1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nguyên nhân khiến lao động ít "mặn mà" với việc học nghề

Trường Thịnh

(Dân trí) - Phần lớn là lao động phổ thông, đa số có đời sống khó khăn, quan tâm nhiều đến trợ cấp khi thất nghiệp thay vì học nghề là nguyên nhân khiến tỷ lệ người mất việc tìm kiếm các cơ hội hỗ trợ dạy nghề ở Việt Nam còn thấp.

Theo báo cáo trước Quốc hội của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 5/2023, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người, trong đó, số lao động thôi việc, mất việc làm chiếm 54,79%.

Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh. Trong đó, 17.003 người bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương. Số lao động chưa qua đào tạo thôi việc, mất việc nhiều nhất, với tỷ lệ 68%.

Dù lượng lao động bị mất việc lớn, và có nguy cơ còn tăng khi các doanh nghiệp chịu sức ép giảm sản lượng sản xuất do nhu cầu thế giới xuống thấp nhưng tỷ lệ người lao động tìm kiếm các cơ hội hỗ trợ học nghề vẫn ở mức thấp, chỉ chiếm 4-5% tổng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong khi đó, trên thực tế, theo báo cáo của các địa phương gửi Cục Việc làm, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật, với thủ tục đăng ký rất đơn giản.

Theo ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm - trên 60% người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là lao động giản đơn. Vị này cho biết hiện Việt Nam cũng mới chỉ có hơn 26% lao động đã qua đào tạo, nhiều lao động chưa có kỹ năng số dù kinh tế đã trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ.

Nguyên nhân khiến lao động ít mặn mà với việc học nghề - 1
60% người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là lao động giản đơn (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Lý giải nguyên nhân khiến lao động dù khó khăn trong việc tìm kiếm công việc lại không "mặn mà" với việc học nghề để nâng cao kỹ năng hoặc chuyển đổi ngành nghề khác, Cục Việc làm cho hay phần lớn người thất nghiệp và đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là các lao động phổ thông, làm việc tại các khu công nghiệp hoặc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị có mức độ tuyển dụng lao động lớn. Đây cũng là các doanh nghiệp, địa phương thường xuyên có tỷ lệ biến động lao động cao.

Do đều là lao động phổ thông, lao động giản đơn nên thu nhập của nhóm này thấp. Họ có đặc điểm chung là đời sống khó khăn, hầu như không có nguồn thu nhập hoặc dự trữ khi mất việc. Khi bất ngờ rơi vào cảnh bị cắt giảm việc làm hoặc thất nghiệp, họ chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp mà quên đi quyền lợi được hỗ trợ đào tạo nghề. Với người lao động, khi chưa thể ổn định được cuộc sống, việc tham gia học nghề và chờ đợi cơ hội việc làm chuyển đổi là thiếu tính khả thi. Do vậy, phần lớn lao động đều ưu tiên hưởng trợ cấp để duy trì sinh hoạt, tìm việc mới trước khi nghĩ tới học nghề.

Nguyên nhân khiến lao động ít mặn mà với việc học nghề - 2

Thu nhập thấp, không có khoản dự trữ khiến lao động thất nghiệp chỉ quan tâm đến phần hưởng trợ cấp mà bỏ quên quyền lợi học nghề (Ảnh: Sơn Nguyễn).

"Nền kinh tế vẫn nặng về thâm dụng lao động, chưa chuyển đổi sang thâm dụng tri thức khiến lao động dễ bị tổn thương, bị thay thế khi thị trường xảy ra một chuyển dịch nhỏ về nhu cầu hoặc ngành nghề", ông Liễu nhận xét.

Nhằm tăng tính quản trị rủi ro, chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần được hoàn thiện để trở thành công cụ quản trị thị trường lao động. Trong đó, quỹ bảo hiểm thất nghiệp tập trung hơn vào các biện pháp chủ động phòng ngừa thất nghiệp cho lao động. Bằng cách giúp kết nối cung- cầu lao động, tạo ra việc làm đầy đủ, tập trung phát triển lao động có kỹ năng cao, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại do yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, tạo ra sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để xác định đúng nhu cầu doanh nghiệp, đến chất lượng đào tạo, hoạt động của quỹ sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động hiệu quả nhất.

Hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) theo 4 nhóm chính sách, gồm phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.