Không thể thông cảm…

Theo TS Nguyễn Hồi Loan - Chủ nhiệm khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia HN) - thì phải xử lý thật nghiêm khắc những <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/3/104413.vip"> trường hợp hành hạ học sinh</a>.

- Việc dùng nhục hình trong giáo dục ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất học sinh tồn tại trong giáo dục từ thời phong kiến. Vai trò của thầy đồ ngày xưa được tuyệt đối hoá, được đề cao trong đời sống xã hội. Vì vậy mà những hành vi xâm hại học sinh như đánh đòn, bắt quỳ gối, dọn dẹp... vẫn được chấp nhận, không có sự phản kháng.

 

Khi chúng ta xây dựng nền giáo dục XHCN, những hành vi này không còn được thừa nhận, coi như là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, phải nói là hiện tượng dùng nhục hình xâm hại, làm tổn thương về thể xác và tinh thần HS vẫn tiếp tục đã và đang xảy ra.

 

Nguyên nhân của những hành vi này, theo ông là do đâu?

 

Theo quan niệm của tôi, những GV này không được đào tạo đầy đủ, bài bản, không hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của người thầy. Do có những thiếu hụt trong quá trình nhận thức nên có những cách cư xử không phù hợp, có những khi họ coi HS không phải là HS mà như "con vật", mạt sát, làm nhục học trò. Bản thân giáo viên không thấy rõ được vai trò, vị trí của mình trong giáo dục, không chỉ dạy chữ cho học trò mà còn phải dạy làm người. Đối với học trò nhỏ, các thầy cô là tấm gương, giúp các em tiếp cận với những chuẩn mực của xã hội.

 

Bên cạnh đó, cũng có những GV có thể có những biểu hiện bệnh lý lâm sàng như stress, trầm uất, những phiền muộn trong đời sống gia đình, quan hệ xã hội... không có chỗ để giải toả; nên khi gặp HS bướng, không ngoan hoặc mắc lỗi sẽ như gặp kích thích, họ sẽ bùng lên để giải toả.

 

Với những lý do như ít kinh nghiệm, căng thẳng tâm lý... có thể "thông cảm" cho những sai lầm kiểu này của GV?

 

Rất khó để thông cảm. Thiệt hại về kinh tế dù có nhiều đến đâu cũng còn có thể khắc phục được, nhưng thiệt hại về nhân phẩm là rất khó. Nhất là đối với một xã hội có truyền thống tôn sư trọng đạo như nước ta, thì những hành vi trên đã bôi xấu, đụng chạm đến giá trị thiêng của dân tộc. Do đó, phải kỷ luật nghiêm khắc tất cả những trường hợp vi phạm để làm gương.

 

Nếu người GV tự cảm thấy thiếu hụt khi so với những chuẩn mực cần đạt được thì phải tìm cách hoàn thiện, hoặc là phải rút ra khỏi ngành. Nếu chỉ xem là nghề để kiếm sống thì không đủ, phải biết hy sinh và chấp nhận hy sinh. Tất nhiên là họ sẽ được đền đáp bởi vinh quang mà nghề nghiệp mang lại.

 

Bên cạnh đó, xã hội phải đánh giá cao và quan tâm chăm lo hơn tới đời sống của nhà giáo.

 

Theo Lê Hạnh

Lao Động