1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đại gia hết thời vay nợ ngàn tỷ, báo lỗ chuyển giá

Có những công ty báo lỗ liên tiếp bởi chi phí lãi vay lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm mà thực chất là vay từ công ty mẹ ở nước ngoài. Để chống chuyển giá, Bộ Tài chính đang quyết tâm sẽ siết chặt ưu đãi cho các doanh nghiệp bằng việc khống chế tỷ lệ vốn mỏng.

Hết thời hoành tráng nhờ đi vay

Giới thiệu về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết sẽ có quy định về vốn mỏng trong tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, toàn bộ chi phí lãi vay của DN đều được tính trong các chi phí của doanh nghiệp.

Nhưng kể từ năm 2016 trở đi, Bộ Tài chính muốn khống chế chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí của DN đối với các khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, các khoản chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại thì sẽ không được trừ vào chi phí của doanh nghiệp.

Từ ngày 1/01/2019, tỷ lệ trên giảm xuống là 4:1 đối với lĩnh vực sản xuất và 3:1 đối với các lĩnh vực còn lại.

Đại gia hết thời vay nợ ngàn tỷ, báo lỗ chuyển giá - 1

Nhiều công ty báo lỗ liên tiếp bởi chi phí lãi vay lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm mà thực chất là vay từ công ty mẹ ở nước ngoài

Trên thực tế, OECD và nhiều quốc gia chỉ áp dụng tỷ lệ vốn mỏng là 3:1, thấp hơn nhiều so với đề xuất của Bộ Tài chính.

Đánh giá về tác động, ông Thi cho biết, quy định vốn mỏng sẽ góp phần tăng thu ngân sách. Bởi khi thực hiện quy định này, chi phí của các DN sẽ giảm so với trước, do các chi phí lãi vay trên không được tính vào. Điều này cũng có nghĩa, về lý thuyết, khoản lãi của doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên nên đương nhiên, doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế nhiều hơn.

Ngoài ra, việc quy định vốn mỏng sẽ hạn chế tình trạng DN hoạt động dựa vào việc đi vay quá nhiều, đảm bảo an ninh tài chính cho bản thân DN, đồng thời góp phần làm giảm rủi ro nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, quy định này cũng sẽ làm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ - công ty con và giữa các công ty trong cùng tập đoàn, từ đó góp phần chống thất thu cho ngân sách, tăng tính lành mạnh cho nền kinh tế.

Theo ông Thi, không ít DN FDI hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, thương mại, dịch vụ đều báo lỗ trong khi doanh thu luôn tăng trưởng qua các năm, không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý, tình trạng lỗ của DN một phần do chi phí tài chính quá lớn. Thậm chí, có công ty chi phí trả lãi tiền vay vốn lên đến vài nghìn tỷ đồng/năm mà nhiều trường hợp là các công ty trả nợ cho chính chủ nợ là công ty mẹ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, bộ này cũng nhìn nhận, quy định vốn mỏng sẽ tác động bất lợi đến một số DN do đang có sự phụ thuộc lớn vào vốn vay, đặc biệt trong bối cảnh đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, khả năng tiếp cận vốn hạn chế.

Còn nhiều tranh cãi

Theo bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn thuế C&A ủng hộ quy định vốn mỏng nhưng cho rằng, Bộ không nên phân chia theo ngành kinh doanh khi áp dụng tỷ lệ vốn mỏng.

Đại gia hết thời vay nợ ngàn tỷ, báo lỗ chuyển giá - 2

Để chống chuyển giá, Bộ Tài chính đang quyết tâm sẽ siết chặt ưu đãi cho các doanh nghiệp bằng việc khống chế tỷ lệ vốn mỏng.

Bà An đưa ra một lộ trình khác, áp dụng thống nhất cho tất cả mọi ngành nghề kinh doanh sản xuất là, từ năm 2016 đến 2019, tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 5:1, từ năm 2019 đến 2022, tỷ lệ là 4:1 và từ năm 2022 trở đi, tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 3:1.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Long, chuyên gia về thuế lại cho rằng, quy định vốn mỏng là không cần thiết và không hợp lý.

Ông Long phân tích, giả sử khoản chi phí lãi vay có làm cho doanh nghiệp đi vay phát sinh lỗ, nhưng ngược lại, doanh nghiệp cho vay lại có thu nhập từ lãi cho vay tiền và khoản thu nhập này sẽ phải nộp thuế TNDN. Như vậy không thể cho rằng vì lãi vay nhiều mà làm thất thu ngân sách. Ngoài ra, việc cho vay đi vay và chịu rủi ro là quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

"Vẫn có những trường hợp, công ty mẹ cho công ty con vay tiền theo lãi mức thị trường và chịu lỗ, hoàn toàn không phải chuyển giá. Bộ Tài chính không nên vì việc có công ty chi phí trả lãi tiền vay vốn lên đến vài nghìn tỷ đồng/năm mà đưa ra quy định làm khó doanh nghiệp", ông Long nhìn nhận.

Trái ngược hẳn với ý kiến bà An, ông Long lại đề nghị, nếu Bộ vẫn quyết áp dụng quy định vốn mỏng thì phải phân chia thật cụ thể hơn ngành nghề. Ví dụ, tỷ lệ 5:1 dành cho ngành sản xuất nói chung thì sẽ không phù hợp ngành khai thác mỏ, sản xuất xi măng vì các ngành này cần rất nhiều vốn để đầu tư.

Trong khi đó, Công ty Ernst & Young Việt Nam cho rằng, do quy định vốn mỏng rất mới ở Việt Nam nên Bộ Tài chính cần lùi thời gian áp dụng đến 1/1/2018 thay vì năm 2016 để tránh xáo trộn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong 57/85 Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước thuộc Bộ, UBND tỉnh năm 2014, chỉ có 6 doanh nghiệp có hệ số "vốn mỏng" này là từ 3 đến 5 lần, chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng và 2 doanh nghiệp có tỷ lệ vay trên 5 lần so với vốn chủ sở hữu.

Khảo sát 9.400 doanh nghiệp FDI cả nước với tổng tài sản khoảng 2.205.068 tỷ đồng, tương đương khoảng 105 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 70% doanh nghiệp FDI cả nước còn hoạt động, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu chung tất cả các ngành là 1,23 lần, của ngành thương mại là 3,44 lần. Nếu xét trên chỉ tiêu vốn vay/vốn chủ sở hữu thì hệ số này của tất cả các các ngành là 0,57 lần, của ngành thương mại là 1,8 lần.

Đối với các dự án BOT nhiệt điện có vốn FDI (5 dự án đã ký Hợp đồng và 17 dự án còn lại đang trong quá trình đàm phán có quy mô vốn đầu tư từ 700 triệu USD đến 2 tỷ USD/ dự án), ngưỡng tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đều đạt 4:1.

 

Theo Phạm Huyền
VEF

Đại gia hết thời vay nợ ngàn tỷ, báo lỗ chuyển giá - 3