1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL

(Dân trí) - Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL phải gắn với qui hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế và các ngành kinh tế khác, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL - 1
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc giao ban.

Ngày 21/7, tại Hội nghị giao ban chỉ đạo điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: xây dựng và phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCl bền vững.

Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL được thành lập theo quyết định 492 ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Vùng KTTĐ ĐBSCL cùng với 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Miền Trung, Phía Nam đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Vùng nằm ở phía Tây Nam của tổ quốc bao gồm: TP Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và An Giang với tổng diện tích hơn 16.600 km2, dân số khoảng 6,4 triệu người.

Trong 5 năm 2001 - 2005 GDP đạt 10,96%/năm (trong khi cả nước 7,5%), từ năm 2006 - 2008 là 13,57%/năm (cả nước 7,5%), 6 tháng đầu năm 2009 các tỉnh đã vượt qua được khủng hoảng và phát triển ổn định.

Vùng kinh tế trọng điểm đã biết khai thác những lợi thế khác nhau để tạo được bước phát triển khá cao. Ngoài nông nghiệp trồng lúa và nuôi trồng thủy sản, các tỉnh trong vùng đang tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ.

Kết luận của giao ban Phó Thủ tường Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL cần tập trung thực hiện tốt 5 giải pháp Thủ tướng đã ban hành đối với vùng kinh tế trọng điểm; Rà soát và điều chỉnh, quy hoạch phù hợp với tiềm năng và lợi thế với tầm nhìn đến năm 2011, 2015, 2020.

Ngoài ra các tỉnh cũng phải tạo mọi điều kiện thu hút vốn ODA cho vùng; tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đầu tư mạnh cho bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao; xây dựng đề án bảo vệ môi trường, giao thông, thủy lợi hoàn chỉnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển công nghiệp chế biến; Hiệp hội lương thực, Hội nghề cá thuê doanh nghiệm kiểm định quốc tế kiểm định theo một quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chống bán phá giá các mặt hàng xuất khẩu, tạo nên nguồn thu kim ngạch xuất khẩu lớn, ổn định.

Phạm Tâm