1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Việt phủ Thành Chương: Đã từng bị phạt vì xây trên đất rừng đặc dụng

(Dân trí) - Việt phủ Thành Chương được Thanh tra Chính phủ kết luận là xây dựng trên đất có nguồn gốc quy hoạch rừng đặc dụng. Trong suốt quá trình xây dựng, công trình này chỉ bị phạt 10 triệu đồng và cho phép tồn tại, hoàn thiện đến ngày nay.

Việt phủ Thành Chương là địa điểm du lịch hút khách
Việt phủ Thành Chương là địa điểm du lịch hút khách
 
Xây không phép nhiều năm chỉ phạt 10 triệu đồng
 
Công trình đồ sộ Việt phủ Thành Chương được xây dựng từ năm 2001, đến năm 2003 thì hình hài của quần thể kiến trúc này được đa dạng đặc sắc như hiện nay. Ngoài ra, qua hàng năm nơi đây cũng đều bổ sung những công trình mới quy mô ấn tượng. Gần đây nhất là năm 2012, Việt Phủ Thành Chương đã làm lễ khánh thành Bảo tháp Thiên Hương trong một nghi lễ hết sức thiêng liêng và trang trọng…
 
Tuy các các công trình được xây dựng xen kẽ dày đặc với quy mô một quần thể công trình tương đối lớn nhưng dường như các cấp chính quyền huyện Sóc Sơn đều không có ý kiến gì.
 
Kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm và nguồn gốc đất của Phủ Thành Chương
Kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm và nguồn gốc đất của Phủ Thành Chương
 
Đáng lưu ý, ngày 17/4/2006 Thanh tra Chính phủ ra kết luận về Đất rừng huyện Sóc Sơn, trong đó có nêu tình trạng xây dựng công trình trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đặc dụng có điểm mặt Việt phủ Thành Chương.
 
Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ có nêu rõ: Phủ Thành Chương diện tích xây dựng khoảng 3.000 m2- 8.000m2. Nguồn gốc đất quy hoạch là đất rừng đặc dụng, trước đây HTX giao cho ông Lưu Văn Sỹ quản lý bằng sổ lâm bạ. Đến năm 2001, ông Lưu Văn Sỹ bán cho ông Nguyễn Thành Chương dưới dạng liên doanh liên kết (có giấy xác nhận của UBND xã). Sau khi mua ông Chương đã xây dựng công trình kiên cố, suốt quá trình xây dựng chỉ một lần chính quyền xã phạt 10 triệu đồng (phạt cho tồn tại), sau đó ông Chương tiếp tục xây dựng cho đến nay”.
 
Trao đổi với PV Dân trí, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên môi trường, GS Đặng Hùng Võ cũng nói: “Tôi cũng khẳng định một điều đất để xây phủ này thì không được phép. Nhưng cứ xây, cứ làm và mọi người có vẻ như ủng hộ bởi vì nó là không gian văn hóa khá đặc biệt, nhiều người lên cũng thích và người ta quên chuyện đất đai đi, người ta không nói chuyện đất đai nữa và người ta chỉ quan tâm về mặt văn hóa của cái phủ đó thôi”.
 
Mở tour đón khách du lịch
 
Việt Phủ Thành Chương là quần thể kiến trúc thuộc xã Hiền Lĩnh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Từ năm 2001, từ quả đồi trọc được họa sỹ Thành Chương mua lại và sau ba năm biến nó thành địa chỉ văn hóa đặc sắc.
 
Trên các trang du lịch trên mạng, Việt phủ tại Sóc Sơn cũng là địa danh nằm trong các tour đắt khách tại miền Bắc. Các công ty lữ hành du lịch khi mở tour Sóc Sơn đều không thể bỏ qua những địa danh như đền Sóc, chùa Non Nước và Việt phủ Thành Chương.
 
Tại Việt phủ này, công ty Du lịch quốc tế Ánh sao mới mở tour du lịch một ngày sáng đi tối về với giá vé 380 nghìn đồng/người. Theo nhân viên của công ty này, nếu khách dưới 20 người thì vé sẽ tăng lên hơn 100 nghìn đồng. Chương trình gồm có tham quan “nơi hội tụ các sắc màu văn hóa Việt cổ” là dinh thự nổi tiếng của họa sỹ Thành Chương. Buổi trưa sẽ ăn trưa tại nhà hàng Hương Việt trong Việt phủ với suất ăn gần 200 nghìn đồng/người…
 
Cũng theo đại diện một công ty du lịch thì hiện tại tour Hà Nội rất khó hút khách nhưng hai tour là Cổ Loa và Sóc Sơn vẫn luôn có khách ổn định. “Đa số khách đặt vé là người nước ngoài và Việt kiều. Họ thường đọc về Việt phủ Thành Chương trên những báo, tạp chí du lịch nước ngoài đến khi về nước thì tò mò muốn đi”.
 
Còn theo một đại diện của hãng lữ hành khác, khác với địa chỉ du lịch khác như các bảo tàng văn hóa thường chỉ phục vụ nhu cầu tham quan, hướng dẫn khô cứng qua các hiện vật thì Việt phủ Thành Chương là bảo tàng mà đến nơi đó người ta được trải nghiệm không gian sống. Ngoài ra ở đây còn có các dịch vụ ẩm thực để khách có thể lựa chọn...
 
Ngoài ra, hiện tại Việt phủ cũng bán vé với khách tham quan có giá 100 nghìn đồng cho mỗi lượt khách tham quan.
 
Thông Chí