“Siêu thị chương trình” hấp dẫn học sinh Trung Quốc

Hai năm trước, Wang Xiao là một học sinh kém và chỉ thích chơi game online. Nhưng đó đã là chuyện ngày xưa.

Cậu học sinh Trường trung học Đường sắt số 6 của thành phố Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc) vừa trở thành một điển hình vươn lên của trường nhờ tìm được môn học yêu thích trên “Siêu thị chương trình”.

 

Thầy, trò cùng học

 

“Siêu thị chương trình” là một nỗ lực cải cách chương trình học nhằm khơi gợi tinh thần ham học hỏi của học sinh. Hai năm trước, Bộ Giáo dục Trung Quốc quyết định cải tổ chương trình học cấp II, thay chương trình ấn định bằng một hệ thống chương trình ba nấc, trao cho chính quyền địa phương và nhà trường quyền đưa ra chương trình học.

 

Su Feng, hiệu trưởng Trường số 6, kể việc hình thành “Siêu thị chương trình” của trường như sau: đầu tiên, giáo viên sẽ tìm hiểu xem học sinh mình thích học gì. Trên cơ sở này, họ đưa ra các môn học liên quan tới những sở thích trên.

 

Cuối cùng, giáo viên sẽ mở các khóa học mới. Danh sách các khóa học này sẽ được đưa lên bản tin trong trường để học sinh ghi danh, và chỉ cần có 20 em thì một khóa học sẽ được bắt đầu.

 

Theo hiệu trưởng Su, các đề nghị và những môn học của học sinh đưa ra kỳ quái tới mức đôi khi giáo viên cảm thấy stress (thí dụ, môn học mà Wang Xiao yêu thích để làm nên “lịch sử” của cậu ta là lịch sử vũ khí.

 

Một số khóa học có thể kể như “Làm thế nào để thông minh?”, “Bí ẩn của thế giới”, “Dị biệt văn hóa trong các món ăn Trung Hoa và phương Tây”...)! Tuy vậy, các giáo viên cũng nghiêm túc nhận lớp và nhanh chóng chuẩn bị tư liệu.

 

Yang Yang, giáo viên mở khóa học về vũ khí trên “Siêu thị chương trình”, cho biết anh phải đọc rất nhiều tài liệu, làm phim slide và chọn một cách dạy thích hợp cho môn học này.

 

Học sinh có thể ngắt ngang lời thầy để đặt câu hỏi hay tranh luận, điều trước đây bị cho là vô phép trong học đường Trung Quốc, nơi người thầy nắm quyền uy tuyệt đối. Theo thầy Yang, trong những khóa học này, cương vị thầy trò gần như bị xóa nhòa: ai biết người đó sẽ là thầy!

 

Vì thế, để dạy được những lớp này, người thầy phải làm giàu kiến thức mình gấp nhiều lần nếu không muốn “mất mặt” trước học sinh. Những câu hỏi của học sinh thì rất đa dạng và thú vị vì chúng “moi” ra từ Internet rồi đưa vào lớp.

 

Thật sự hiệu quả

 

Một học sinh khác của trường, Yang Guang, người đăng ký học khóa "Bí ẩn của thế giới”, nói lợi ích lớn nhất mà em nhận được từ “Siêu thị chương trình” là hiểu những điều chưa biết. Yang cho biết số môn học mà siêu thị đề nghị cho học sinh đã tăng từ 20 - 40 trong hai năm qua và các bạn học cùng em rất thích. Một số môn rất khó “lọt” vào vì quá đông bạn đăng ký.

 

Phương pháp giáo dục truyền thống Trung Quốc xem nhẹ sự dị biệt giữa các học sinh, bất kể họ có ưa thích môn học nào đó hay không. Yue Yudian, người đứng đầu Văn phòng học tập giáo dục thuộc Phòng Giáo dục tỉnh Hà Nam, nói “Siêu thị chương trình” giúp hàn gắn khiếm khuyết này.

 

Trường trung học Đường sắt số 6 hào hứng cho biết sẽ đưa ra một báo cáo đặc biệt về “Siêu thị chương trình”. Theo luật Trung Quốc, một phương pháp dạy học mới sau khi đã qua ba năm thể nghiệm có thể giới thiệu với các trường khác nếu chứng minh được hiệu quả của nó.

 

Theo Thùy Linh

Tuổi Trẻ/Xinhua