Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam họp Đại hội đồng thành viên thường niên

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Tối 29/1, tại Hà Nội và TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) tổ chức họp Đại hội đồng thành viên thường niên.

Tại đây, các doanh nghiệp Đức thuộc GBA đã tổng kết lại các thành tựu của Hiệp hội trong năm 2023 và bầu chọn các thành viên mới cho Hội đồng quản trị GBA 2024. Sự kiện có sự tham gia của ông Guido Hildner - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đức tại Việt Nam.

Theo đó, hội nghị khuyến khích các doanh nghiệp Đức tiếp tục đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt hướng tới các hoạt động đầu tư xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ đầu cuối tiên tiến của Đức tại Việt Nam. Việt Nam là thị trường năng động và tiềm năng hàng đầu trong khu vực nên được xác định là điểm đến ưu tiên của doanh nghiệp Đức.

Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam họp Đại hội đồng thành viên thường niên - 1

Sự kiện họp Đại hội thường niên hiệp hội doanh nghiệp Đức (Ảnh: GBA).

Cũng tại sự kiện, các đại diện doanh nghiệp Đức bày tỏ sự lạc quan với triển vọng phát triển tại thị trường Việt Nam trong năm 2024.

Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam họp Đại hội đồng thành viên thường niên - 2

Các doanh nghiệp Đức tham gia sự kiện Đại hội thường niên tại Hà Nội (Ảnh: GBA).

Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam họp Đại hội đồng thành viên thường niên - 3

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đức Guido Hildner (đứng giữa) cùng đại diện các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (Ảnh: GBA).

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2023, Việt Nam thu hút 463 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) từ Đức, với tổng vốn đăng ký đạt gần 2,7 tỷ USD. Đức đứng thứ 17/144 quốc gia và vùng lãnh thổ đang có dự án đầu tư tại Việt Nam, đồng thời là một trong những quốc gia hàng đầu của châu Âu đầu tư tại Việt Nam.

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tươi sáng hơn bởi nhiều yếu tố trong đó có sự linh hoạt trong công tác điều hành thị trường tiền tệ, các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, luật đất đai minh bạch rõ ràng, sự chú trọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cũng như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng phần lớn có lợi cho Việt Nam và các nước ASEAN khác. Những tín hiệu tích cực từ thị trường là tiền đề để các doanh nghiệp đặt kỳ vọng.

"Chúng tôi tin tưởng tình hình sẽ cải thiện. Trong năm 2024, chúng tôi ưu tiên đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tập trung vào thế mạnh công nghệ từ hãng, đồng thời tiếp tục khai thác những lợi thế từ nguồn nguyên liệu bản địa để gia tăng các giá trị cho người dùng cũng như đối tác", đại diện doanh nghiệp Kobler Đức tại Việt Nam chia sẻ.

Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp Đức đầu tư tại Việt Nam dưới hình thức sản xuất và phân phối. Một số doanh nghiệp tiêu biểu như Daimler - Chrysler (sản xuất ô tô Mercedes - Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim), Grohe, Kobler...

Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) là hiệp hội hỗ trợ các doanh nghiệp Đức thành viên phát triển hoạt động, tạo cơ hội giao lưu văn hóa, kinh tế ở 3 thành phố lớn Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.