Lò luyện vắng sĩ tử

(Dân trí) - Thời điểm cuối tháng 4 này hàng năm, phố Tạ Quang Bửu - lò luyện thi ĐH lớn nhất Hà Nội - chộn rộn sĩ tử, băng rôn quảng cáo “trình” của thầy treo đỏ chót dọc phố. Năm nay, màu đỏ của các dải quảng cáo chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Hà Nội: Thầy nhiều “mẹo”, sĩ tử vẫn “chê”
 
Vào thời điểm này năm trước, nếu cậu học trò nào đi qua phố Tạ Quang Bửu (cạnh Bộ GD-ĐT và ĐH Bách khoa Hà Nội) sẽ được các cò trung tâm luyện thi níu kéo mời chào. Tuy nhiên, năm nay khác hẳn, đi hết phố chúng tôi mới thấy có 3 điểm treo băng rôn quảng cáo luyện thi.  

Tại bàn phát lịch học của Trung tâm luyện thi đại học Đa Minh, cô nhân viên ngồi ngáp ngắn ngáp dài. Cả buổi sáng có 3 học sinh đến xin lịch, dù giá mỗi buổi học chỉ tăng hơn so với năm trước 1.000đ. Thí sinh nào đăng ký học theo buổi thì 15.000đ/buổi, học theo tháng thì 11.000đ/buổi.  

Hai cậu học trò “lớp 13” là Vũ Quý Dương và Nguyễn Tuấn Anh (quê Bắc Ninh) đang luyện thi ở trung tâm Đa Minh cho biết, lớp học liên tục phải dồn vì lượng học sinh ít. Được biết, phòng luyện thi của trung tâm này chứa được khoảng 200 chỗ nhưng nay mỗi buổi chỉ có chưa đầy 50 học sinh.

Để chiêu sinh, Trung tâm Đa Minh thông báo mở thêm 2 lớp luyện “đặc biệt” do thầy Trung Hiếu giảng về Hoá học, tuần 2 buổi. Theo cô nhân viên quảng cáo, lớp đặc biệt này để thầy “truyền kinh nghiệm” và “mẹo” làm bài thi đạt điểm cao. Thầy chỉ dạy 50 học sinh/buổi, nhanh không hết. Giá của mỗi buổi của lớp học “đặc biệt” này không thay đổi so với các lớp ôn thường kia. Thế nhưng xem ra lượng thí sinh đăng ký không mấy khả quan.

Trung tâm luyện thi ĐH Bách khoa “Bác Lân” N5 - trung tâm nổi tiếng của “phố luyện thi” Tạ Quang Bửu cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Theo lịch học thì mỗi ngày trung tâm có 3 ca, từ 7h30 đến 16 giờ. Tại lớp học Hoá lý thuyết của thầy Trung Hiếu sáng ngày 23/4, chỉ có khoảng hơn 30 thí sinh trong phòng học rộng rãi, so với mọi năm, lượng thí sinh giảm một nửa.

Cũng để thu hút học sinh, Trung tâm liên tục mở các lớp thi thử đại học vào Chủ nhật hàng tuần. Mỗi môn thi thí sinh chỉ phải nộp 20.000đ, riêng môn trắc nghiệm học sinh phải nộp thêm 5.000đ tiền giấy thi. Trung tâm sẽ trả bài sau 1 tuần.  

Một cán bộ của trung tâm này tâm sự: “Không ngờ năm nay học sinh đến đăng ký học ít như vậy, chỉ bằng 1/3 năm trước”.
 
TPHCM: Trung tâm uy tín cũng ế
 
Lò luyện vắng sĩ tử - 1

Phòng ghi danh vắng lặng khác thường so với các năm trước
 
Chưa bao giờ các lò luyện thi tại TPHCM lại rơi vào cảnh “ế ẩm” như năm nay. Hiện toàn thành phố có khoảng 400 trung tâm nhưng đến thời điểm này, học viên vắng, các trung tâm chỉ hoạt động cầm chừng.

Cô nhân viên ghi danh của một TTLT trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1 than: Lượng học viên năm nay giảm nhiều so với cùng thời điểm các năm trước, không hiểu sĩ tử “trốn” đi đâu”.

Tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) - nơi có hàng chục lò luyện nhưng không khí vắng vẻ, đìu hiu đến lạ. Hai bên đường đầy băng rôn, bảng quảng cáo, nhưng không thấy bóng dáng một học sinh nào.  

Trung tâm luyện Vĩnh Viễn vốn là địa chỉ “có tiếng” ở TPHCM, mấy phòng học cỡ 200 người, điều hoà vẫn chạy, điện vẫn sáng nhưng chỉ lơ thơ vài chục học sinh...

Việc các lò luyện thi ế ẩm có lẽ cũng dễ hiểu bởi giới hạn đề thi đã được Bộ GD-ĐT thông báo công khai. Hơn nữa các phương tiện ôn luyện tiện lợi hơn như ôn thi qua mạng đang ngày càng phổ biến. Chỉ cần ngồi tại nhà, học sinh có thể tra cứu tài liệu và học bài không kém gì đến “lò” mà lại tiết kiệm được tiền và thời gian rất lớn.

Ngoài ra, theo TS Lê Khắc Cường - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH KHXHNV TPHCM, “đề thi ĐH một số môn theo kiểu trắc nghiệm khiến các thí sinh tự học, tự ôn hơn là tìm đến các TTLT, bên cạnh đó đầu vào của một số trường khá thấp nên tâm lý không sợ trượt khiến nhiều thí sinh không còn mặn mà với các lò luyện thi”.

Hồng Hạnh - Trung Kiên