ Đà Nẵng trình bày sơ lược về dự án khởi nghiệp của bạn và bày tỏ rằng bạn đang gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn vốn, nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam (IDGVV), để khởi nghiệp thành công yếu tố quan trọng nhất chính là nội lực của các bạn trẻ. Ông Trường nhận thấy nhiều bạn trẻ bắt tay vào khởi nghiệp thường than phiền khó khăn về nguồn vốn nhưng theo ông đó không hẳn là yếu tố quyết định.

“Để giải quyết vấn đề vốn, các bạn có thể tận dụng được rất nhiều nguồn khác nhau, từ vay mượn bố mẹ, anh em, bạn bè và tận dụng rất nhiều nguồn lực xã hội khác. Mặt khác, trường đại học cũng là quỹ đầu tư lớn nhất cho các bạn trẻ khởi nghiệp và nhà đầu tư thiên thần chính là các thầy cô giáo, các giáo sư, tiến sĩ trên các giảng đường đại học. Đây chính là nơi cung cấp kiến thức, ươm mầm ý tưởng, chắp cánh ước mơ cho các bạn trẻ vươn ra thế giới rộng lớn”, ông Nguyễn Hồng Trường nói.

Ông Nguyễn Hồng Trường nói thêm: “Thực tế start-up có nhiều rủi ro, khả năng thất bại rất lớn, chiếm tới khoảng 99%. Khởi nghiệp, tái khởi nghiệp, mô hình kinh doanh là vấn đề rất thực tế. Vì vậy, các bạn trẻ khi bắt tay vào khởi nghiệp cũng phải rất thực tế, hiểu được bản thân có phù hợp với lĩnh vực đang theo đuổi hay không và cần tìm những mô hình phù hợp, không quá khó, quá phức tạp. Các bạn cũng đừng sợ thất bại, bởi vì thất bại là một kinh nghiệm quý báu. Điều quan trọng là gặp thất bại không nên nản lòng”, Phó Chủ tịch nhắn nhủ bạn trẻ.

Các chuyên gia, nhà đầu tư giải đáp thắc mắc của sinh viên về khởi nghiệp.
Các chuyên gia, nhà đầu tư giải đáp thắc mắc của sinh viên về khởi nghiệp.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng cũng cho rằng, trường đại học chính là “cái nôi” đào tạo khởi nghiệp lớn nhất của các bạn sinh viên. Ông Thắng chia sẻ, hàng năm ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh khoảng 6.000 sinh viên, 2/3 trong số đó tốt nghiệp, tức là có khoảng 4.000 sinh viên ra trường đúng thời hạn và khoảng 1% trong số sinh viên ra trường, tức là khoảng 40 sinh viên thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Theo thống kê của chúng tôi, chỉ 1/3 số công ty khởi nghiệp đó sống được sau 3 năm, 1% trong số đó sống được bằng ý tưởng của mình sống được nhờ ý tưởng hun đúc từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Tức là 3 công ty thành lập, 1 công ty sống được bằng nghề nghiệp của mình, 1% sống được từ ý tưởng của mình. ĐH Bách khoa có những chương trình bổ sung kiến thức về lập kế hoạch, kỹ năng quản lý kinh tế, start-up cho SV từ năm thứ nhất đại học; có những buổi trình bày, chia sẻ kinh nghiệm, giúp các bạn nhận thức start-up là con đường chông gai nhưng đáng giá; có các CLB khởi nghiệp, nhóm nghiên cứu xây dựng ý tưởng…”

Chuyên gia khởi nghiệp Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Không gian làm việc Up chia sẻ rằng, các bạn sinh viên cũng sẽ tìm được những người "đồng chí", người bạn thật sự ở trường học. Đó là những người sẽ cùng với bạn xây dựng sự nghiệp từ những bước đầu tiên và có những người sẽ đi với bạn một chặng đường rất dài. Đó cũng là một nguồn lực quan trọng - nguồn lực con người mà bạn trẻ có được từ trong trường đại học.

Các chuyên gia, nhà đầu tư đều có chung nhận định rằng thời đại ngày nay thông tin rất nhiều nhưng các bạn trẻ cần chọn lọc thông tin và nắm bắt cơ hội để nâng cao khả năng thành công khi khởi nghiệp và quan trọng nhất là tích lũy kinh nghiệm bởi “những kinh nghiệm thuở sơ khai này sẽ theo các bạn cả đời”.

Mai Châm