Du học - về hay ở?

(Dân trí) - Phạm Anh Khoa từng là sinh viên trường Cambridge Tutors (Anh Quốc) và hiện đang học chuyên ngành Kinh tế và Chính trị học tại trường đại học Bates (Tiểu bang Maine, Hoa Kỳ) đều với học bổng toàn phần.

Anh Khoa còn là người sáng lập ra VietAbroader (Hội học sinh – sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ) với mong muốn giúp học sinh Việt Nam biến giấc mơ du học thành hiện thực. Trong 5 năm tới, Khoa mong muốn hoàn thành một dự án hợp tác cùng các công ty ở Việt Nam, trong việc tạo ra các cơ hội việc làm thực tập cho du học sinh, và hơn nữa là dự án kêu gọi sự quan tâm của các ban ngành chức năng, về vấn đề thu hút nguồn nhân lực tiềm năng quay về đóng góp cho đất nước. Và bài viết dưới đây, ghi lại những suy nghĩ khá chân thành của Anh Khoa.

 

Về hay ở?

 

Nếu nói “Du học - về hay ở” theo phương diện cá nhân như cưới vợ lấy chồng hay tiếp quản cơ sở kinh doanh của gia đình thì đây hoàn toàn là quyết định cá nhân. Và chúng ta nên và cần tôn trọng quyết định này. Còn nếu nói "Du học - về hay ơ" với phương diện đóng góp cho đất nước thì lại hơi cứng nhắc và thiển cận.

 

Thứ nhất, đóng góp cho đất nước, yêu nước không phải phụ thuộc vào việc ở nước ngoài hay ở Việt Nam.  Tôi biết một số anh chị khi về Việt Nam vì lý do khách quan hay chủ quan không thể đóng góp cho kinh tế và xã hội Việt Nam như mong đợi lúc trước khi về nước. Hoặc vì sự bất đồng về môi trường làm việc hoặc ngành nghề mà các bạn du học sinh học không thể vận dụng kiến thức và các kỹ năng hiệu quả như ở nước ngoài.

 

Ngược lại, nhiều người làm việc hoặc sinh sống ở Mỹ nhưng vẫn có những hành động đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp cho Việt Nam. Ví dụ như các giáo sư Việt Nam ở Mỹ nhận học sinh Việt Nam làm Research assistant (trợ lý nghiên cứu), tìm chỗ ăn ở giùm, giới thiệu đến những thầy cô nổi tiếng và giúp tìm học bổng học lên cao nữa. Hoặc là họ sẵn sàng bỏ 1 năm về Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu - mặc dù vẫn có tiền lương, nhưng ít hơn so với mức họ nhận được ở Mỹ.

 

Thứ hai, chúng ta thường hô hào, kêu gọi du học sinh về nước, nhưng nếu tất cả học sinh về nước thì đó có hẳn là điều tốt cho Việt Nam không? Chưa chắc vậy. Đơn giản là vì nếu như tất cả du học sinh về nước thì ai sẽ cập nhật tình hình công nghệ kỹ thuật hiện đại cho Việt Nam, nhất là trong những ngành như IT, công nghệ nguyên tử, sinh học, vi trùng học cho Việt Nam? Ai sẽ truyền tải những sự thay đổi về kinh tế, văn hóa và xã hội của những nước sở tại cho người Việt Nam? Nếu không có du học sinh Việt Nam trải khắp các nước thì Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn gấp bội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Những cái đã làm được...

 

Mùa hè năm 2005 vừa qua, cả nước đã chứng kiến sự nhiệt tình và tận tâm của du học sinh từ mọi nơi qua tổ chức hàng loạt các dự án ở Việt Nam. Du học sinh từ Mỹ và các nước khác tham gia dự án hỗ trợ phát triển y tế ở Ninh Bình và Quảng Nam, cung cấp máy tính miễn phí cho Thành Đoàn TPHCM. Ba nhóm du học sinh khác nhau ở Mỹ, Anh và Pháp tổ chức hội thảo miễn phí ở nhiều địa phương nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm du học và xin học bổng. Một nhóm du học sinh ở Anh tận dụng vốn tiếng Anh và tin học để giúp nhân dân ở ngoại thành Hà Nội trong chiến dịch Mùa hè xanh. Ngoài ra còn rất nhiều các hoạt động cộng đồng ý nghĩa và đáng trân trọng của các du học sinh nước khác như Úc, Singapore, Nhật...

 

Trong một tiến bộ khác, các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian gần đây bắt đầu có những chiến lược “săn” du học sinh. Những tập đoàn tài chính hàng đầu như là VinaCapital và HSBC, những ngân hàng của Việt Nam hoặc những công ty luật nước ngoài thường là những “thợ săn” tích cực nhất. Rồi những tổ chức du học sinh như VietAbroader (www.vietaboader.org) ra đời đã góp phần đáng kể trong nhiệm vụ liên kết và tạo điều kiện cho du học sinh đóng góp cho Việt Nam.

 

...và sự mong muốn

 

Đây là một tín hiệu tích cực và đáng hoan nghênh, nhưng cần phải được phát huy và đẩy mạnh hơn nữa. Với số lượng du học sinh Việt Nam gần 50,000 người (số liệu năm 2004/2005 do Viện Giáo dục Quốc tế cung cấp) trải khắp năm châu thì đây là một nguồn lực lao động và tri thức khổng lồ. Trong quá trình hòa nhập thế giới của Việt Nam hiện nay, sẽ là một sự lãng phí tài năng và lao động rất lớn đối với Việt Nam, nếu như chúng ta không tận dụng thế mạnh ngoại ngữ và hiểu biết kinh tế, xã hội và phong tục ở các nước sở tại của các du học sinh một cách thiết thực và linh động.

 

Tôi nghĩ rằng, để làm được việc này, về phía nhà nước Việt Nam, cần có các động thái tích cực trong việc tuyên dương thành tích học tập cũng như khuyến khích và ủng hộ những hoạt động tình nguyện đóng góp cho Việt Nam của du học sinh; Tổ chức những hoạt động họp mặt và giao lưu cho du học sinh trong thời gian học tập ở các nước sở tại; Cũng như cần có những chính sách đối xử và đãi ngộ đặc biệt với du học sinh, tạo điều kiện cho họ hòa nhập và phát huy tối đa khả năng bản thân.

 

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, cần tích cực và mạnh mẽ hơn nữa trong nỗ lực tìm kiếm và “săn” du học sinh; Tạo mức lương hấp dẫn và phù hợp với khả năng đóng góp của du học sinh; Chủ động trong việc xây dựng một môi trường làm việc tiên tiến, thân thiện và thách thức cho nhân viên; Tài trợ cho những dự án nghiên cứu xã hội, khoa học và kỹ thuật của các du học sinh Việt Nam, biến những ý tưởng này thành những công cụ hiệu quả cho các hoạt động của các doanh nghiệp.

 

Nói tóm lại, để sự đóng góp của du học sinh có hiệu quả thì chúng ta cần xây dựng và đẩy mạnh sự liên kết ba bên giữa du học sinh, Nhà nước và các doanh nghiệp. Với tín hiệu tích cực như những ví dụ trong bài này, chúng ta đã và đang có một nền tảng vững chắc và lạc quan cho mối hợp tác ba bên. Điều này hứa hẹn một triển vọng sáng đẹp cho nỗ lực đóng góp của du học sinh Việt Nam vào quá trình xây dựng và phát triển quê hương trong thế kỷ 21.

 

 

Lan Hương