Toà án bác cáo buộc ĐH Harvard phân biệt sắc tộc trong tuyển sinh

Lệ Thu

(Dân trí) - Tòa phúc thẩm của Mỹ cho rằng ĐH Harvard không vi phạm pháp luật khi coi sắc tộc là một trong những căn cứ trong tuyển sinh.

Trước đó, ĐH Harvard bị cáo buộc ưu tiên người Mỹ gốc Phi và Tây Ban Nha trong khi phân biệt đối xử thí sinh gốc Á.

Toà phúc thẩm vòng một, hôm 12/11 vừa qua, chấp thuận việc ĐH Harvard xem xét yếu tố sắc tộc khi tuyển sinh. Quyết định của hội đồng thẩm phán gồm hai thành viên Boston, tán thành phán quyết của tòa án từ tháng 10/2019 rằng việc Harvard coi chủng tộc là một trong nhiều yếu tố trong tuyển sinh đại học không vi phạm luật liên bang và nằm trong tiền lệ của Tòa án tối cao.

“Quy trình tuyển sinh của Harvard không đặt nặng vấn đề chủng tộc đến mức nó trở nên máy móc và mang tính quyết định trong thực tế. Yếu tố sắc tộc chỉ là một phần của quá trình xem xét hồ sơ toàn diện. Việc sử dụng này trước đây đã được Tòa án tối cao đánh giá là tiêu chí xem xét chủng tộc một cách không máy móc”.

"Quy định trong chương trình tuyển sinh có yếu tố chủng tộc của ĐH Harvard không vi phạm Điều VI Đạo Luật Dân quyền", The Harvard Gazette trích phán quyết tòa bác bỏ cáo buộc của nguyên đơn - nhóm sinh viên vì tuyển sinh công bằng (SFFA).

Năm 2014, SFFA do Edward Blum - người dành nhiều thập kỷ để đấu tranh thúc đẩy sự đa dạng trong môi trường đại học - thành lập đã khởi kiện ĐH Harvard.

SFFA cáo buộc Harvard đưa yếu tố sắc tộc vào để "cân bằng chủng tộc" một cách không thể chấp nhận được. Theo tổ chức này, quy định tuyển sinh của Harvard giúp người Mỹ gốc Phi hoặc gốc Tây Ban Nha dễ trúng tuyển hơn người gốc Á.

Toà án bác cáo buộc ĐH Harvard phân biệt sắc tộc trong tuyển sinh - 1
Tòa án Tối cao Mỹ cho phép các trường đại học và cao đẳng sử dụng tiêu chí sắc tộc trong tuyển sinh, nhưng đồng thời quy định tiêu chí này chỉ được đưa ra trong thời hạn nhất định và phải được điều chỉnh để thúc đẩy sự đa dạng chủng tộc trong môi trường học đường.

Rachael Dane, phát ngôn viên ĐH Harvard, cho hay phán quyết của tòa phúc thẩm hôm 12/11 phản ánh nỗ lực của trường trong việc tạo ra môi trường đa dạng, khuyến khích học tập, sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và cùng phát triển.

Quyết định của tòa chưa làm hài lòng phía nguyên đơn. Ông Edward Blum tuyên bố sẽ đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cáo để "chấm dứt chính sách tuyển sinh không công bằng dựa trên sắc tộc tại Harvard cũng như các đại học khác".

Vụ kiện được hỗ trợ bởi Liên minh Giáo dục Người Mỹ gốc Á và Quỹ Pháp lý Người Mỹ gốc Á, cùng với hơn 150 tổ chức người Mỹ gốc Á khác, phần lớn đại diện cho người Mỹ gốc Hoa.

Không chỉ nhắm đến Harvard, SFFA còn theo đuổi vụ kiện ĐH Texas, ĐH North Carolina. Dưới thời Tổng thống Trump, Bộ Tư pháp Mỹ công khai ủng hộ tổ chức này. Chính quyền của ông Trump cũng đệ đơn kiện ĐH Yale, cáo buộc Ivy League - nhóm 8 trường tư danh tiếng ở Mỹ có tình trạng phân biệt đối xử với thí sinh da trắng và ứng viên gốc Á.

Toà án bác cáo buộc ĐH Harvard phân biệt sắc tộc trong tuyển sinh - 2

Edward Blum cho biết SFFA sẽ tiếp tục đệ đơn lên Tòa án Tối cao sau phán quyết của tòa phúc thẩm (Ảnh: Washington Post).

Trong khi đó, SFFA cho rằng Harvard không điều chỉnh quy định về chủng tộc, áp dụng một cách cơ học. Do đó, trường vi phạm Điều VI Đạo Luật Dân quyền năm 1964 mà lẽ ra trường phải tuân thủ để nhận tài trợ liên bang.

Đầu mùa hè năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện Đại học Yale, cáo buộc rằng quy trình tuyển sinh của trường phân biệt đối xử. Cụ thể, đa số ứng viên người Mỹ da trắng và gốc Á ít có khả năng được nhận vào học hơn người Mỹ gốc Phi có thành tích học tập tương đương, từ 4 đến 8 lần.

Kết luận của chính quyền Trump đã gây phản cảm cho các chuyên gia chính sách giáo dục đại học, học giả và các nhà quản lý trường cao đẳng và đại học, những người đang cố gắng tìm cách làm cho sinh viên da đen và Tây Ban Nha dễ tiếp cận hơn với các trường đại học hàng đầu thế giới.