Nguyên nhân xảy ra lũ quét và cách phòng tránh

Minh Khôi

(Dân trí) - Lũ quét là một loại hình của lũ đặc biệt lớn, xảy ra bất ngờ trên các sông, suối tại miền núi, trung du và duy trì trong một khoảng thời gian ngắn.

Nguyên nhân xảy ra lũ quét và cách phòng tránh - 1

Lũ quét rất dễ xảy ra do ảnh hưởng của mưa lớn, thường gặp tại tỉnh miền núi, trung du (Ảnh minh họa).

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm nay (29/9) ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi trên 100mm.

Cùng với đó là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Lũ quét hình thành thế nào?

Lũ quét là một loại hình của lũ đặc biệt lớn, xảy ra bất ngờ trên các sông, suối tại miền núi, trung du và duy trì trong một khoảng thời gian ngắn.

Nguyên nhân chính gây ra lũ quét thường là mưa lớn với cường độ cao. Tuy nhiên, lũ quét chỉ thực sự nguy hiểm khi xảy ra ở lưu vực có sườn núi dốc, địa hình bị chia cắt mạnh mẽ tạo thành các hẻm, vực sâu, lớp phủ thực vật thưa bị phá hủy bừa bãi.

Nguyên nhân xảy ra lũ quét và cách phòng tránh - 2

Lũ hình thành do mưa lớn, khiến mực nước tại các sông, suối tăng vọt, sau đó đổ xuống vùng thấp hơn từ trên cao (Ảnh: NIWA).

Ngoài ra, lưu vực các sông suối có mặt lưu vực bị phong hóa mạnh, kết cấu kém cũng dễ xảy ra lũ quét.

Đặc điểm chính của lũ quét là chứa một lượng vật rắn rất lớn, thường là bùn, đá... nên còn được gọi là lũ bùn đá, rất hay xảy ra ở nước ta. Lũ quét thường xảy ra nhất vào ban đêm và sáng sớm, kéo dài từ 3 - 6 tiếng trong các tháng mùa lũ.

Ngoài ra, cũng có thể bắt gặp các loại hình khác của lũ quét, như lũ quét nghẽn dòng, lũ quét do vỡ đập, đê, hồ chứa...

Lũ quét khác gì lũ ống?

Lũ quét và lũ ống đều là hiện tượng thiên nhiên xảy ra trong mùa mưa bão. Về cơ bản, hai loại lũ này đều được hình thành do nước từ trên cao đổ xuống đột ngột, tạo ra sức tàn phá lớn đối với hạ lưu, có thể quét mọi thứ gặp phải trên đường đi.

Tuy nhiên, loại hình lũ ống thường gặp hơn ở những vị trí khe suối, sông nhỏ chảy qua 2 bên sườn đồi núi thung lũng bị khép lại khiến đường thoát nước bị hẹp dần và co thắt ở 1 điểm.

Khi xảy ra mưa ở thượng nguồn, nước đổ về nhiều và không kịp thoát tại điểm co thắt khiến mực nước dâng nhanh, tạo dòng chảy xiết.

Trong khi đó, lũ quét xảy ra khi hình thành một khối lượng nước khổng lồ trong thời gian ngắn, chủ yếu do những cơn mưa dông, bão nhiệt đới... hoặc do đập bị vỡ, hay xả lũ đập một cách vội vàng với khối lượng có thể lên tới hàng ngàn mét khối/giây.

Chính bởi yếu tố có lượng nước lớn, nên lũ quét có sức tàn phá rất lớn, có thể cuốn phăng mọi vật cản trên đường, kể cả nhà cửa, công trình, cây cối.

Làm gì để chống lại lũ quét?

Nguyên nhân xảy ra lũ quét và cách phòng tránh - 3

Do ảnh hưởng của bão, hàng trăm người được huy động để gia cố đập bị sạt lở tại xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An ngay trong đêm 28/9 (Ảnh: D.Q).

Lũ quét xảy ra, đặc biệt là trong mùa bão, thường có sức tàn phá rất lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Tuy nhiên do hiện nay chưa có khả năng dự báo được lũ quét, nên chúng ta chỉ có thể phát hiện ra những dấu hiệu dựa trên kinh nghiệm và đưa ra phương án kịp thời trước khi cơn lũ xảy ra.

Các biện pháp phòng tránh lũ quét được phân ra làm hai loại chính, gồm: Biện pháp công trình và biện pháp phi công trình.

Trong đó, biện pháp phi công trình chủ yếu đến từ chiến lược lập bản đồ, phân vùng có nguy cơ lũ quét, quản lý sử dụng đất, sơ tán khỏi vùng có nguy cơ lũ quét...

Biện pháp công trình gồm trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, xây dựng hồ chứa điều tiết lũ, khai thông các đường thoát của dòng chảy, cũng như xây dựng đê, tường chắn lũ quét...