1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

28 doanh nghiệp Mỹ Latinh muốn hợp tác lĩnh vực dệt may, y tế với Việt Nam

Nguyễn Văn Hải

(Dân trí) - Sáng nay, 28 doanh nghiệp Mỹ Latinh đã kết nối trực tiếp với hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, dệt may, y tế… tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2022.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp đã chia sẻ bài học và kinh nghiệm thực tiễn để làm sao giao dịch thương mại với các đối tác Mỹ Latinh đạt hiệu quả cao, đồng thời, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh trong tương lai.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết, Mỹ Latinh vẫn luôn nằm trong số các thị trường đạt kim ngạch trao đổi tăng trưởng cao nhất. Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, hàng dệt may, da giày…, Mỹ Latinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi…

28 doanh nghiệp Mỹ Latinh muốn hợp tác lĩnh vực dệt may, y tế với Việt Nam - 1

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương (Ảnh: Nguyễn Văn Hải).

Bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực là Brazil, Mexico, Argentina, Chile..., nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh.

Năm 2022, dù chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhưng thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn khả quan. Trong 10 tháng, tổng kim ngạch hai chiều đạt 18,7 tỷ USD, tăng 10,5%. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, tăng 17,3%.

Riêng TPHCM, trong 11 tháng, tổng kim ngạch thương mại giữa TPHCM và khu vực Mỹ Latinh đạt 1,25 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của thành phố vào các thị trường Mỹ Latinh đạt 700 triệu USD. Một số thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu của TPHCM với khu vực Mỹ Latinh như Mexico, Brazil, Argentina và Chile.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhận định, dù đã có nhiều tăng trưởng tích cực nhưng quan hệ kinh tế giữa TPHCM và khu vực Mỹ Latinh vẫn chưa xứng tầm và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

28 doanh nghiệp Mỹ Latinh muốn hợp tác lĩnh vực dệt may, y tế với Việt Nam - 2

Các đối tác trao đổi tìm kiếm cơ hội tại diễn đàn (Ảnh: Tuấn Anh).

Tại diễn đàn, ông Azad Belfort - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Haiti - gửi lời mời tới các doanh nghiệp, tổ chức, nhà sản xuất Việt Nam quan tâm đến thị trường Mỹ Latinh, đặc biệt là thị trường Haiti.

Ông Azad Belfort mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư về nuôi trồng, khai thác, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm, ở Haiti để xuất khẩu.

"Qua đó, chúng tôi muốn tạo thêm việc làm cho người dân, cũng như học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong hành trình hợp tác", ông Azad Belfort nói.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác khu vực Mỹ Latinh cũng đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như: khoảng cách địa lý, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, chi phí logistics luôn ở mức cao, khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường…