Bỏ Mùa hè xanh, khác nào ta “cấm tình nguyện”

(Dân trí) - Hai nữ sinh đã đưa ra góc nhìn và những quan điểm giữa những luồng dư luận trái chiều đang “bùng nổ” về tình nguyện, xuất phát từ sự ra đi đầy đau xót của 3 sinh viên Ngoại thương.

Việc 3 sinh viên ĐH Ngoại thương ra đi khi làm tình nguyện đã một lần nữa thổi bùng lên tranh cãi tình nguyện mùa hè, tình nguyện xa nên hay không? Dưới đây là quan điểm của hai bạn sinh viên Phạm Như Quỳnh và Nguyễn Thu Trang.

Phạm Như Quỳnh (ĐH Kinh tế quốc dân HN)


Như Quỳnh chia sẻ quan điểm về giá trị của Mùa hè xanh.

Như Quỳnh chia sẻ quan điểm về giá trị của Mùa hè xanh.

Mùa hè xanh ra đời vì những mục đích tốt đẹp, đó là nơi người trẻ góp sức giúp đỡ người khác, và rộng hơn, là lan truyền một giá trị sống mang tính cộng đồng chứ không còn bó hẹp ở mỗi cá nhân. Vì lẽ đó mà tôi cho rằng, không nên xóa bỏ những chương trình tình nguyện xa.

Thứ nhất, sinh viên tham gia tình nguyện được gì?

Họ được tận mắt nhìn thấy, cảm nhận cái nghèo đói, sự vất vả cơ cực, nghị lực sống kiên cường của nhiều số phận. Để từ đó thấy rằng, ta còn may mắn hơn nhiều người, để cố gắng, để biết giúp đỡ cộng đồng. Người xưa từng nói, trăm nghe không bằng một thấy. Tôi tin rằng một trăm giờ học giảng giải đạo lý không giá trị bằng một lần tự mình “thấy” và trải nghiệm.

Đi tình nguyện là sinh hoạt bình dân, đi bộ hàng giờ, lao động dưới nắng gắt, từ bỏ chăn ấm đệm êm, điều hòa, máy giặt để tự làm mọi việc. Thì nếu đã từng khổ, sinh viên còn ngần ngại gì nếu một sự khổ khác trong đời ập đến?

Bên cạnh đó, sinh viên còn có niềm vui được sống chung, làm chung, vất vả chung trong một tuổi trẻ có nhiệt huyết. Niềm vui đến từ cái bắt tay cám ơn của người dân, cái bịn rịn ngô nghê của mấy đứa trẻ con tiễn các anh chị về trường ĐH.

Thứ hai, người dân nơi “Mùa hè xanh” đến, họ được gì?

Trước hết là những giá trị vật chất đến từ các hoạt động: một con đường, đập thủy lợi hay mái nhà tình nghĩa được xây mới, những đứa trẻ được dạy học trong hè…

Riêng ở TP.HCM, năm 2015, sinh viên đến với các xã khó khăn đã thực hiện nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa: bê tông hóa hơn 10 km đường giao thông; tổ chức hơn 20 lớp tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học tiên tiến về chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân; xóa các điểm rác thải tự phát; tổ chức 20 sân chơi khoa học vui cho thiếu nhi.

Nhưng hơn cả, Mùa hè xanh đã để lại những giá trị tinh thần lớn.

Đó là cảm giác được thông cảm, giúp đỡ và sẻ chia ở những vùng quê còn khó khăn. Đó là những nếp sống văn hóa - văn minh được truyền đến: thói quen không vứt rác bừa bãi, một kiến thức mới được sẻ chia...

Đó còn có thể là những ước mơ được thổi bùng từ màu áo xanh tình nguyện, là khi đứa trẻ háo hức lớn lên có thể thi vào đại học, để có cuộc sống tốt đẹp hơn, để mặc áo xanh đi giúp đỡ mọi người.

Với tôi, những hoạt động của Mùa hè xanh góp phần làm nên chất keo gắn kết cộng đồng. Một cộng đồng không thể tồn tại nếu mỗi cá nhân chỉ biết “vị kỉ”, sống cho bản thân mình. Những sinh viên làm việc và cống hiến vì người khác, thì việc tử tế sẽ lan truyền và nhân lên, như những đứa trẻ con ở vùng quê ấy cũng muốn lớn lên rồi làm sinh viên và đi tình nguyện như các anh chị.

Tôi không hề phủ nhận những vấn đề còn tồn tại trong các chiến dịch Mùa hè xanh, đó là liệu mọi sinh viên tham gia đều đã thật tâm, liệu những hoạt động đã thực sự bảo đảm an toàn và phù hợp với năng lực, kiến thức của sinh viên?

Câu chuyện về 3 nữ sinh ĐH Ngoại Thương gặp nạn khi đi tình nguyện là hồi chuông cảnh tỉnh với chúng ta. Nhưng, đó là sự cảnh tỉnh để có một Mùa hè xanh an toàn hơn, cống hiến hơn cho các bạn sinh viên chứ không phải là dẹp bỏ đi một phong trào ý nghĩa như vậy. Bỏ Mùa hè xanh, khác nào ta “cấm tình nguyện”.

Nguyễn Thu Trang (ĐH Ngoại thương HN)


Thu Trang cho rằng sinh viên tham gia tình nguyện là để Sống khác.

Thu Trang cho rằng sinh viên tham gia tình nguyện là để Sống khác.

Gần đây khi câu hỏi về “Làm tình nguyện để làm gì?” trong 60’ Mở mới làm mưa làm gió, cái chết của ba nữ sinh viên như gáo dầu đổ thêm chảo lửa vào một chủ đề vốn đã khó cân đo đong đếm trắng đen: Tình nguyện.

Suy cho cùng, vấn đề cốt lõi của tình nguyện nằm ở chữ “Tình”. Sinh viên làm tình nguyện để Sống khác! Mục tiêu đề ra trong mỗi đợt tình nguyện có thể là “dọn xong con mương”, hay mở một lớp học tình thương, nhưng mục đích thật sự của những chiến dịch như “Mùa hè xanh” là để kết nối.

Theo quan điểm của tôi, Nhà nước chúng ta đủ tầm nhìn để hiểu rõ điều gì sẽ hiệu quả hơn: điều động 100 công nhân lành nghề để xây dựng một con mương hay điều động 200 sinh viên từ miền xuôi về xây nơi miền ngược. Câu trả lời thật quá rõ ràng, nếu một công trình đáng ra xây mất hai ngày, thì với sinh viên, họ có khi cần đến 5,6 ngày. Đúng, về khía cạnh kinh tế, hẳn “Mùa hè xanh” có thể là một thất bại. Tuy nhiên, những dự án như vậy là một cơ hội giáo dục tuyệt vời, tôi gọi đó là một khoản đầu tư dài hạn.

Vì sao lại là đầu tư dài hạn?

Trước khi lợi ích mang về đến vùng xa xôi, sinh viên tham gia tình nguyện là người được hưởng lợi đầu tiên. Người xưa có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chỉ khi được đặt vào những tình huống khó khăn thì ý chí mới được tôi rèn.

Những con người trong màu áo xanh ấy rất đẹp. Họ can đảm khi dám bắt đầu và càng can đảm hơn khi đã ở lại và liên tục cố gắng. Tuối trẻ, cần mật ngọt nhưng cũng cần trái đắng để biết cuộc sống quanh ta đa vị thế nào. Như vậy, tinh thần thép chính là khoản lãi đầu tiên trong chiến lược đầu tư dài hạn mang tên “Tình nguyện”.

Theo sau đó, và quan trọng hết thảy là những tình bạn được gắn bó keo sơn trong chiến dịch. Họ làm cùng nhau trong những trưa hè, trên đầu nóng như đổ lửa, còn dưới chân nước đã ngập kín ủng nhưng nụ cười vẫn nở rực trên môi. Họ hát cùng nhau để xua tan những vất vả và nóng bức.

Tình đoàn kết của những con người ấy không sinh ra từ những câu chuyện phiếm, nó được bện chặt từ trong những gập ghềnh, đó chính là vốn liếng quý giá mà cả đời người chưa chắc có được. Hãy hỏi những nhà khởi nghiệp ở Israel để biết rằng tình bạn quan trọng thế nào trong việc xây dựng sự nghiệp, đặc biệt là tình bạn được thui rèn trong thử thách.

Hôm qua, tôi có hỏi một nữ sinh đã từng tham gia “Mùa hè xanh” để có thêm cái nhìn từ chính người trong cuộc, và câu trả lời của cô ấy làm tôi có những cảm xúc lẫn lộn: “Thật ra trước khi đi mình đã chuẩn bị tâm lý trước rủi ro rồi, nhưng đúng là những kỉ niệm ở đấy thì không thể nào quên được”.Vui vì thấy yêu thêm những trải nghiệm, buồn vì chính người trong cuộc cũng nhận ra, chữ “an toàn” cần được đề cao hơn.

Cũng tham gia tình nguyện, tôi cảm thấy mình sống có ích hơn, trưởng thành hơn mỗi ngày. Đầu tư dài hạn, đó là những gì tôi dùng để miêu tả về tình nguyện. Tình nguyện để tạo ra những con người sống giàu hơn, sống đồng cảm hơn. Tình nguyện hay bất cứ một hoạt động nào khác đều tiềm ẩn những rủi ro.

Hè năm nay không thể vui với hung tin vừa qua, nhưng chẳng lẽ vì thế ta sẽ khai tử sắc xanh nhiệt thành kia sao?

Hoài Thư (ghi)