1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giảm VAT và thuế bảo vệ môi trường xăng dầu có "tác dụng kép"

Trần Kháng

(Dân trí) - Việc giảm VAT áp dụng trong năm 2022 và nửa cuối năm 2023 và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã có "tác dụng kép".

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43 trên đã đạt được nhiều kết quả, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Về các chính sách tài khóa, đã miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, thuế VAT và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác trong phạm vi của chương trình trong năm 2022 là 61.036 tỷ đồng.

Việc miễn thuế này góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao.

Phần gia hạn thời gian nộp các loại thuế, tiền thuê đất trong năm 2022 là 114.523 tỷ đồng. Kết quả thực hiện các chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 khoảng 38.057 tỷ đồng.

Giảm VAT và thuế bảo vệ môi trường xăng dầu có tác dụng kép - 1

Chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đạt nhiều kết quả tích cực (Ảnh minh họa: N.M).

Quốc hội khóa XV cho phép tiếp tục áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT tương tự như quy định tại Nghị quyết 43 trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 và từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Việc khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện kịp thời các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã giúp giảm các nghĩa vụ tài chính, giảm chi phí sản xuất, từ đó góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, khôi phục và mở rộng sản xuất, ổn định đời sống và trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế VAT áp dụng trong năm 2022 và nửa cuối năm 2023 và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã có "tác dụng kép". Điều này vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về giảm lãi suất cho vay, theo báo cáo, việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chiến sự Nga - Ukraine, đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế trong năm 2022; các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 các tổ chức tín dụng huy động vốn với lãi suất ở mức cao và các khoản huy động này chưa đến thời hạn thanh toán; áp lực lạm phát trong và ngoài nước…

Tuy nhiên, nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay cơ bản hoàn thành theo chỉ đạo tại Nghị quyết 43. Theo đó đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng đồng Việt Nam của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực theo quy định giảm 0,5%/năm so với cuối năm 2021...