Nghệ An:

Nhiều chương trình hỗ trợ lao động hồi hương tránh dịch

Hoàng Lam

(Dân trí) - Lao động hồi hương có nhu cầu sẽ được ưu tiên giới thiệu, tạo việc làm trong tỉnh, ngoại tỉnh hoặc xuất khẩu lao động.

Theo Kế hoạch triển khai đề án việc làm vừa được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt ngày 8/11, trong giai đoạn 2021-2025, địa phương này phấn đấu giải quyết việc làm mới cho khoảng 210.000 người lao động, bình quân mỗi năm 42.000 người được giải quyết việc làm.

Cụ thể, Nghệ An sẽ tạo việc làm nội tỉnh cho khoảng 139.000 người, chủ yếu làm việc tại các khu công nghiệp lớn của tỉnh; giải quyết việc làm ở ngoại tỉnh cho khoảng 13.500 người và đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho khoảng 57.000 người.

Nhiều chương trình hỗ trợ lao động hồi hương tránh dịch - 1

Đã có gần 75.000 lao động Nghệ An từ các tỉnh có dịch trở về quê (Ảnh: Hoàng Lam).

Sẽ có khoảng hơn 1.000 người được vay từ nguồn vốn cho vay Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài, khoảng 5.000 người được hỗ trợ vốn vay từ nguồn này để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong tỉnh.

Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án này là hỗ trợ người lao động Nghệ An hồi hương sau khi hoàn thành cách ly có nguyện vọng được đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phù hợp với tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính... Từ đó giúp người lao động trở về từ vùng dịch vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Theo ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ các vùng có dịch được UBND tỉnh và ngành đặc biệt quan tâm, phân công, phân cấp nhiệm vụ cho các đơn vị, các địa phương vào cuộc bài bản ngay từ đầu.

Nhiều chương trình hỗ trợ lao động hồi hương tránh dịch - 2

Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An: "Giải quyết việc làm cho người lao động hồi hương tránh dịch đã được tỉnh và ngành lao động hết sức quan tâm và vào cuộc bài bản ngay từ đầu" (Ảnh: Hoàng Lam).

"Ngay từ khi có những lao động đầu tiên về quê tránh dịch, ngành lao động đã phối hợp với từng địa phương phân loại, đánh giá chất lượng đồng thời phát phiếu khảo sát nhu cầu việc làm tới tay người lao động. Lao động trở về thời gian qua chủ yếu là lao động tự do, không có tay nghề, xuất phát từ nông dân, nay quay lại làm nông nghiệp, bởi vậy số lao động có nhu cầu trở lại các tỉnh làm việc không lớn", ông Đoàn Hồng Vũ thông tin.

Tỉnh Nghệ An sẽ thu thập, tổng hợp, lưu trữ thông tin thị trường lao động, đặc biệt là số lao động bị mất việc làm do tác động của dịch Covid-19; số hóa và cập nhật thông tin người lao động; xây dựng cổng thông tin việc làm cấp tỉnh phục vụ công tác tuyển dụng, tìm việc của doanh nghiệp và người lao động. 

Theo thống kê đến nay, có gần 75.000 lao động Nghệ An từ các vùng có dịch trở về quê. Qua rà soát, có gần 45.300 lao động đăng ký tìm việc, trong đó hơn 21.500 lao động có nhu cầu làm việc trong tỉnh, khoảng 20.700 lao động có kế hoạch làm việc ngoại tỉnh và gần 2.900 lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.

Trong thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An đã chắp nối với Khu kinh tế Đông Nam và các doanh nghiệp, kết nối với địa phương, người lao động thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm để triển khai các biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động từ ngoại tỉnh về quê tránh dịch.

Qua khảo sát, 84 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang có kế hoạch tuyển dụng gần 30.000 lao động. Trong đó có 57 doanh nghiệp nội tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 15.000 lao động, 27 doanh nghiệp ngoại tỉnh tuyển dụng gần 14.000 lao động.

Nhiều chương trình hỗ trợ lao động hồi hương tránh dịch - 3

Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An về tận các xã để tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trở về từ các vùng có dịch (Ảnh: H.Dương).

"Giải quyết lao động tại chỗ là ưu tiên. Chúng tôi đang tính toán để định hướng người lao động Nghệ An ở lại địa phương làm việc", ông Vũ cho biết thêm.

Cùng với việc đẩy mạnh kết nối cung cầu, giải quyết việc làm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động hồi hương học nghề, đào tạo lại; vay vốn ưu đãi tạo việc làm tại chỗ hoặc xuất khẩu lao động.

Ngoài việc tìm kiếm, giới thiệu việc làm, tỉnh Nghệ An cũng đang đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ về xây dựng nhà ở, khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa cho công nhân và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động để lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.