1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Doanh nghiệp tuyển hàng chục ngàn cử nhân, chỉ cần "làm ơn trung thực"

Hoài Nam

(Dân trí) - Giai đoạn 2023-2025, dự kiến nhiều các doanh nghiệp phía Nam cần tuyển gần 80.000 người. Nhà tuyển dụng mong muốn ứng viên có phẩm chất trung thực, trung thành.

Lĩnh vực hút nhân lực phía Nam

Theo khảo sát của Đại học Quốc gia TPHCM với gần 1.800 doanh nghiệp ở 4 tỉnh thành TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhu cầu tuyển dụng giai đoạn 2023-2025 sẽ giảm 12,61% so với giai đoạn 2020-2022.

Doanh nghiệp tuyển hàng chục ngàn cử nhân, chỉ cần làm ơn trung thực - 1

Số lượng nhân sự dự kiến tuyển dụng của gần 1.800 doanh nghiệp ở 4 tỉnh thành Đông Nam Bộ trong giai đoạn 2023-2025 (Ảnh: Chụp từ bản khảo sát).

Lĩnh vực có trung bình số lượng nhân sự dự kiến tuyển dụng giảm nhiều là kiến trúc và xây dựng (-31,18%) và dịch vụ xã hội (-30,58%).

Ngoài ra, các lĩnh vực có trung bình nhân sự dự kiến tuyển giảm đáng kể (trên 20%) là: nghệ thuật (-23,30%); toán và thống kê (-23,12%); công nghệ kỹ thuật (- 20,48%); Nông, lâm nghiệp và thủy sản (-23,00%); Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân (-20,66%).

Riêng nhu cầu tuyển dụng nhân sự thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, pháp luật và thú y có xu hướng tăng nhẹ (từ 0,35% đến 7,71%).

Nhìn chung, nhu cầu tuyển dụng tại 4 địa phương ở Đông Nam Bộ giai đoạn 2023-2025 chủ yếu ưu tiên lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kinh doanh và quản lý, máy tính và công nghệ thông tin, sức khỏe.

Doanh nghiệp tuyển hàng chục ngàn cử nhân, chỉ cần làm ơn trung thực - 2

Kỹ thuật là lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao ở thị trường phía Nam (Ảnh: Hoài Nam).

Giai đoạn này, dự kiến các doanh nghiệp cần tuyển gần 80.000 người. Một số lĩnh vực cần tuyển dụng số lượng lớn như khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên cần tuyển gần 1.800 người; kinh doanh và quản lý cần tuyển hơn 9.300 người; kỹ thuật gần 14.700 người; sản xuất và chế biến cần hơn 9.700 người... 

Cần lắm ứng viên trung thực 

Theo khảo sát này, nhà tuyển dụng mong muốn cả 3 yếu tố kiến thức, kỹ năng và thái độ thể hiện ở nhân sự đều phải tăng cường. Trong đó, doanh nghiệp quan tâm và đánh giá nhiều về thái độ của ứng viên hơn là kỹ năng.

Đặc biệt, khảo sát chỉ ra "tính trung thực, lòng trung thành" là yếu tố được các đơn vị sử dụng lao động mong muốn nhiều nhất ở ứng viên.

Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng rất mong muốn ứng viên có được "sự tự giác chuyên cần trong công việc", "tinh thần chịu trách nhiệm" và "tinh thần cầu tiến, chấp nhận thử thách".

Mức lương khởi điểm từ doanh nghiệp đề xuất là 5-10 triệu đồng/tháng chiếm đa số với trình độ đại học. Mức lương từ 10-30 triệu đồng/tháng dành cho ứng viên trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, mỗi năm TPHCM sẽ có khoảng 310.000 - 330.000 chỗ làm việc, trong đó khoảng 135.000-140.000 chỗ làm việc mới. 

Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm và hóa chất - nhựa cao su) có 65.100 - 69.300 chỗ làm việc/năm; 9 nhóm ngành kinh tế - dịch vụ (như tài chính - ngân hàng, giáo dục, bất động sản, du lịch, viễn thông...) có 170.500 - 181.500 chỗ làm/năm. 

Đến năm 2025, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 87%, trong đó trình độ đại học chiếm 19%, cao đẳng chiếm 16%, trung cấp chiếm 28%... 

Khảo sát từ doanh nghiệp của trung tâm này, nhà tuyển dụng hiện yêu cầu sinh viên ở 4 tiêu chí, gồm: nắm vững nghiệp vụ chuyên môn; trang bị các kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm, lắng nghe...; hiểu về nội quy, quy định tác phong trong lao động và hiểu biết về các quy định về pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động. 

Doanh nghiệp tuyển hàng chục ngàn cử nhân, chỉ cần làm ơn trung thực - 3

Nhà tuyển dụng quan tâm đến tính trung thực, trung thành của ứng viên (Ảnh minh họa: Anh Sinh).

Cách đây không lâu, một cuộc thực nghiệm tâm lý khách quan, nhóm nghiên cứu của Đại học Nottingham, Vương quốc Anh chỉ ra, nhân sự trẻ của Việt Nam xếp ở nhóm cuối bảng về tính trung thực. Thử nghiệm này được tiến hành thông qua việc "cho điểm" về sự trung thực đối với gần 2.600 thanh niên trong khoảng 22 tuổi đến từ 23 quốc gia. 

Theo các chuyên gia nhân sự, việc người lao động thiếu trung thực kéo theo nhiều hệ lụy cho công việc và tổ chức như gian lận tiền bạc, tài sản, thời gian; làm việc không đúng tiêu chuẩn; trốn tránh trách nhiệm; mất uy tín...