DBiz

Thế Giới Di Động và công ty đối thủ rẽ 2 hướng riêng biệt

Khổng Chiêm
Thế Giới Di Động và công ty đối thủ rẽ 2 hướng riêng biệt

"Cuộc cạnh tranh khốc liệt" của 2 đại gia

Các doanh nghiệp bán lẻ điện thoại, điện máy đã trải qua năm 2023 cực kỳ khó khăn khi sức mua của người tiêu dùng kém khả quan.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) - nhận định tình hình tiêu thụ đã giảm đáng kể ở hầu hết ngành hàng từ quý IV/2022, đặc biệt giảm mạnh hơn dự kiến đối với các mặt hàng không thiết yếu như công nghệ và điện máy.

Trong khi đó, những trụ cột kinh doanh này có lợi nhuận và đóng góp hơn 70% tổng doanh thu của tập đoàn nên đây là khó khăn lớn nhất mà công ty phải tìm cách thích ứng và vượt qua.

Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT Retail (mã chứng khoán: FRT) - cũng thừa nhận đã trải qua năm 2023 đầy khó khăn và biến động.

Thị trường bán lẻ điện thoại, điện máy đối mặt với những thách thức lớn nhất trong nhiều năm qua khi nhu cầu thị trường giảm mạnh, bên cạnh đó là cuộc chiến cạnh tranh giá khốc liệt diễn ra trong nửa đầu năm 2023. Dù nỗ lực nhưng áp lực từ thị trường chung đã khiến doanh thu chuỗi FPT Shop giảm mạnh.

"Cuộc cạnh tranh giá khốc liệt" mà bà Điệp nhắc tới chính là chiến lược mà Thế Giới Di Động phát động, khi chuỗi này so kè giá từng đồng ở các sản phẩm bán ra với các chuỗi khác. Ông Tài từng quyết tâm chiến dịch này sẽ "khiến các đối thủ cạnh tranh phải rên xiết".

Thực hiện cuộc chiến về giá, doanh thu và thị phần của Thế Giới Di Động (bao gồm chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh) đều đã gia tăng trong năm 2023. Ông Tài cho biết mặc dù các sản phẩm công nghệ và điện máy bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xu hướng thắt chặt chi tiêu nhưng thị phần các mặt hàng này tại chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh vẫn tăng từ 5% đến 25%, tùy thuộc vào đặc tính và nhu cầu của từng sản phẩm.

Đặc biệt, thị phần điện thoại đối với nhãn hàng Apple đã tăng vọt từ mức 25% đến 30% ổn định trong nhiều năm lên khoảng 50% vào cuối năm 2023 nhờ chiến lược gia tăng thị phần. Nhưng lợi nhuận Thế Giới Di Động lại bị đánh đổi, về mức thấp nhất trong chục năm trở lại đây. Năm 2023, tập đoàn này chỉ lãi 168 tỷ đồng, giảm 96% so với năm trước đó.

Về phía FPT Retail, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm mạnh khi lao vào cuộc chiến giá. Vào quý II/2023, biên lợi nhuận gộp chỉ còn 8% (tức doanh thu 100 đồng thì công ty chỉ còn lãi gộp 8 đồng). Mức này thấp hơn rất nhiều so với con số bình quân nhiều năm trước 2023 là khoảng 14%.

Không chịu được sự "tàn khốc" của cuộc chiến và nhận thấy "vô nghĩa", nửa cuối năm 2023, FPT Retail đã tuyên bố rút lui và tập trung mở rộng ngành hàng, thúc đẩy tăng trưởng. Lúc này, biên lợi nhuận gộp được cải thiện về mức 11%.

Sang năm nay, Thế Giới Di Động cũng đã tuyên bố dừng cuộc chiến giá rẻ vì việc "đua giá" đã hoàn thành sứ mệnh trong năm 2023. Qua khảo sát, thị trường cũng đã bắt đầu "hạ nhiệt", không có căng thẳng về giá trong thời gian tới. Tập đoàn có thể giữ lại lợi nhuận mà không còn phải đánh đổi như trong năm 2023.

Song song cuộc đua về giá, cả 2 đều đã phải cắt giảm số lượng cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Năm 2023, FPT Shop đã đóng 31 cửa hàng yếu kém, còn 755 cửa hàng. Chuỗi này cũng đẩy mạnh nhóm hàng gia dụng, bán trên toàn bộ hệ thống, giúp tăng số lượng khách đến, tăng doanh thu và cải thiện mức biên lợi nhuận gộp.

Còn Thế Giới Di Động đã đóng 112 cửa hàng Thế Giới Di Động và 98 cửa hàng Điện máy Xanh vào cuối tháng 2 năm nay so với tháng 2/2023.

Chủ tịch chuỗi bán lẻ điện thoại điện máy lớn nhất Việt Nam nhận định năm nay, kinh tế trong nước được dự báo vẫn đối mặt với nhiều thách thức do những diễn biến vĩ mô khó lường trên phạm vi toàn cầu. Tập đoàn sẽ chủ động thích nghi với bối cảnh kinh doanh đã và đang thay đổi, không đặt nhiều kỳ vọng vào việc sức mua hồi phục khả quan ở giai đoạn này.

Ông Tài dự kiến, nhu cầu mua sắm tiêu dùng nhìn chung đi ngang, thậm chí có thể giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu. Từ đó, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng trong năm nay, lần lượt tăng 6% và gấp 14 lần thực hiện năm trước.

Còn người đứng đầu FPT Retail đánh giá thị trường còn nhiều rủi ro và đối mặt với các khó khăn bất định từ bất ổn vĩ mô thế giới. Sau 2 năm Covid, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa giảm mạnh từ cuối năm 2022 và thị trường bán lẻ chung cần thời gian để phục hồi

Trong đó, điện thoại điện máy là mặt hàng không thiết yếu nên nhu cầu mua sắm có thể phục hồi chậm hơn nếu nền kinh tế được dự báo tốt hơn trong năm nay. FPT Retail kỳ vọng doanh thu chuỗi FPT Shop đi ngang trong năm 2024.

Năm nay, FPT Retail sẽ xem xét đánh giá hoạt động của từng cửa hàng, đóng một số cửa hàng không tốt và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cửa hàng hiện hữu. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 17% doanh thu thuần cho chuỗi này, đạt 37.300 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu chuỗi FPT Shop dự kiến đi ngang và doanh thu chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu tăng khoảng 34%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu 125 tỷ đồng trong khi năm trước lỗ hơn 294 tỷ đồng.

Thế Giới Di Động "chọn" Bách Hóa Xanh

Trong khi các mảng điện thoại, điện máy đang chững lại, Thế Giới Di Động lại dồn lực cho mảng bán lẻ thực phẩm, hàng tươi sống ở chuỗi Bách Hóa Xanh. Chuỗi này đang từng lúc mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho tập đoàn bán lẻ này.

Theo số liệu cập nhật mới nhất đến hết tháng 2 năm nay, Bách Hóa Xanh có gần 1.700 cửa hàng đang hoạt động. Số lượng cửa hàng chỉ thấp hơn chuỗi Điện Máy Xanh và nhiều hơn 700 cửa hàng so với chuỗi bán lẻ điện thoại. Chuỗi cũng đóng góp hơn 28% tổng doanh thu của tập đoàn, chỉ đứng sau Điện máy Xanh và nhiều hơn cả Thế Giới Di Động (hơn 21%).

Doanh thu chuỗi bán lẻ thực phẩm, đồ tươi sống này trong 2 tháng đầu năm nay cũng tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng xấp xỉ 1,8 tỷ đồng/tháng dù hoạt động không đủ ngày do nghỉ Tết.

Bách Hóa Xanh từng là hướng đi thử nghiệm của Thế Giới Di Động khi tìm động lực tăng trưởng mới. Chuỗi cũng lỗ ròng rã trong nhiều năm, riêng năm 2023 lỗ 1.215 tỷ đồng. Tuy nhiên, tập đoàn đặt ra mục tiêu năm nay tối thiểu có lời và đang cố gắng thực hiện chỉ tiêu đó.

Sau 8 năm đi vào vận hành, chuỗi Bách Hóa Xanh lỗ hơn 8.000 tỷ đồng và trở thành gánh nặng của Tập đoàn Thế Giới Di Động. Ông Tài từng thừa nhận chuỗi này như đứa con chưa mang tiền về cho mẹ nhưng cũng kỳ vọng từ năm nay đã có thể tự làm tự nuôi thân.

Thế Giới Di Động và công ty đối thủ rẽ 2 hướng riêng biệt - 1

Bách Hóa Xanh được cho là động lực tăng trưởng mới của Thế Giới Di Động (Ảnh: BHX).

Ông Phạm Văn Trọng - Tổng giám đốc Bách Hóa Xanh - cho rằng mục tiêu chính của chuỗi này là tập trung vào tăng trưởng doanh thu trung bình/cửa hàng và mở mới 100 cửa hàng. Cuối năm nay, chuỗi sẽ bàn đến kế hoạch mở rộng ra miền Trung và miền Bắc. Ông Trọng tự tin Bách Hóa Xanh trong 1-2 năm tới có thể đạt lợi nhuận 4 chữ số.

Nhiều đơn vị phân tích cũng đưa ra những dự báo triển vọng cho chuỗi bán lẻ này trong năm nay, nhất là sau khi đối tác Trung Quốc chi tiền mua 5% vốn tại Bách Hóa Xanh.

Báo cáo phân tích của SSI Research dự báo doanh thu của chuỗi Bách Hóa Xanh dự kiến tăng 20% so với cùng kỳ (so với mức tăng 15% trong năm 2023). Doanh thu tăng chủ yếu nhờ doanh thu của các cửa hàng hiện hữu tăng lên và một phần nhỏ từ mở mới cửa hàng (không mở mới trong năm 2023 và 100 cửa hàng mới trong năm 2024).

Việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cũng giúp cho chuỗi này thu hút lượt khách đến mua sắm. Cụ thể, các cửa hàng Bách Hóa Xanh hiện nay bán: thực phẩm tươi sống có thương hiệu thay vì thực phẩm không có thương hiệu; tăng lượng rau củ quả ở khu vực thành thị; trái cây nhập khẩu nhiều hơn ở khu vực nông thôn, nơi các chợ truyền thống gần đó không bán mặt hàng tương đương.

Trong bối cảnh doanh thu cao hơn và ít mở mới cửa hàng, biên lợi nhuận của Bách Hóa Xanh đã được cải thiện từ năm 2023 và dự kiến sẽ hòa vốn trong nửa đầu năm nay, SSI Research nêu.

FPT Retail "chọn" Long Châu

Trong khi tình hình bán lẻ điện thoại, điện máy khó khăn thì chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu đem lại kết quả khả quan. Năm 2023, công ty tăng trưởng 6% về mặt doanh thu, đạt 31.850 tỷ đồng. Trong đó, FPT Long Châu đóng góp 50% tổng doanh thu, tăng 66%; ngược lại FPT Shop giảm 22% so với cùng kỳ.

Từ 4 cửa hàng thuốc được FPT Retail mua lại từ năm 2017, hiện Long Châu đã mở rộng lên gần 1.500 cửa hàng, tăng 560 cửa hàng so với năm trước và đứng đầu chuỗi bán lẻ dược phẩm xét về quy mô. Năm nay, FPT Retail tiếp tục đầu tư và mở rộng, phát triển chuỗi FPT Long Châu và xác định là động lực tăng trưởng mới của công ty. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số về doanh thu với chuỗi này trong khi FPT Shop đi ngang.

Bên cạnh việc kinh doanh các loại thuốc, từ tháng 7/2023, chuỗi FPT Long Châu cũng đã triển khai mảng tiêm chủng. Từ đó đến nay, chuỗi này đã mở thêm 50 trung tâm tiêm chủng trên khắp cả nước, nâng tổng số điểm tiêm lên 52.

Thế Giới Di Động và công ty đối thủ rẽ 2 hướng riêng biệt - 2

Tiêm chủng tại Long Châu (Ảnh: Long Châu).

Việc Long Châu tham gia vào mảng tiêm chủng đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp đến một số chuỗi tiêm chủng lớn như VNVC hay Nhi đồng 315. Nói về năng lực cạnh tranh, bà Nguyễn Bạch Điệp nêu FPT Long Châu có 3 lợi thế gồm công nghệ, độ phủ gần 2.000 cửa hàng tới tuyến xã và tệp khách hàng lớn, khoảng 15 triệu khách hàng. Chuỗi cũng sẽ đẩy mạnh mảng trung tâm tiêm chủng vắc-xin, dự kiến mở 100 trung tâm trong năm nay.

Để phát triển toàn diện hơn chuỗi này, bà Điệp còn công bố chiến lược mới với FPT Long Châu, định hướng trở thành công ty phát triển trong hệ sinh thái sức khỏe, đi theo vòng đời sức khỏe con người. Hệ sinh thái này sẽ gồm các trung tâm y tế dự phòng; khi có dấu hiện bệnh thì đi khám, chẩn đoán và điều trị bệnh; mua thuốc ở nhà thuốc; theo dõi sức khỏe tại nhà cho đến bảo hiểm sức khỏe. 

Theo bà Điệp, trên thế giới, câu chuyện chuỗi nhà thuốc dịch chuyển sang hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe đã thành công ở nhiều chuỗi như Amazon Pharmacy, CV S Pharmacy hay Walmart. Trong đó, kinh điển nhất là Walmart (chuỗi bán lẻ lớn nhất tại Mỹ) chuyển thành Walmart Heathcare với 4.600 nhà thuốc và 75 phòng khám, doanh thu 47 tỷ USD năm 2023, giúp phát hiện sớm 30% khách hàng mắc bệnh mãn tính.

Nguyên nhân thành công của Walmart Heathcare, theo bà Điệp, là lượng khách có sẵn cực lớn, tận dụng thế mạnh về độ phủ, hợp tác để xây dựng nhanh hệ sinh thái, ứng dụng công nghệ, tập trung nhóm khách hàng.

So sánh với Walmart, FPT Long Châu cũng có một số yếu tố tương đồng như có hơn 15 triệu khách hàng; gần 2.000 nhà thuốc, nhiều đối tác chiến lược lớn.

Để đầu tư chiến lược sinh thái chăm sóc sức khỏe, bà Điệp cũng cho biết FPT Long Châu dự kiến sẽ huy động vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư (tối đa 10%).

Chuyên gia phân tích của Chứng khoán DSC đánh giá chuỗi cửa hàng  Long Châu có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm (CAGR) 98%/năm. Năm 2022, tăng trưởng doanh thu là 141%. Năm 2023, chuỗi này tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của FPT Retail. 

Theo ban lãnh đạo công ty, 99% số cửa hàng mở mới của chuỗi nhà thuốc Long Châu có lãi chỉ sau 6 tháng. Hiện Long Châu đang có mức doanh thu trung bình khoảng 1 tỷ đồng/tháng/cửa hàng.