1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Về Bến Tre nghe chuyện người thương binh nặng giúp học sinh vượt khó

Phạm Tâm Quốc An

(Dân trí) - Chiến tranh đã lấy đi của ông Lê Văn Ý một chân, một tay và một con mắt. Nhưng ông không hề bi lụy mà vẫn âm thầm giúp trẻ em nghèo được cắp sách đến trường, hằng mong một tương lai tươi đẹp.

Về Bến Tre nghe chuyện người thương binh nặng giúp học sinh vượt khó - 1

Quên đi những mất mát của bản thân, thương binh Lê Văn Ý luôn lạc quan yêu đời.

Từ đứa trẻ chăn trâu...

Ông Lê Văn Ý (xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) năm nay đã 80 tuổi nhưng ước nguyện giúp đỡ học sinh nghèo đến trường vẫn luôn thường trực.

Với ông, việc giúp đỡ trẻ em là niềm đam mê và là niềm vui viên mãn nhất lúc tuổi già. “Ngày nào tui còn sống trên cõi đời này là ngày tui sẽ tiếp tục giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn”, ông Ý nói.

Về Bến Tre nghe chuyện người thương binh nặng giúp học sinh vượt khó - 2
Mặc dù cơ thể không lành lặn nhưng ông Ý luôn lạc quan

Nhắc đến các em học trò nghèo, ông Lê Văn Ý như nhớ đến cuộc đời vốn không may mắn của mình.

Ông Lê Văn Ý nhớ lại: “Hồi đó, nhà tôi nghèo lắm, tất cả 7 anh chị em của tôi đều chỉ học cho biết chữ rồi nghỉ. Tôi là con út nên được học đến lớp 2 rồi cũng nghỉ vì nghèo đói. Cha tôi mất sớm. Mẹ một mình tảo tần nuôi mấy anh em khôn lớn”.

Năm lên 10 tuổi, khi bạn bè đồng trang lứa đang đến trường học, cậu bé Lê Văn Ý phải ra đồng giữ vịt, chăn trâu mướn cho người ta kiếm tiền mang về phụ giúp gia đình.

Thương binh Lê Văn Ý

Năm 1952, quân giặc tái chiếm đóng nhiều đồn bốt dọc sông Hàm Luông. Cán bộ cách mạng luôn kiên cường bám địa bàn, ngày ở ẩn chờ khi đêm đến tiếp tục hoạt động cách mạng.

Do suốt ngày quanh quẩn ở khắp các cánh đồng, cậu bé Lê Văn Ý được cán bộ phân công nhiệm vụ gác đường và thông tin liên lạc, báo động khi phát hiện giặc.

Nhờ tính nhanh nhạy, thông minh nên tất cả những lần quân giặc xuất hiện, cậu bé Lê Văn Ý đều hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến năm 1960, Lê Văn Ý được chính thức tham gia cách mạng khi tròn 20 tuổi.

Luôn vươn lên

Ngoài công tác quân báo cho huyện, ông Ý còn được cấp trên giao nhiều nhiệm vụ khác tại địa phương. Vào chiều tối 10/4/1966, ông Ý cùng đồng đội làm nhiệm vụ cài 10 quả mìn cạnh bờ sông Hàm Luông.

Trong lúc thưc hiện, quả mìn cuối cùng bất ngờ phát nổ khiến ông bị cụt bàn tay phải và mù mắt trái.

Về Bến Tre nghe chuyện người thương binh nặng giúp học sinh vượt khó - 3
Với những cống hiến của mình, ông Ý vinh dự được phong tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì

Bị thương, ông Ý không còn khả năng để đảm trách công tác quân báo nên được giải ngũ. Không còn được tham gia chiến trường, ông Ý chuyển sang sáng tác các bài vọng cổ để phục vụ cho các chiến sĩ trực tiếp chiến đấu.

Các bài ca do ông sáng tác đều ca ngợi tinh thần quả cảm của người chiến sĩ kiên trung, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh với những trận đánh kinh hoàng trên sông Hàm Luông ngày nào.

Đến năm 1972, trong một lần đi dự đại hội để gây dựng cơ sở, ông Ý bị trúng đạn của địch nên bị dập nát chân phải.

Ông được đồng đội đưa đến trạm y tế xã sơ cứu, cắt bỏ phần chân dập nát và khâu vết thương. Bình phục, ông Ý vẫn tiếp tục sự nghiệp sáng tác với những bài ca cổ phục vụ cho tiền tuyến.

Về Bến Tre nghe chuyện người thương binh nặng giúp học sinh vượt khó - 4
Thời gian nhàn rỗi, ông Ý thường ra vườn chăm sóc vườn kiểng của mình

Năm 1975, đất nước hoàn toàn độc lập, dù bản thân bị quá nhiều mất mát nhưng ông Ý vẫn ngày ngày thầm lặng giúp các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục cắp sách đến trường.

“Lúc còn hoạt động cách mạng, tôi từng được cán bộ nhiều lần nhắc nhở, ghi nhớ lời Bác là phải chống 3 loại giặc: Giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt. Tôi tự hứa với bản thân mình, khi thống nhất đất nước sẽ dành hết quãng đời còn lại để giúp trẻ em nghèo...”, ông Ý nghẹn ngào nói.

Có được suy nghĩ trên bởi ông thấu hiểu sự đam mê, khát vọng được đến trường nhưng vì nghèo nên đành bỏ dở việc học. Ông giúp các em là cũng để nhớ chính bản thân mình từng bị thất học vì nghèo đói.

Nhớ người giúp mình...

Đầu năm 1978, thời điểm mà ông chứng kiến cảnh các học trò nghèo phải nghỉ học vì đói và không tiền. Trước tình cảnh này, ông Ý miệt mài đến từng gia đình vận động các trẻ nghèo trở lại trường.

Ban đầu, ông vận động được 8 em ở đủ các các lớp, với mọi hoàn cảnh bi đát khác nhau.

Về Bến Tre nghe chuyện người thương binh nặng giúp học sinh vượt khó - 5
Dù ở tuối xế chiều, sống một mình trong căn nhà nhỏ nhưng ông Ý luôn thấy ấm áp vì nhiều thế hẹ học trò được ông giúp đỡ vẫn hay ghé thăm

Một người thân của ông Ý cho biết, nhờ có sẵn 2,7 công đất trồng dừa cho trái liên tục nên thu lợi tương đối ổn định, cộng với tiền lương thương binh hàng tháng nên ông tự lên kế hoạch chi tiêu giúp các em.

Ngoài tiền sách vở, áo quần, tiền học phí, tui còn trang bị cho các cháu xe đạp khi vào cấp 2 và cấp 3. Đối với các em đỗ đại học, ông không ngần ngại mượn hàng chục chỉ vàng của người thân để mua xe máy tặng các em làm phương tiện đi lại.

Số nợ tính bằng vàng, sau đó ông Ý bán dừa và tích lũy tiền lương rồi trả dần.

Đáp lại nghĩa cử cao đẹp của người lính Cụ Hồ, hầu hết tất cả các cháu được ông Ý giúp đỡ đều học rất giỏi, lập nghiệp thành người. Trong đó, có người giờ đã là giảng viên trường đại học.

Khi được hỏi ông đã giúp đỡ bao nhiêu học trò nghèo có tiền, có sách vở đến trường? Ông nói gọn là ông không nhớ. Bởi quan điểm của ông chỉ nên nhớ người đã giúp mình và quên đi người mình đã giúp.

Đánh giá về thương binh Lê Văn Ý, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ - ông Cao Minh Trang nhận xét, ông Ý là người sống chân thật, giản dị, giàu tình yêu thương.

Đặc biệt, suốt hàng chục năm qua, người thương binh này vẫn miệt mài giúp đỡ các học nghèo đến trường, hiện có nhiều em đã thành tài. Ông Lê Văn ý là tấm gương điển hình, niềm vinh dự của địa phương.