Nữ sinh 8X đam mê Hóa học có thành tích cực “khủng”

(Dân trí) - Với tổng kết 3.62/4.0 theo chương trình đào tạo tiên tiến, cô sinh viên 8X Nguyễn Thị Thùy Liên đã bảo vệ khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh, tốt nghiệp xuất sắc của trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) và giành được học bổng học 5 năm tiến sỹ tại ĐH Illinois (Mỹ).

Thành tích học tập đáng nể

Đam mê Hóa học từ nhỏ, mày mò thí nghiệm và thích những phản ứng hóa học giữa các chất, cô bé nhỏ nhắn Thùy Liên đã yêu Hóa học ngay khi tiếp xúc với nó. Cô quyết tâm không tham gia cuộc thi học sinh giỏi quốc gia môn Hóa bởi cô muốn “dành trọn thời gian để nghiên cứu nó, và học đều tất cả các môn”.

Quyết tâm thi đại học vào khoa Hóa, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Liên sở hữu 2 điểm 10 môn Hóa và Lý. Được tuyển vào lớp Tài năng, học chương trình tiên tiến thí điểm của Bộ GD-ĐT, ngoài việc nghiên cứu sâu thêm về ngành Hóa, Liên còn phải học trên 10 môn chuyên ngành bằng tiếng Anh và điều kiện trước khi ra trường phải đạt IELTS 6.5.
 
Nữ sinh 8X đam mê Hóa học có thành tích cực “khủng” - 1

Thùy Liên tại buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp bằng Tiếng Anh tháng 6 vừa rồi.

Thật không dễ dàng để đạt được thành tích đó. Thời gian đầu, Liên chán nản và mệt mỏi vì học quá nhiều môn, nghe các giáo sư nước ngoài giảng dạy và đọc tài liệu bằng tiếng Anh, Liên không có thời gian để dành tình yêu cho môn Hóa nữa. “Ban đầu choáng vì mình là “dân” khối tự nhiên, chỉ nghe thầy giảng bập bõm, còn đâu chép trên bảng và về nhà tự đọc sách. Quyển từ điển chuyên ngành luôn thường trực ở trên tay mình, nhiều khi cả tuần chẳng đi chơi được đâu” - Thùy Liên tâm sự.

Để sắp xếp hợp lý, Liên nói thêm: “Mình học Hóa xen kẽ với tiếng Anh, như thế mình bớt căng thẳng và mệt mỏi hơn. Lúc giải lao, mình nghe các bài hát và đoạn hội thoại tiếng Anh, nên thấy khá thú vị”.

Năm thứ 4, Liên may mắn được thực tập 2 tháng tại ĐH Illinois (Mỹ) và được tham gia các dự án thiết thực về điều chế thuốc đã thôi thúc cô quyết tâm thi IELTS để học tiến sỹ ở nước ngoài. Thời gian này đối với Liên là quan trọng nhất để Liên khẳng định mình. Liên nhận được rất nhiều sự động viên và giúp đỡ của các thầy cô bên đó. Thầy Alexandre Scheeline giảng dạy môn Hóa phân tích ở trường ĐH Illinois là người ủng hộ và ảnh hưởng nhiều nhất đến việc học tiếng Anh của Liên. Liên thường xuyên trao đổi bài học, cũng như chia sẻ, tâm sự qua mail hay chat voice qua yahoo.

Với điểm tổng kết 3.62/4.0, Thùy Liên tốt nghiệp với vị trí á khoa, được nhận bằng khen sinh viên xuất sắc và là một trong 9 sinh viên được tuyên dương trước toàn trường năm học 2007 - 2011.

Và hoài bão lớn

Có ước mơ du học từ cấp 3, thường xuyên theo dõi các chương trình khoa học trên báo đài, Liên đam mê Hóa học từ lúc nào. Tình cờ, Liên tham gia các hoạt động tình nguyện giúp đỡ trẻ em chất độc màu da cam, cô bé đầy hoài bão có mơ ước thực tế hơn: “Muốn trở thành nhà nghiên cứu về hóa học, trở thành một trong những người đầu tiên điều chế ra thuốc chữa bệnh ung thư, đưa nền khoa học ứng dụng vào cuộc sống ở Việt Nam”, Liên khẳng định.

Liên cho rằng nền khoa học ứng dụng vào cuộc sống ở nước ta còn chưa phát triển. Nếu so với nước ngoài thì “chẳng thấm vào đâu”. Sau 2 tháng thực tập ở ĐH Illinois, cô đã vạch ra con đường ước mơ của mình một cách rõ ràng. Cô chia sẻ về điều học hỏi được: “Mình được tiếp xúc với nền khoa học tiên tiến trên thế giới, về công nghệ hóa sinh như biến đổi gen và làm cùng các dự án điều chế thuốc chữa bệnh…”. Điều này khiến cô sinh viên đam mê Hóa nỗ lực và quyết tâm hơn.
 
Nữ sinh 8X đam mê Hóa học có thành tích cực “khủng” - 2

Nụ cười hạnh phúc của Thùy Liên trong ngày nhận bằng tốt nghiệp.

Mặc dù gia đình không ai theo ngành Hóa, mẹ của Liên luôn khuyên cô con gái không nên theo vì "vất vả và độc hại". Nhưng đối với Liên, đắm mình vào các phản ứng hóa học, nghiên cứu những điều bí ẩn và kỳ diệu của Hóa học là điều thú vị nhất mà cô không dễ dàng từ bỏ.

Ngày 24/7 sắp tới, Liên sẽ lên đường sang ĐH Illinois (Mỹ) để học tiến sỹ trong 5 năm. Cô dự định sẽ về Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu và tìm ra những loại thuốc, phát minh ra phương thức chữa các bệnh ung thư. “Mình không có dự định ở bên đó, mình còn trẻ nên phấn đấu, học tiến sỹ bên đó với mục đích có thêm kiến thức để phục vụ nước nhà”, Liên cười tươi chia sẻ.

Không phải là người quá nổi bật, nhưng Thùy Liên luôn tự hào về tình yêu Hóa học của mình. Đối với cô, nghiên cứu Hóa học là sự nghiệp của cả đời, không dễ gì từ bỏ.

Kim Ngân