Nghệ An: Gần 380 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2011

(Dân trí) - Chiều nay 27/2, Sở GD-ĐT Nghệ An đã tổ chức tổng kết Hội thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh cấp THPT năm 2011. Theo đó, có 376 người được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2011.

 
 Hội thi là sự kiện nổi bật của ngành trong năm học 2011-2012. Đây là hội thi lần đầu tiên ở cấp THPT được tổ chức theo tinh thần Thông tư số 21/2010 của Bộ GD-ĐT, lần đầu tiên được tổ chức sau khi có Chuẩn nghề nghiệp giáo viên (GV) trung học, là hội thi có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 1012 GV dự thi. Hội thi khai mạc ngày 31/12/2011 và kết thúc vào ngày 23/2/2012.

Qua 840 tiết dạy của 420 GV dự thi thực hành, có 433 tiết dạy được xếp loại giỏi, chiếm tỷ lệ 51,6%, có 405 tiết xếp loại khá, chiếm tỷ lệ 48,2%, có 2 tiết xếp loại trung bình, chiếm tỷ lệ 0,2%. Trong số 420 GV dự thi, có 57 người có cả 2 tiết dạy xếp loại giỏi, chiếm tỷ lệ 13,6%.

Với 1012 GV tham dự, hội thi đã chọn được 376 người đạt danh hiệu “GV dạy giỏi tỉnh cấp THPT”, chiếm tỷ lệ 37,15%.

Các GV dự thi kiểm tra năng lực chuyên môn, đã có 424 người có bài thi đạt 16 điểm trở lên (đạt tỷ lệ 41,89%), trong đó có nhiều bài thi xuất sắc từ 19 điểm trở lên. Ban Giám khảo đã chọn ra những GV đạt điểm cao nhất của các môn thi. Một điều đáng biểu dương là trong 11 GV đạt điểm lý thuyết cao nhất thì có 9 người thuộc về các trường vùng nông thôn.

Nghệ An: Gần 380 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2011  - 1
 Sở GD-ĐT Nghệ An đã trao Giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2011 cho 376 giáo viên.
 
Hội thi diễn ra đúng kế hoạch, đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng, có tác dụng khuyến khích động viên GV học hỏi, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu giáo dục.
 
Tại hội nghị tổng kết, lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An cũng đã đánh giá và chỉ rõ những mặt đạt được, hạn chế của các GV qua các phần thi như: Phần thi sáng kiến kinh nghiệm năm 2011 khá mới so với các kỳ thi trước đây. Đó là GV dự thi có tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nhưng đã rất cố gắng trong việc tích lũy, đúc rút sáng kiến kinh nghiệm hoặc nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng gắn với bộ môn, thực tiễn nhà trường và địa phương. Qua phần thi này cho thấy GV dự thi đã biết đi sâu phân tích thực trạng, chỉ ra nguyên nhân hạn chế, tồn tại để từ đó đề xuất các giải pháp hợp lý trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động dạy học bộ môn hoặc trong công tác chủ nhiệm lớp, quản lý, giáo dục học sinh.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của phần thi này ở chỗ: mặc dù đã gắn với một địa chỉ cụ thể nhưng nhìn chung các giải pháp mà một số tác giả đưa ra vẫn còn nặng về lý thuyết, tính thực tiễn chưa cao, do đó, các vấn đề mà tác giả nghiên cứu hoặc đúc rút chưa có sức lan tỏa lớn, việc ứng dụng chưa được sâu rộng. Ở phần thi này với 56 người có sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng khoa học ngành GD-ĐT Nghệ An xếp bậc 4 khuyến khích, có 365 người có sáng kiến kinh nghiệm hoặc nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đạt từ 60 điểm trở lên.

Trong khi đó, phần thi thực hành giảng dạy là phần thi kéo dài nhất và sôi động nhất. Theo quy định của Điều lệ Hội thi, từ khi bắt thăm bài dạy đến khi giảng dạy có thời gian ít nhất 1 tuần, do đó giáo viên có điều kiện chuẩn bị chu đáo, kỹ càng cho cả hai tiết dạy. Đây cũng là phần thi thể hiện rõ nhất năng lực, trình độ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp dạy học của GV dự thi cũng như sự quan tâm, chăm lo của tổ chuyên môn, của nhà trường, của đồng nghiệp đối với người dự thi.

Ngoài việc lựa chọn kiến thức, xây dựng kế hoạch bài dạy khoa học, hợp lý, nhiều GV còn đầu tư tìm tòi các hình ảnh, tư liệu phong phú phục vụ cho bài giảng, xây dựng thành video clip rất sinh động. GV dự thi đã khai thác thành công thiết bị dạy học, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin. Trong giảng dạy đã xác định đúng trọng tâm bài dạy, truyền thụ kiến thức đầy đủ, chính xác, hệ thống, biết liên hệ thực tiễn tốt, vận dụng phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo, phát huy được tính tích cực của học sinh.

Tuy vậy, qua phần thi thực hành giảng dạy cũng đã bộc lộ hạn chế của một số GV dự thi. Đó là một số ít GV nắm kiến thức chưa sâu rộng; phân bổ thời gian chưa thật hợp lý; chưa mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, còn ham truyền tải nhiều kiến thức nên nói nhiều, sa vào thuyết trình; kỹ năng tổ chức dạy học vẫn còn hạn chế, thiếu linh hoạt; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn có biểu hiện lạm dụng công nghệ, chưa khai thác hết ý tưởng đã thiết kế.

Tại buổi tổng kết, Sở GD-ĐT Nghệ An đã trao Giấy chứng nhận GV dạy giỏi cấp tỉnh năm 2011 cho 376 GV. Trong đó có 14 GV đạt giải Nhất, 21 GV đạt giải Nhì và 2 giải tập thể: Trường THPT Hà Huy Tập và Trường THPT Dân tộc nội trú Quỳ Châu đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi GV giỏi tỉnh 2011.

Nguyễn Duy