Các trung tâm tư vấn du học Việt Nam đang lép vế!

(Dân trí) - “Hiện nay, tại Hà Nội cũng có khoảng 80-100 đơn vị đăng ký hoạt động tư vấn du học, tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động. Thực chất, số đơn vị có đủ uy tín và có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn giáo dục nước ngoài trong lĩnh vực này không nhiều”.

Bà Đào Liên Hương - Phó Chủ tịch Liên hiệp tư vấn du học Việt  Nam (VIECA) cho biết như vậy.

 

Thưa bà, xin bà cho biết vì sao số luợng trung tâm hoặc công ty tư vấn du học nhiều đến vậy?

 

Trước những năm 97 ngành nghề này do Bộ GD-ĐT quản lý, nên chỉ có hơn 10 cơ sở thuộc bộ có chức năng này. Cho đến vài năm trở lại đây ngành tư vấn du học cũng là ngành được phép hoạt động theo luật doanh nghiệp và đây là ngành đang được nhà nước khuyến khích phát triển nên  những cá nhân hoặc tổ chức tự nhận thấy có đủ khả năng trong ngành này đều có thể đăng ký hoạt động.

 

Có phải chính điều này đã tạo điều kiện cho một số cơ sở làm ăn không đàng hoàng và thiếu trách nhiệm đối với du học sinh?

 

Quả thực, đã có những cơ sở làm việc gây mất uy tín chung. Tôi biết có những giám đốc công ty tư vấn du học chưa bao giờ đặt chân ra nước ngoài, thậm chí không biết nói tiếng Anh, nhưng vì lợi nhuận mà làm những điều gian dối đối với học sinh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thiếu những đơn vị làm ăn đứng đắn và nghiêm túc. Thực tế và thời gian đã chứng minh. Chỉ những công ty làm việc có uy tín và chất lượng mới tạo được lòng tin từ phía đối tác nước ngoài và phụ huynh trong nước và mới có cơ hội phát triển tiếp. Thực chất, tại Hà Nội hiện nay số doanh nghiệp trụ vững chỉ đếm được trên đầu ngón tay bởi ngoài các vấn đề nói trên còn phải kể đến sự cạnh tranh gay gắt của các tập đoàn giáo dục nước ngoài.

 

Phải chăng các tập đoàn giáo dục nước ngoài có uy tín tốt hơn các công ty du học trong nước bởi họ không thu phí tư vấn?

 

Các doanh nghiệp bằng cách này hay cách khác đều phải tạo nguồn thu để duy trì hoạt động. Đơn cử như IDP (công ty tư vấn du học Úc) hay Hội đồng Anh, họ tuy không thu phí tư vấn, nhưng do lợi thế riêng nên các đơn vị này lại thu tiền khá cao trong các cuộc thi IELTS (khoảng 300 USD).  Vấn đề này vẫn đang gây tranh cãi. Các đơn vị trong nước thì hầu như vẫn thu phí tư vấn (từ 200 USD - 400 USD). Nên, nếu có sự so sánh thì các công ty  tư vấn du học trong nước sẽ "mất điểm".

 

Vậy các doanh nghiệp tư vấn trong nước dùng biện pháp nào để đương đầu với vấn đề này?

 

Có thể nói rằng các doanh nghiệp tư vấn trong nước đang phải đương đầu với nhiều khó khăn. Không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng và làm việc cực kỳ nghiêm túc và uy tín cũng như phải tìm ra những chương trình du học có giá thành thấp nhất và phải đảm bảo về chất lượng. Bởi vậy, bắt buộc doanh nghiệp đó phải giỏi nghiệp vụ và luôn phải đi khai thác nhiều thị trường khác nhau. Hiện nay, Malaysia  và Singapore đang rất được học sinh châu  Á ưa chuộng bởi chi phí thấp và điều kiện học tập không hề thua kém các nước đã có thương hiệu về đào tạo giáo dục.

 

Các thông tin cần tư vấn và để tìm học bổng, nguời có nhu cầu du học có thể tìm trên Internet?

 

Đối với những người có khả tiếng Anh tương đương 6.5- 7.0 thì có thể tự tìm được những gì mình cần thông qua việc tìm kiếm thông tin trên mạng Internet. Cách tốt nhất để tìm được địa chỉ du học phù hợp là tham khảo tại các cuộc hội thảo và triển lãm về du học. Từ đây có thể định hướng và khoanh vùng nơi phù hợp với mình và tiếp tục tìm hiểu kỹ hơn.

 

Như vậy, sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi tìm kiếm. Điều này đặc biệt phù hợp với những học sinh khả năng tiếng Anh chưa cao nhưng vẫn có nhu cầu du học. Phần lớn học sinh Việt Nam đi du học đều phải mất 6-12 tháng để học tiếng trước khi vào học chính thức.

 

Xin cảm ơn bà!

                                                           

            Thanh Trầm