"Không thể chấp nhận trẻ bắt nạt cả người dạy dỗ mình"

Mỹ Hà

(Dân trí) - Vụ học sinh ném dép, lăng mạ giáo viên đang gây xôn xao. Theo Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, trẻ bắt nạt nhau có nhiều nhưng bắt nạt cả người đang dạy dỗ mình không thể chấp nhận được.

Liên quan đến vụ học sinh ném dép, lăng mạ giáo viên ở Trường THCS Vạn Phúc (Sơn Dương, Tuyên Quang), TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc trẻ bắt nạt nhau, bắt nạt những người cùng trang lứa không phải bây giờ mới có.

Thế nhưng trẻ bắt nạt người đang dạy dỗ chính mình, quả thật lần đầu tiên ông thấy và không thể chấp nhận được. 

TS An

TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam (Ảnh: Thành Đông).

Sự việc trò "bắt nạt" thầy khiến nhiều người làm giáo dục đau lòng

Chia sẻ tại tọa đàm "Trò "bắt nạt" thầy: Căn nguyên ở đâu" do báo Dân trí tổ chức ngày 8/12, TS Ân cho rằng, một đứa trẻ trong cuộc đời, đôi khi có những lần chưa ngoan hoặc có hành động lệch chuẩn nhưng đừng vì thế mà cho rằng đó là đứa trẻ hư hoặc đánh giá cả một thế hệ hỏng hết.

Cũng theo người đứng đầu Công đoàn ngành Giáo dục, trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng có những lần sai sót, nhất là tuổi thơ. Điều đó thể hiện sự năng động, nghịch ngợm của những đứa trẻ bình thường.

Nhưng chúng bắt nạt cả người đang giảng dạy mình, khiến những người có trách nhiệm với ngành giáo dục đều rất đau lòng và phải suy nghĩ.

"Sự việc ở Tuyên Quang, nếu chỉ va chạm cô trò thuần túy là chuyện bình thường nhưng nếu phát hiện có bên thứ 3 tác động để diễn ra hành vi ứng xử đó của học trò, chúng tôi kiên quyết xử lý thích đáng các đối tượng đó.

Vấn đề đặt ra ở đây là an toàn cho trường học, ở đó giáo viên, học sinh không những được bảo vệ an toàn một cách thuần túy mà mỗi người phải có trách nhiệm tạo ra sự an toàn cho mình và cho mọi người trong nhà trường".

(TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục). 

Chuyên gia này cho rằng, ngày xưa học trò có trêu thầy cô nhưng chúng dấm dúi, giấu diếm và sợ hãi.

Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của nhiều phương tiện, trẻ xem việc này như thành tích cần thể hiện công khai. Một khi không hạn chế được mạng xã hội, chúng ta nên dạy trẻ đây là việc xấu, không cổ xúy, không được học theo.

"Ngày xưa chúng tôi đi bộ với nhau trên đường hàng tiếng đồng hồ, chúng tôi chia sẻ cho nhau những điều tốt đẹp.

Ngày nay, môi trường kết nối của các em không có. Trẻ thiếu sân chơi thiếu những cơ hội để trẻ học những cái tốt của nhau. Bố mẹ đưa con đi học sớm, đến trường tập trung học và hết giờ bố mẹ vội vã đón về.

Những sinh hoạt tập thể trên trường không đủ để trẻ thể hiện những điều tốt đẹp nên chúng tranh thủ thể hiện nhiều điều không còn đẹp", TS Ân nói.

Không thể chấp nhận trẻ bắt nạt cả người dạy dỗ mình - 2

Học sinh dồn cô vào góc lớp, ném dép lên người và lăng mạ giáo viên (Ảnh: Từ clip).

Nhà giáo chới với, hoang mang, bế tắc trong xử lý

Trở lại vụ việc ở Tuyên Quang, trả lời câu hỏi của phóng viên: Khi sự việc xảy ra, hiệu trưởng nhà trường cho rằng, cô còn thiếu kỹ năng xử lý tình huống. Trong khi đó, giáo viên cho rằng nếu đứng im, nhà trường bảo thiếu kỹ năng còn chống lại, phụ huynh sẽ nổi giận. Trong tình cảnh này, dường như giáo viên không biết làm gì để ngăn ngừa và ứng phó với các tình huống có nguy cơ xảy ra bạo lực học đường?

Ông Ân cho rằng, không phải ai muốn cũng có thể đi dạy học, khi làm nghề ấy trọn vẹn, có thể gọi họ là "nhà giáo".

Đã là nhà giáo, ắt có quy chuẩn. Chưa kể đây là nghề đặc biệt nên nhà giáo cần kỹ năng đặc biệt.

Trong giai đoạn xã hội đang biến đổi, giáo viên cũng phải thay đổi để ứng phó theo những biến đổi của cả ngành giáo dục.

Không thể chấp nhận trẻ bắt nạt cả người dạy dỗ mình - 3

Những vật dụng học sinh dùng để ném cô giáo ở trong lớp và ngoài đường (Ảnh: Mỹ Hà).

Để ứng phó với điều đó, không phải giáo viên nào cũng làm được. Có người ở tầng bậc cao, có người bậc thấp, họ chới với, hoang mang thậm chí bế tắc, điều đó là có.

Do đó, nâng cao năng lực ứng xử sư phạm cho giáo viên là cần thiết. Giáo viên phải có tay nghề tốt mới ứng phó được với các tình huống như thế. Một số giáo viên không chịu được, phải trả lớp cho nhà trường. Câu hỏi đặt ra, năng lực giáo viên ở đâu?

Ngoài ra, nghề dạy học là nghề làm gương, văn hóa Việt Nam là văn hóa nêu gương. Nếu không làm gương được, rất khó trong việc truyền tải thông điệp đạo đức cho học trò.

Theo TS Ân: "Có thể một vài giáo viên vô tình không làm gương được, tay nghề lại chưa cao và bế tắc về ứng xử trước học trò nên thất bại. Một khi thất bại, họ bị dư luận chọn những góc khuất nhỏ để thổi phồng lên. Điều đó, khiến những giáo viên chân chính như chúng tôi bị tổn thương và xúc phạm ngành giáo dục rất nhiều.

Tại sao tôi và đồng nghiệp ứng xử được nhưng một vài thầy cô không ứng xử được và bị đưa lên mạng? Tất cả những giáo viên chân chính đang bị tổn thương, đang đau đớn vì không ứng xử được những tình huống khó.

Tôi nghĩ không ai bồi dưỡng hết cho tất cả mọi giáo viên, vấn đề đặt ra lớn hơn là đội ngũ nhà giáo phải tự học hỏi và nâng cao bản thân".

Trước đó, khoảng 10h30 sáng 29/11, khi bắt đầu tiết âm nhạc ở lớp 7C, Trường THCS Vạn Phúc, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô P.T.H không cho. Một số em phản kháng, làm ồn và gây rối trong giờ học. Hết tiết học, cô giáo chuyển sang dạy lớp 6A thì một số học sinh lớp 7C đi sang, nói tục, xúc phạm, quay video đăng lên Facebook.

UBND tỉnh Tuyên Quang đánh giá hành vi của một số học sinh trong sự việc là "không đúng mực, vô lễ với giáo viên", đồng thời chỉ đạo xem xét trách nhiệm của hiệu trưởng khi để xảy ra sự việc.