Báo động về việc ngược đãi học sinh

La, mắng, chửi, sỉ nhục, thậm chí đánh hoặc <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/3/104413.vip">trừng phạt học sinh </a>bằng nhiều cách quái dị..., tất cả từng xảy ra trong môi trường giáo dục của chúng ta. Môi trường giáo dục đang báo động về sự ngược đãi học sinh.

Hiện tượng trừng phạt học sinh đã xảy ra liên tục trong nhiều trường học trên toàn quốc. Người ta chưa thể quên việc một giáo viên bắt học sinh liếm ghế tại Trường THCS Liên Hoa (Hà Tĩnh); hay cô giáo bắt 3 học sinh tụt quần và đánh cho chừa ở Vị Thanh (Cần Thơ), đến việc học sinh bị phơi nắng rồi tự vả vào mặt nhau tại TPHCM.

 

“Dù có những vướng mắc, bực dọc thế nào đi nữa, làm thầy cô giáo mà nóng giận, mất bình tĩnh nảy sinh việc đánh, mắng, phạt học sinh không theo một kỷ luật nào cả là điều khó tha thứ được”. Phát biểu tại hội thảo “Không dùng hình phạt đối với trẻ- sử dụng những biện pháp thay thế” do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển (SCS) tổ chức, cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của, (Q.3 - TPHCM), đã nêu rõ quan điểm của mình khi được hỏi về trường hợp của một thầy giáo phạt học sinh tiểu học hít đất, chạy vòng quanh sân và học sinh phải vào trạm y tế tại Trường Tiểu học Kim Đồng, Q. Gò Vấp - TPHCM.

 

24,5% giáo viên đánh học sinh

 

Con số này đã làm mọi người hết sức kinh ngạc và lo ngại. Tuy nhiên, thực tế này đã diễn ra tại 4 tỉnh được khảo sát: Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Gia Lai và Tiền Giang. Tại TPHCM, nhiều giáo viên cũng thừa nhận việc dùng hình phạt đối với học sinh.

 

Bà Nguyễn Thị Hoa Mai, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng: “Nếu một hình phạt nhẹ nhàng nào đó có thể sửa được lỗi của học sinh thì cũng vẫn cần có hình phạt. Tuy nhiên, trước khi dùng hình phạt đối với học sinh, giáo viên phải chỉ ra được những lỗi mà học sinh mắc phải”.

 

Thầy Nguyễn Văn Tri, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản, Q.10 - TPHCM, nói: “Giáo dục không thể không có việc phạt học sinh. Tuy nhiên, hình thức phạt thì nên xem xét. Tôi hoàn toàn phản đối việc đánh học sinh, sỉ nhục hay hạ thấp nhân phẩm học sinh”.

 

Học sinh bị đánh dễ ức chế về tâm lý

 

Trong 100 trường hợp học sinh bị cô giáo, thầy giáo quát, mắng, chửi, sỉ nhục thậm chí đánh thì có đến 80,5% học sinh “nhớ đời” và bị ức chế về tâm lý. Ông Trần Ban Hùng, cán bộ Chương trình dự án Bảo vệ trẻ em thuộc Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển, đưa ra một con số đau lòng: 28,9% thấy oan ức, 7,4% thì căm giận, 0,7% muốn trả thù, 30% thấy xấu hổ, mặc cảm và 15% thì khiếp hãi.

 

Theo bà Lương Thị Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em TPHCM, người giáo viên cần phải biết việc phạt học sinh là biện pháp cuối cùng. Nhưng biện pháp cuối cùng này cũng cần phải cân nhắc kỹ; và tuyệt đối không được làm tổn thương đến tinh thần, thể chất của trẻ.

 

Theo Mỹ Dung

Người Lao Động