Dự kiến khoảng 20 trường cao đẳng sư phạm sẽ thay tên

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo dự thảo mà Bộ GD&ĐT đưa ra, đến năm 2030 sẽ không còn đào tạo giáo viên ở các trường cao đẳng. Khoảng 20 trường cao đẳng sư phạm hiện nay sẽ phải thay tên.

Thông tin được đưa ra tại tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm nay (30/11).

Một số trường cao đẳng sẽ thay tên

Hiện nay, Việt Nam có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó có 15 trường đại học sư phạm.

50 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo giáo viên; 20 trường cao đẳng sư phạm; 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.

Theo Bộ GD&ĐT, số lượng các trường cao đẳng sư phạm trong những năm gần đây giảm, một phần do thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về tinh giản đầu mối và biên chế, và thực hiện Luật Giáo dục 2019, yêu cầu trình độ của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở được nâng lên đại học, do đó các trường cao đẳng chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non.

Dự kiến khoảng 20 trường cao đẳng sư phạm sẽ thay tên - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: "Bộ sẽ lắng nghe ý kiến của các trường" (Ảnh: Đình Cường).

Để sử dụng hiệu quả nguồn lực, một số trường cao đẳng sư phạm trở thành phân hiệu của các trường đại học sư phạm hoặc trường đại học đa ngành hoặc sáp nhập với các trường cao đẳng địa phương.

Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm 2030, không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành.

Sáp nhập vào một trường đại học sư phạm hoặc một cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên trong vùng; sáp nhập vào một cơ sở giáo dục đại học tại địa phương.

Bộ dự kiến năm 2030, toàn quốc có khoảng 50 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo giáo viên các trình độ, giảm khoảng một nửa so với hiện tại.

Như vậy theo dự thảo này, đến năm 2030, sẽ không còn đào tạo giáo viên ở các trường cao đẳng, khoảng 20 trường cao đẳng sư phạm hiện nay sẽ thay tên.

Cụ thể, 11 cơ sở giáo dục đại học giữ vai trò hạt nhân và nòng cốt của mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên trong từng vùng và khu vực; tập trung nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc.

Khoảng 22 trường đại học đào tạo đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên các cấp học của địa phương và các tỉnh lân cận với khoảng 44% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc.

Khoảng 17 cơ sở giáo dục đại học khác tham gia đào tạo một số ngành đào tạo giáo viên đặc thù, chiếm khoảng 6% quy mô đào tạo.

Đề xuất tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho rằng, hiện cả nước thiếu khoảng 51 nghìn giáo viên mầm non.

Trong khi đó, có 3 trường cao đẳng trực thuộc Bộ là Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM đào tạo giáo viên mầm non cho cả nước.

Phó hiệu trưởng này đề nghị Bộ GD&ĐT nên tính toán để giữ lại 3 trường cao đẳng sư phạm trung ương để đào tạo giáo viên mầm non bởi lẽ đào tạo giáo viên mầm non ở bậc đại học sẽ rất lãng phí.

Dự kiến khoảng 20 trường cao đẳng sư phạm sẽ thay tên - 2

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT (Ảnh: Đình Cường).

Đại học Bách khoa, Huế, Đà Nẵng sẽ thành đại học quốc gia

Nhận xét về hệ thống giáo dục đại học hiện nay, Bộ GD&ĐT cho rằng, mặc dù có sự gia tăng về số lượng cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) nhưng hệ thống phát triển hiện không đồng đều, vẫn còn rất nhiều cơ sở GDĐH quy mô nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp và hoạt động kém hiệu quả.

Nhiều cơ sở GDĐH không mở rộng, phát triển được theo định hướng chiến lược phát triển của trường.

Tại Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GD&ĐT, việc sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở Giáo dục đại học (GDĐH) theo hướng cơ bản giữ ổn định về số lượng và cơ cấu, tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô của các cơ sở GDĐH.

Đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở GDĐH và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở GDĐH đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng trong đó:

Khoảng 30 cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia;

Khoảng 100 cơ sở GDĐH đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; ít nhất 70 cơ sở GDĐH tư thục, bao gồm cả các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt dự kiến tới năm 2030, cả nước phát triển thêm 3 đại học quốc gia trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Dự kiến khoảng 20 trường cao đẳng sư phạm sẽ thay tên - 3

Lãnh đạo một số trường đề nghị được đưa vào quy hoạch thành trường đại học trọng điểm quốc gia (Ảnh: Đình Cường).

3 đại học quốc gia này cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trở thành 5 đại học quốc gia, là các đại học thuộc nhóm hàng đầu Châu Á, có ít nhất 20 lượt lĩnh vực nằm trong top 1.000 thuộc các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Tại tọa đàm, lãnh đạo một số trường như: Đại học Văn hóa, Đại học Dược Hà Nội, Đại học mỏ địa chất, Đại học giao thông…, đề nghị được đưa vào quy hoạch thành trường đại học trọng điểm quốc gia.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm là để tốt hơn cho các thầy cô đang công tác tại các trường cao đẳng sư phạm cũng như giáo viên ở các địa phương.

Việc nhiều trường đại học mong muốn được đưa vào quy hoạch các trường đại học trọng điểm quốc gia, Thứ trưởng Sơn nói rằng, đây là mong muốn xác đáng. Bộ GD&ĐT rất mong muốn và sẽ lắng nghe để có thêm nhiều cơ sở giáo dục có tên trong danh sách này.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, trọng điểm là lựa chọn để có kế hoạch đầu tư. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, cần có lựa chọn các cơ sở sao cho phù hợp thực tế.