Vẫn cân nhắc khi thực hiện giảm tải SGK

(Dân trí) - Tài liệu chính thức hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình - SGK của Bộ GD-ĐT đã được chuyển đến tay các giáo viên nhưng lại chưa thể triển khai. Một phần do các trường còn đang nghiên cứu, phần khác lại đợi hướng dẫn chi tiết của Phòng và Sở GD-ĐT.

Trao đổi với Dân trí sáng ngày 13/9, lãnh đạo các tỉnh vùng cao như Điện Biên, Lai Châu… đều cho biết tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nội dung CT-SGK (gọi tắt là tài liệu giảm tải) đã được phát đến cho từng trường và đang bắt đầu triển khai.

Ông Hoàng Đức Minh - phó giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu cho biết, nhìn chung tài liệu hướng dẫn giảm tải tương đối chi tiết nên khi triển khai sẽ không gặp nhiều khó khăn. Phòng ban của Sở cũng dựa vào tài liệu này để đưa ra một hướng dẫn chi tiết hơn để các trường dễ thực hiện.

Đồng quan điểm với ông Minh, thầy Cường - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Lâm (huyện Mường Nhé, Điện Biên) cũng nhận định, tài liệu hướng dẫn khá chi tiết. Hiện tại nhà trường đã phát tài liệu đến từng giáo viên và đang ở giai đoạn nghiên cứu.

Theo anh Trần Ngọc Kiên - phó phòng GD-ĐT huyện Mường Nhé, nội dung hướng dẫn giảm tải sẽ giao trực tiếp cho các trường triển khai, trong quá trình thực hiện nếu gặp vướng mắc mới cùng nhau tháo gỡ chứ Phòng không đưa ra hướng dẫn chi tiết bởi giáo viên là người trực tiếp giảng dạy nên họ hiểu được phần nào nên giữ lại, phần nào nên bỏ đi.

Không chỉ các tỉnh vùng cao vẫn chưa thể thực hiện nội dung giảm tải được ngay vì còn phải chờ đợi hướng dẫn chi tiết hơn của Phòng và Sở hoặc đang còn phải nghiên cứu thêm thì ngay cả thủ đô Hà Nội cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Cô Phạm Thị Yến - hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B quận Ba Đình cho biết: “Ngày hôm qua trường mới nhận được tài liệu của Sở gửi về. Hôm nay tài liệu này đã được in và chuyển đến từng giáo viên. Tuy nhiên chưa thể thực hiện được ngay vì các tổ chuyên môn còn phải họp bàn nghiên cứu”.

Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, sau khi nhận được tài liệu giảm tải, ban giám hiệu các trường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn họp để thảo luận, thống nhất việc điều chỉnh phân phối chương trình chi tiết trên cơ sở lược bớt những nội dung, yêu cầu đã được Bộ GD-ĐT cho phép.

Cập rập quá sẽ trở thành khẩu hiệu!

Theo PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cách thực hiện giảm tải năm nay của Bộ là quá cập rập và bản chất thì mới chỉ dừng lại ở việc giảm tải SGK còn chương trình thì vẫn nặng.

PGS. Văn Như Cương cho rằng, việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình - SGK của Bộ GD-ĐT mới chỉ xoay quanh các vấn đề nếu trùng lặp ở hai bộ môn giống nhau thì bỏ đi một, nếu kiến thức ở lớp dưới trùng với lớp trên thì bỏ bớt hoặc bỏ bớt đi các bài tập không phù hợp với cấp học của HS… Trong khi đó những phần như vậy là không nhiều.

“Một chủ trương như vậy nhưng Bộ GD-ĐT chỉ thực hiện trong vòng chưa đầy một tháng. Thử hỏi trong khoảng thời gian ngắn như vậy Bộ vừa xin ý kiến, vừa đánh giá sau đó lại trình lãnh đạo phê duyệt thì hiệu quả được đến bao nhiêu. Thật ra những hướng dẫn của Bộ thì giáo viên cũng đã thực hiện hàng ngày bởi khi giảng dạy họ cũng phải đưa ra những ví dụ, bài tập... phù hợp với đối tượng học sinh” - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.

Cũng theo PGS. Cương, do hướng dẫn của Bộ chỉ giảm tải đối với chương trình - SGK ban cơ bản trong khi đó môn Toán của trường lại dạy theo chương trình nâng cao nên sẽ không làm ảnh hưởng. Còn đối với những môn học khác, trường sẽ có cách thực hiện riêng với quan điểm cắt bỏ những phần cảm thấy cần thiết còn không thì vẫn giữ nguyên. Tất nhiên các phần cắt bỏ không vượt ra khỏi hướng dẫn giảm tải của Bộ GD-ĐT.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, đối với các giáo viên dạy giỏi thì việc cắt bỏ kiến thức hay bài tập để phù hợp với đối tượng HS thì đã được thực hiện nhiều năm chứ không phải đợi hướng dẫn giảm tải của Bộ. Tuy nhiên những cách làm đó không được công khai bởi theo quy định của Bộ là không được phép. Tuy nhiên với việc Bộ GD-ĐT mạnh dạn đưa ra các nội dung giảm tải trong năm học này là một chủ trường hoàn toàn đúng đắn. Có thể ở giai đoạn đầu còn gặp nhiều khó khăn và nhiều thiếu sót nên Bộ GD-ĐT phải chịu khó lắng nghe và tiếp tục điều chỉnh cho đến khi chương trình - SGK mới ra đời. Bên cạnh đó cũng phải nghiên cứu điều chỉnh ra các bài tập hoặc đề thi kiểm tra đánh giá để rèn tư duy của HS. Những việc làm này cần phải được thực hiện sớm để giáo viên chủ động với phương pháp giảng dạy để đáp ứng được với việc ra đề thi theo hình thức mới.

Phân tích dưới một góc độ khác, GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, giảm tải là một vấn đề chuyên môn rất phức tạp, chính vì thế không phải cứ nói là làm ngay được. Đáng lẽ chủ trương giảm tải phải được đưa ra kịp thời để có thời gian chuẩn bị cho chắn chắn bởi nếu không chuẩn bị kỹ càng sẽ thiếu hiệu quả.

“Lúc đầu tôi nghe chủ chương này thì rất là phấn khởi bởi vì sau nhiều năm xã hội lên tiếng thì Bộ GD-ĐT cũng đã hưởng ứng. Tuy nhiên vừa rồi nghe thấy cái sự chuẩn bị cập rập quá và chưa đến đâu vào đâu thì tôi cũng bắt đầu nghi ngờ vì không biết nó có hiệu quả hay không hay đây chỉ là một khẩu hiệu” - GS Thi nhấn mạnh.

Nguyễn Hùng