Học Anh văn chỉ với mức học phí 10 - 20 ngàn

(Dân trí) - Hàng đêm, vào các ngày thứ 2-4-6 trong tuần, những đứa trẻ nghèo ở khu vực quận 3, quận Tân Bình, quận Bình Thạnh (TPHCM)… lại mang tập vở đến học lớp Anh văn của Dự án Tương lai. Đặc biệt, mức học phí của những lớp này chỉ 10.000, 20.000 đồng/học sinh.

Người có ý tưởng thành lập ra lớp học là anh Trần Minh Hải, người điều hành Dự án tương lai thuộc Hội bảo trợ trẻ em TPHCM. Mục đích thật đơn giản: giúp trẻ nghèo có thể theo kịp bạn bè ở trường, giúp trẻ đường phố có thể giao tiếp với khách nước ngoài khi bán tranh ảnh, kẹo cao su, đánh giày... Mức học phí ở đây là những con số tượng trưng 10.000, 20.000 đồng/học sinh. “Chỉ là để giúp các em thấy có trách nhiệm với việc học của mình”, anh Hải cho biết. 

 

Ở đây học vui hơn ở trường
 

Được biết những lớp học Anh văn này hình thành từ năm 2000. Lúc đầu, rất nhiều học sinh của lớp học là trẻ đường phố nhưng hiện nay, đa phần học sinh trong lớp là trẻ nghèo. Các em đi học ở đây vì không thể có tiền đi học ở các lớp học thêm như những học sinh có điều kiện.

 

Cho đến giờ, thầy giáo Trần Xuân Hòa vẫn còn nhớ đến Thu Hà - cô học trò là trẻ nghèo nhưng học giỏi, lanh lợi. Trưởng thành từ lớp học tiếng Anh của Dự án tương lai, cô bé giờ đã đi du học Mỹ. Và khi chúng tôi đến lớp học này, còn có rất nhiều học sinh nữa, cũng mang trong mình những niềm khát khao đổi đời, vươn lên. Nói như Lâm Chí Thoại, người từ trẻ đường phố giờ trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh cho lớp học: “Tiếng Anh là hy vọng để đổi đời”.

 

Trong số các giáo viên người Việt ở lớp học tiếng Anh của Dự án tương lai, thầy giáo Nguyễn Chí Thoại có một lí lịch khá đặc biệt: anh vốn xuất thân là trẻ đường phố. Trở thành giáo viên dạy cho trẻ đường phố, theo lời anh chính là: “Trở về để cống hiến và làm những điều có ý nghĩa cho nơi đã cưu mang mình lúc khốn khó”.

Có những học sinh nhà ở rất xa vẫn tham gia lớp học này như Chiêm Nguyễn Trí Nguyên. Từ quận 4, ba mẹ phải chở em đi học nhưng cậu bé rất siêng năng và yêu thích lớp học này vì: “Ở đây học vui hơn ở trường nhiều”.

 

Trong lớp học của thầy Nguyễn Chí Thoại, có một nhóm trẻ nghèo người dân tộc Khơ me, khoảng 10 em, thường rủ nhau đi học chung. Nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ lượm ve chai, có lúc Lâm Minh Thuận (Q. Tân Bình) phải bỏ dở lớp học giữa chừng vì không có ai chở em đến trường. Ở nhà mấy tháng, nhớ bạn bè, nhớ lớp học, cậu bé xin mẹ mua cho chiếc xe đạp để tự đi đến lớp, không phải nhờ các anh chị trong xóm chở đi nữa.

 

Học Anh văn chỉ với mức học phí 10 - 20 ngàn - 1
Hai học sinh người dân tộc Khơ me phát âm và diễn tả điệu bộ bị lạnh: I’m cold. And you?

 

Gắn bó lâu cũng là vì lòng yêu trẻ

 

Bật mí về những tiêu chí để lựa chọn giáo viên cho lớp học Anh văn, anh Trần Minh Hải cho biết giáo viên ở các lớp học của Dự án tương lai ngoài việc phải có một trình độ ngoại ngữ nhất định, còn phải hiểu tâm lý trẻ đường phố, phải có sức mạnh cảm hóa các em.

 

Điểm khác biệt nhất giữa việc dạy ở lớp học trẻ đường phố và lớp học ở trung tâm ngoại ngữ là trình độ và lứa tuổi của trẻ đường phố rất không đồng đều. So với trẻ nghèo được đi học chương trình phổ thông thì khả năng ngữ pháp của trẻ đường phố không bằng nhưng các em lại vượt trội về khả năng giao tiếp.

 

Dạy một tuần 3 buổi, mỗi buổi 90 phút, những giáo viên ở đây có mức thù lao khiêm tốn: khoảng 1 triệu đồng/tháng. Vậy nhưng vẫn có nhiều những thầy cô tâm huyết với nghề như cô Nguyễn Huỳnh Minh Diệu (đã dạy 10 năm), thầy Trần Xuân Hòa (dạy 8 năm) rồi đến cô Tâm, thầy Thoại...

 

“Gắn bó lâu cũng là vì lòng yêu trẻ”, thầy Trần Xuân Hòa chia sẻ. Bắt đầu dạy ở lớp học dự án từ năm 2003, thầy Hòa có khá nhiều kỉ niệm với học sinh, vốn là trẻ đường phố, trẻ nghèo. Ông có hẳn một album hình ảnh của các em. Nhiều năm kinh nghiệm tiếp xúc với học trò, ông nhận xét: “Các em học sinh tuy nghịch nhưng ngoan vì các em đều biết hoàn cảnh khó khăn của bản thân”.

 

Ngoài giáo viên cơ hữu người Việt, còn có những giáo viên là tình nguyện viên người nước ngoài như Mỹ, Úc, Canada. Những thầy giáo tình nguyện viên này đều tình nguyện dạy miễn phí dù có nơi trả các thầy 10USD/giờ. Giáo viên người nước ngoài thường đảm nhiệm phần giao tiếp cho học sinh. Lúc này, giáo viên người Việt đóng vai trò như một cầu nối phiên dịch cho lớp học.

 

Tận tâm và hết sức nhiệt tình là điều mà chúng tôi nhìn thấy ở lớp học của Dự án tương lai. Như thầy giáo Bill (người Mỹ), đi dạy rất sớm. Gặp các em đứng ở cửa lớp học, ông cũng tranh thủ nói chuyện với các em bằng tiếng Anh.

 

Học Anh văn chỉ với mức học phí 10 - 20 ngàn - 2
Thầy giáo Bill nhiệt tình với những học trò đường phố.

 

Một điều đặc biệt là những lớp học ở Dự án tương lai được trang bị những phương tiện rất hiện đại, mà theo thầy Trần Xuân Hòa, “các trung tâm Anh văn làng nhàng ở TPHCM không thể sánh bằng”. Phòng học có sức chứa khoảng 15-20 em. Mỗi học sinh ngồi trên một chiếc bàn liền ghế. Lớp học có đầy đủ những dụng cụ trực quan minh họa bài học như ti vi, máy catsette, đầu đĩa DVD...

 

Để được học lớp tiếng Anh của Dự án tương lai, các em phải là trẻ đang sống trên đường phố, đang ở các mái ấm nhà mở, trẻ nghèo có sổ hộ nghèo của địa phương và là trẻ nhập cư cần có xác nhận tổ dân phố. Hiện nay, tại trụ sở của Dự án tương lai (280/10 Cách mạng tháng tám, P.10, Q. 3, TPHCM) có 4 lớp tiếng Anh học vào các vào các ngày 2-4-6, từ 17 giờ 30 đến 18 giờ 45, 19 giờ đến 20 giờ 15. Mỗi lớp học có khoảng 12 - 15 em. Được biết nguồn kinh phí hoạt động cho các lớp tiếng Anh từ năm 2006 đến nay do Công ty Target Sourcing Services tài trợ.

 

 

Bài và ảnh: Hoàng Hoa