1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Những công ty hàng đầu châu Á

Tạp chí BusinessWeek vừa công bố danh sách những công ty châu Á hàng đầu được niêm yết trên các thị trường chứng khoán (The Asian BusinessWeek 50 - BW50). Đây là lần đánh giá, xếp hạng thường niên lần đầu tiên của BusinessWeek dành cho các công ty dạng này.

Đứng đầu bảng nhờ giá dầu tăng

Trước tình hình giá dầu trên thế giới có xu hướng tăng lên mức 60-70 đô la Mỹ/thùng, các công ty sản xuất dầu và khí đốt trong khu vực đang tìm cách nâng cao năng lực lọc dầu trong nước và hạn chế nhập khẩu để kiếm lợi nhiều hơn.

Đó cũng là lý do giúp Prasert Bunsumpun, Chủ tịch PTT PLC, một công ty do nhà nước quản lý có giá trị 15,7 tỉ đô la Mỹ của Thái Lan, đang trở thành một nhân vật quan trọng ở nước này. Hiện nay, Thái Lan có lượng dầu nhập khẩu đang tăng nhanh và chiếm tỷ lệ 10% tổng sản phẩm nội địa (GDP).

PTT, đứng đầu bảng BW50, đang ăn nên làm ra nhờ xu hướng giá dầu và khí đốt trên thế giới đang tăng mạnh. Trong quí 2 năm nay, lợi nhuận của PTT đã tăng đến 30%, đạt 449 triệu đô la Mỹ. Doanh số của công ty cũng tăng 50%.

Hiện nay, PTT đang dùng phần tiền lời tăng thêm nhờ tăng giá bán xăng dầu, vốn tăng 40% so với năm ngoái, để phát triển các cơ sở khai thác dầu của công ty ở nhiều nơi trên thế giới, từ Algeria tới Oman. “Chúng tôi muốn có ít nhất 20% doanh thu được tạo ra từ các cơ sở ở nước ngoài trong vòng năm năm tới”, Prasert nói.

Tiêu chuẩn xếp hạng BW50

Để xếp hạng các công ty, BusinessWeek đã dựa trên Chỉ số Liên Á (Pan Asia Index) của tổ chức xếp hạng Standard & Poor’s kết hợp với Citigroup. Có 625 công ty trong toàn khu vực hội đủ tiêu chuẩn để được xếp hạng.

Việc đánh giá, xếp hạng được dựa trên các chỉ tiêu tài chính như mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản và một số chỉ tiêu khác. Các công ty được đánh giá qua năm tài chính gần nhất và ba năm tài chính liên tục.

Theo BusinessWeek, PTT được xem là một điển hình của nhiều công ty thuộc ngành năng lượng châu Á bỗng chốc phất lên nhờ giá dầu tăng. Điều làm cho PTT và nhiều công ty đứng đầu bảng BW50 nổi lên so với các công ty khác là động lực mạnh nhắm đến sự tăng trưởng trong tương lai.

Ba vị trí tiếp theo trên bảng BW50 cũng thuộc về các công ty dầu khí lớn của khu vực: PetroChina của Trung Quốc, Công ty Dầu và Khí đốt tự nhiên (ONGC) thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ và S-Oil của Hàn Quốc. Tính chung, trong bảng BW50 có tất cả 11 công ty thuộc lĩnh vực dầu khí.

Hồi tháng 8, PetroChina đã bỏ ra bốn tỉ đô la Mỹ để mua lại PetroKazakhstan, một công ty dầu và khí đốt của Canada. PetroChina cũng dự định sẽ bỏ ra 12 tỉ đô la Mỹ để xây dựng các hệ thống đường ống dẫn dầu trải dài từ Trung Á đến các nhà máy lọc dầu của công ty này ở Trung Quốc.

Trong khi đó, ONGC đã mua lại các mỏ dầu dự trữ ở Sudan và Việt Nam. Nhưng Nga mới là một trong những đối tác quan trọng nhất của công ty này. Hiện nay, ONGC đang có 20% cổ phần trong một dự án khai thác các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên ở Sakhalin thuộc miền viễn đông nước Nga trị giá 12,8 tỉ đô la Mỹ.

Ngày 1/10, ONGC cho biết đã bắt đầu cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên cho tỉnh Khabarovsk thuộc miền viễn đông nước Nga và sẽ bắt đầu làm điều tương tự cho thị trường Ấn Độ từ nay đến cuối năm.

Sản xuất nguyên liệu cơ bản thắng lớn

Xét theo ngành, trong số 50 công ty đứng đầu bảng BW50, ngoài các công ty dầu khí, những vị trí còn lại được chia cho các công ty hoạt động trong trong các ngành sắt thép, vận tải biển, xây dựng và sản xuất hàng điện tử.

Nhìn chung, các công ty cung cấp nguyên liệu cơ bản giành được nhiều thắng lợi lớn nhất trong đợt xếp hạng lần này của BusinessWeek. Giá cổ phiếu của các công ty này trên các thị trường chứng khoán đã tăng mạnh trong thời gian gần đây do giá nguyên liệu thiết yếu trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng. Hơn nữa, bản thân các công ty này lại đang thống lĩnh các thị trường trong nước.

Mặt khác, dự kiến xu hướng giá các nguyên liệu cơ bản tăng lên sẽ vẫn còn tiếp tục do chính phủ các nước Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia cuối cùng đã phải ngưng trợ cấp cho các mặt hàng này, một động thái vốn làm cho giá cả bị giữ ở mức thấp giả tạo trong một thời gian dài.

Nổi bật trong số các công ty sản xuất, cung cấp và vận chuyển nguyên liệu thiết yếu lọt vào bảng BW50 là các công ty khai thác than như PT Bumi Resources của Indonesia và các công ty vận chuyển hàng hóa như Malaysia International Shipping (MISC) và Mitsui OSK của Nhật.

Các công ty sản xuất thép cũng ăn nên làm ra nhờ sự bùng nổ của ngành xây dựng và sự tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất xe hơi. Đứng đầu trong số này là Tata Steel India (xếp hạng 5) và Posco của Hàn Quốc (hạng 6).

Những điểm nổi bật khác

Dĩ nhiên, trong bảng BW50 cũng còn nhiều công ty sáng giá thuộc các ngành khác như công nghệ và viễn thông. Đáng chú ý trong số đó là Samsung Electronics, công ty sản xuất hàng điện tử hàng đầu của Hàn Quốc, đứng hạng 9; Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) xếp hạng 11 và AU Optronics (Đài Loan) xếp hạng 13.

Trong đó, Samsung nổi lên là một đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử trên thế giới, vượt qua cả “đàn anh” Sony trên nhiều lĩnh vực, đứng đầu về lĩnh vực sản xuất mạch nhớ chip, thống lĩnh thị trường màn hình tinh thể lỏng (LCD) và đang so kè với Nokia, Motorola trong cuộc đua tranh giành ngôi đầu bảng trên thị trường điện thoại di động cao cấp.

Tính theo quốc tịch, không có nước hoặc lãnh thổ nào làm “bá chủ” bảng BW50. Tuy nhiên, có thể thấy sự nổi trội của các công ty Hàn Quốc (chiếm năm trong số 10 vị trí đầu bảng) và các công ty Nhật (chiếm 11 vị trí trong bản BW 50).

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn