“Ẵm” 2 học bổng toàn phần Hà Lan, thí sinh Olympia về Việt Nam “truyền lửa”

(Dân trí) - Khiêm tốn nhận mình không có thành tích gì nổi trội, Quỳnh Nga - cô gái 2 lần giành học bổng toàn phần tại Hà Lan, trở nên hào hứng khi nói đến kế hoạch về Việt Nam của nhóm thí sinh từng thi Olympia chia sẻ kinh nghiệm du học mà cô là người sáng lập.

  

Thông tin cá nhân

 

Họ và tên: Lê Thị Quỳnh Nga

 

Năm sinh 1987

 

Hiện đang là: Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại ĐH Maastricht, Hà Lan

 

Thành tích chính đạt được:

 

- Học bổng toàn phần Thạc sĩ (High Potential Scholarship) trị giá hơn 23.700 euro

 

- Học bổng toàn phần Tiến sĩ (UNU-MERIT Fellowship) trị giá hơn 72.000 euro

- Giải Vàng Thắp Sáng Tài Năng Kinh Doanh Trẻ 2008

 

- Giải Nhì Cuộc Thi Dynamic Sinh Viên Nhà Doanh Nghiệp Tương Lai. Được đi Mỹ gặp gỡ bà Indra Nooyi, chủ tịch và CEO của Pepsi Co toàn cầu và giao lưu với sinhv viên và giáo sư MBA tại đại Học Georgetown ở D.C.

 

- Giải Ba Nghiên Cứu Khoa Học Dành cho sinh viên, trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân

 

Sở thích: vẽ tranh, đi dạo bên những cánh đồng cỏ ở Châu Âu, nghe nhạc giao hưởng và nhạc jazz, đi các viện bảo tàng nghệ thuật lớn trên thế giới.

 

2 lần giành học bổng toàn phần tại Hà Lan
 
Sinh năm 1987, Lê Thị Quỳnh Nga từng là học sinh trường chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi). Không tham gia các cuộc thi HSG, cô tập trung vào mục tiêu thi ĐH và không quá khó khăn để cô ghi tên mình vào trường ĐH Kinh tế quốc dân (HN).

 

Trong môi trường ĐH, Nga nhiệt tình tham gia các hoạt động, cuộc thi SV như  giải Vàng Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ, giải Nhì Dynamic SV – nhà doanh nghiệp tương lai, giải Ba nghiên cứu khoa học cấp trường...
 
Quỳnh Nga tại tòa nhà Liên Hợp Quốc (Geneve, Thụy Sĩ)

Quỳnh Nga tại tòa nhà Liên Hợp Quốc (Geneve, Thụy Sĩ)

 

Trao đổi với PV, Nga luôn khiêm tốn nhận mình “học chỉ ở mức bình thường” nhưng sau 4 năm đại học, cô đã chinh phục thành công khóa học thạc sĩ với suất học bổng toàn phần của trường ĐH Maastricht, Hà Lan trị giá gần 24.000 euro (khoảng 560 triệu đồng).

 

Cô chia sẻ: “Kinh nghiệm quan trọng nhất em rút ra được đó là hồ sơ phải thật chỉnh chu đến từng chi tiết. Một số thứ đặc biệt quan trọng như thư xin học bổng (tiếng anh gọi là Statement of purpose- Sop- hay Motivation letter) thể hiện quyết tâm đi học.

 

Ngoài ra, thư giới thiệu, resume phải được viết rất chỉnh chu và trau chuốt từng từ ngữ. Em cũng đã nhờ hai người kiểm tra kỹ càng trước khi em gửi đi”.

 

“Thừa thắng xông lên” từ kết quả học thạc sĩ, Quỳnh Nga tiếp tục gặt hái suất học bổng tiếp theo cho khóa học Tiến sĩ 2 năm với giá trị hơn 72.000 euro (khoảng 1,7 tỷ đồng).

 
Quỳnh Nga tại tòa nhà Liên Hợp Quốc (Geneve, Thụy Sĩ)

Sau học bổng toàn phần khóa Thạc sĩ, Nga tiếp tục chinh phục thành công học bổng toàn phần Tiến sĩ. Ảnh: Quỳnh Nga trong ngày tốt nghiệp Thạc sĩ.
 

Và giấc mơ “chuyền đuốc” của nhóm thí sinh Đường lên đỉnh Olympia

 

Điều bất ngờ, Quỳnh Nga từng là thí sinh dự thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2004. Mặc dù chỉ giành giải Nhì cuộc thi tuần nhưng với cô gái có chiều cao gần 1m70 này, “cuộc thi này có thể nói là thay đổi cuộc đời em vì sau đó em được gặp gỡ và quen thân với rất nhiều ‘Olympian’ khác (thí sinh thi Olympia- PV)”.

 

Hiện nay em và 2 bạn thi cùng nhau ngày đó hiện vẫn thường xuyên liên lạc qua facebook. Thậm chí một thí sinh đã từng thắng em trong phần câu hỏi phụ dành cho các thí sinh có điểm nhì cao điểm nhất hiện nay trở thành bạn rất tốt. Hai anh em thỉnh thoảng vẫn hỏi thăm tình hình của nhau qua Facebook”.

 

Bên cạnh những hội dành cho các thí sinh Olympia như hội Olympians đá bóng, Olympians đố vui trực tuyến, Nga lại có ý tưởng thành lập nhóm Olympia để truyền đuốc cho bạn trẻ Việt muốn du học.

 

“Ý tưởng lúc đầu là thành lập nhóm chỉ để hướng dẫn du học cho Olympians, vì cộng đồng này có một lượng lớn các Olympians đang ở nước ngoài bằng nhiều học bổng khác nhau. Nếu kết nối được Olympians lớn và bé thì sẽ là một điều rất tuyệt với.

 

Tuy nhiên sau khi lập nhóm trên FB được vài tháng em quyết định mở rộng dành cho tất cả những ai quan tâm vì nhu cầu du học học bổng trong người trẻ Việt Nam hiện nay là quá lớn. Và sau hơn một năm rưỡi có gần 3.000 thành viên”.
 
Nga cùng bạn bè vui chơi tại lễ hội Carnival thành phố Maastricht

Nga cùng bạn bè vui chơi tại lễ hội Carnival thành phố Maastricht
 
Đi dạo trên đồng cỏ ở Maastricht vào mùa xuân hè- một điều không thể không làm ở Maastricht

Đi dạo trên đồng cỏ ở Maastricht vào mùa xuân hè- một điều không thể không làm ở Maastricht

 

Ngoài Nga và anh Nguyễn Thanh Tùng (một Olympian khác từng giành học bổng toàn phần VEF làm Tiến Sĩ và hiện là giảng viên ở ĐH Utah State University, Mỹ) là đồng sáng lập kiêm người hỗ trợ chính hướng dẫn các bạn làm hồ sơ, còn có các bạn khác hỗ trợ kỹ thuật cũng như đóng vai trò hướng dẫn.

 

Bên cạnh vai trò hướng dẫn, Nga cùng các bạn đã kỳ công tổng hợp một file excel gồm rất nhiều các học bổng trên thế giới, bao gồm các học bổng chính phủ thông qua ĐSQ (ví dụ Fulbright, AusAid, New Zealand ASEAN Scholars Award...) và rất nhiều các học bổng của trường. Hiện nay file này đã được chia sẻ trên facebook của nhóm mang tên “Olympians Tư vấn du học”.

 

Nga cho biết thêm: “Bên cạnh file excel thống kê này, có rất nhiều website chia sẻ thông tin về học bổng khác như nguonhocbong.com; http://scholarshipplanet.info; hay một website nước ngoài rất nổi tiếng là http://www.scholarships-links.com/.

 

Tuy nhiên em cũng muốn nhấn mạnh: Các bạn muốn tìm học bổng của trường phải thật sự rất chủ động và chịu khó dành thời gian để tìm kiếm. Những thống kê này chỉ mang tính như điểm bắt đầu.

 

Nếu các bạn không có profile thật khủng để có thể xin được học bổng rât tốt ở các trường danh tiếng thì các bạn nên dành nhiều thời gian đầu tư để tìm kiếm những học bổng của trường manh tính ít cạnh tranh hơn.

 

Quan trọng nhất là cần có chiến lược định vị bản thân đúng đắn để có thể đưa ra những lựa chọn xứng tầm để thành công”.
 
Đi dạo trên đồng cỏ ở Maastricht vào mùa xuân hè- một điều không thể không làm ở Maastricht

Nga và các bạn chụp cùng với Indra Nooyi, chủ tịch và CEO của Pepsi Co International ở New York.

 

Được biết trong lần trở về Việt Nam lần này, Nga cùng nhóm “Olympians tư vấn du học” sẽ thực hiện chuỗi chương trình “Chuyền đuốc” phi lợi nhuận và hoàn toàn miễn phí nhằm tư vấn kinh nghiệm viết và nộp hồ sơ, chia sẻ cuộc sống tại nước ngoài cho các bạn trẻ đang có ý định du học tại ĐH Thủy Lợi Hà Nội (9h sáng 18/7), ĐH FPT Đà Nẵng (9h sáng 1/8), ĐH FPT TP.HCM (9h sáng 8/8) và ĐH Mở TPHCM (9h sáng 9/8).

 

“Nếu thật sự muốn đi du học, bạn đừng bao giờ từ bỏ ước mơ và nhất định phải thật kiên trì. Đừng nản chí với những lần thất bại, vì trung bình thì thường một người phải nộp hồ sơ vài lần mới được học bổng (trừ các bạn siêu sao!).

 

Bên cạnh đó, phải định vị bản thân mình thật chính xác để có chiến lược lựa chọn trường và học bổng phù hợp. Luôn chủ động và sẵn sàng khi cơ hội đến, bạn chắc chắn sẽ thành công”, Quỳnh Nga khẳng định.
 

Kế hoạch chương trình “Chuyền đuốc” của nhóm “Olympian tư vấn du học”

 

- 9h Sáng thứ 7, ngày 18/ 07/ 2015 tại Đại Học Thủy Lợi Hà Nội

 

- 9h Sáng thứ 7, ngày 1/8/2015 tại Đại Học FPT Đà Nẵng.

 

- 9h Sáng thứ 7, ngày 8/ 8/ 2015 tại Đại Học FPT Thành Phố Hồ Chí Minh

 

- 9h Sáng chủ nhật, ngày 9/ 8/ 2015 tại Đại Học Mở Thành Phố Hồ Chí Minh

  

Vũ Phong