1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giáo sư kinh tế học Paul Samuelson qua đời

(Dân trí) - Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đã ca ngợi vị cựu giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts là “trí tuệ phi thường về kinh tế học”.

Giáo sư kinh tế học Paul Samuelson qua đời - 1
Giáo sư kinh tế học Paul Samuelson
 
Ông Paul A. Samuelson, người Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel kinh tế và là một trong những nhà kinh tế học nổi tiếng nhất thế kỷ 20, đã qua đời vào ngày 13/12 tại quê nhà ở Belmont, bang Massachusetts ở tuổi 94.

Ông là người có công thu hút được rất nhiều chuyên gia kinh tế đến giảng dạy hoặc học tập tại Viện Massachusetts, trong nhóm đó bao gồm giáo sư Solow cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác đã từng đoạt giải Nobel kinh tế như George A. Akerlof, Robert F. Engle III, Lawrence R. Klein, Paul Krugman, Franco Modigliani, Robert C. Merton và Joseph E. Stiglitz.

Ông là người viết ra một trong những cuốn giáo trình kinh tế được sử dụng rộng rãi nhất trong lịch sử Mỹ. Cuốn sách “Economics” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1948 và đã là cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử Mỹ trong suốt 30 năm.

Cuốn sách này được dịch sang 20 thứ tiếng, trong suốt nửa thế kỷ sau khi cuốn sách được phát hành, số lượng ấn bản được bán ra hàng năm lên tới 50.000. Cuốn sách của ông dạy cho sinh viên đại học cách làm sao để nghĩ về kinh tế học.

Samuelson nổi tiếng với công trình ứng dụng các phân tích toán học vào việc cân bằng giữa giá cả với cung và cầu. Vào năm 1996, ông đã được Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton trao tặng Huy chương Khoa học Quốc gia, giải thưởng khoa học danh giá nhất của Hoa Kỳ.

Samuelson sinh ngày 15/5/1915 tại Gary, Indiana, Hoa Kỳ. Năm 1923, gia đình ông chuyển đến sống ở Chicago và ông đã học tại Đại học Chicago, học cao học và tiến sĩ tại Đại học Harvard.

Tại Havard, ông theo đuổi lĩnh vực kinh tế học và từng thụ giáo Joseph Schumpeter, Wassily Leontief, Gottfried Haberler và Alvin Hansen.

Theo nhận xét của Kenneth Arrow, Samuelson là người sáng lập trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp, kết hợp kinh tế học vĩ mô cổ điển với kinh tế học Keynes. Ông đã góp phần to lớn để phát triển phương pháp phân tích cân bằng tổng thể trong kinh tế học.

Trong kinh tế học phúc lợi, ông đã góp phần đưa ra lý luận Điều kiện Lindahl-Bowen-Samuelson (tiêu chí để xác định xem một hành động của một chủ thể kinh tế có làm tăng phúc lợi hay không), góp phần đưa ra hàm xác suất trong phúc lợi xã hội (hay hàm phúc lợi xã hội Bergson-Samuelson).

Trong lý thuyết tài chính công, ông có đóng góp vào lý thuyết quyết định sự phân bổ tối ưu nguồn lực trong điều kiện tồn tại cả hàng hóa công cộng lẫn hàng hóa tư nhân.

Trong lĩnh vực kinh tế học quốc tế, ông góp phần xây dựng hai mô hình thương mại quốc tế quan trọng: Hiệu ứng Balassa-Samuelson và Mô hình Heckscher-Ohlin (với định lý Stolper-Samuelson).

Trong lĩnh vực kinh tế học vĩ mô, ông sử dụng mô hình OLG như một cách để phân tích hành vi của các chủ thể kinh tế qua nhiều thời kỳ. Trong lĩnh vực kinh tế học vi mô, ông là người tiên phong trong phát triển lý thuyết sở thích được bộc lộ.

Cuốn sách của ông giới thiệu đến rất nhiều thế hệ sinh viên về những ý tưởng cải cách từ học thuyết của John Maynard Keynes, chuyên gia kinh tế học người Anh vào thập niên 1930.

Bài học từ cuốn sách của ông đã trở thành thực tế vào năm 2008, khi đó kinh tế quốc tế rơi vào thời kỳ suy thoái tệ hại nhất tính từ Đại Khủng hoảng 1933, khi đó học thuyết kinh tế của Keynes được đưa ra.

Khi Đại Suy thoái năm 1930 bắt đầu, chính phủ nhiều nước chỉ khoanh tay đứng nhìn hoặc đưa ra động thái khiến mọi chuyện tệ hại hơn bằng cách cố gắng cân bằng thâm hụt ngân sách và tạo ra các rào cản thương mại.

80 năm sau, thấm nhuần tư tưởng của Samuelson và những người đi theo học thuyết của ông, phần lớn chính phủ các nước phát triển đưa ra các biện pháp mạnh, tăng chi tiêu chính phủ, giảm thuế, duy trì xuất nhập khẩu và giảm lãi suất cơ bản về 0%.

Ngọc Diệp
Theo Vietnamplus, Bloomberg, NyTimes