Bức thư đầy lay động gửi con gái của thạc sĩ Đại học Harvard

(Dân trí) - “Con à, ba không hiểu biết nhiều về phong trào nữ quyền, nhưng ba sẽ không để bất cứ vật cản nào ngăn con không thực hiện được ước mơ của mình chỉ vì con là con gái”… Những lời nhắn giản dị, đầy thấm thía của Thạc sĩ ĐH Harvard Hoài Chung nhận nhiều lời tán thưởng.

Hiện nay, bên cạnh già hóa dân số với tốc độ nhanh, vô sinh có xu hướng gia tăng, chất lượng dân số chưa cao…, dân số Việt Nam cũng đang đứng trước một vấn đề đáng lo ngại là cơ cấu về giới tính, đặc biệt là tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh luôn ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của mất cân bằng giới tính khi sinh bắt nguồn từ tâm lý, tập quán muốn có con trai để nối dõi tông đường “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” trong xã hội phong kiến.


Bức thư gửi con gái nhỏ của thạc sĩ Đại học Harvard Trương Phạm Hoài Chung “chiếm cảm tình” của rất nhiều người.

Bức thư gửi con gái nhỏ của thạc sĩ Đại học Harvard Trương Phạm Hoài Chung “chiếm cảm tình” của rất nhiều người.

Bức thư gửi con gái nhỏ của Trương Phạm Hoài Chung (Thạc sĩ Chính sác giáo dục, Đại học Harvard) với những lời lẽ giản dị nhưng đầy mạnh mẽ là tiếng nói khẳng định nữ quyền giản dị nhưng đầy mạnh mẽ của một người cha, một người đàn ông. Ông bố 8X bày tỏ sự khâm phục những người phụ nữ hiện đại bắt đầu từ sự kiện 3/3 thí sinh quốc tịch Việt Nam được nhận vào ngôi trường danh tiếng bậc nhất thế giới Harvard đều là con gái.

Đồng thời, anh chia sẻ với những thiệt thòi về thể chất, tâm lý với phái nữ: “Phải công nhận rằng giữa con trai và con gái có một sự khác biệt, chưa tính các quan niệm định kiến của xã hội. Ngày xưa cấp 2, ba là đứa nhỏ con nhất lớp, nhưng chạy thể dục vẫn nhanh hơn bạn gái cao khỏe nhất, ba đã cảm nhận thấy sự khác biệt về thể lực giữa con trai và con gái rồi. Khi chứng kiến cảnh mẹ đau bụng mỗi tháng mặt mày tái xanh tái mét thì ba cũng cảm nhận thêm sự khác biệt về thể chất và tâm lý này”.

Và hơn thế, phụ nữ còn phải đối mặt với nhiều rào cản quanh mình trong xã hội nhưng họ vẫn khẳng định mình đầy mạnh mẽ, đáng khâm phục. Để rồi cuối cùng, người bố gửi đến cô công chúa nhỏ những lời đầy dễ thương, ngọt ngào: “Con à, ba không hiểu biết nhiều về phong trào nữ quyền, nhưng ba sẽ không để bất cứ vật cản nào ngăn con không thực hiện được ước mơ của mình chỉ vì con là con gái. Con chỉ đơn giản là con của ba mẹ, là thiên thần của mọi người”.

Bức thư với quan điểm tiến bộ về nữ quyền và tình yêu đầy ắp Trương Phạm Hoài Chung dành cho con gái nhanh chóng nhận được nhiều lời tán thưởng. Và chắc hẳn, những người cha đã từng bực bội, thậm chí hắt hủi vợ con vì sinh toàn con gái sẽ có dịp nhìn lại tư cách làm bố của chính mình.


Tác giả của bức thư khẳng định nữ quyền đang nhận được nhiều hưởng ứng trong vài ngày qua.

Tác giả của bức thư khẳng định nữ quyền đang nhận được nhiều hưởng ứng trong vài ngày qua.

Nguyên văn bức thư:

“Năm nay, 3/3 thí sinh quốc tịch Việt Nam được nhận vào Harvard đều là con gái. Nhưng mà hình như con đầu lòng người ta (người Việt) thường thích có con trai, vì yên tâm có cháu nối dõi tông đường, các con sau sinh con gì cũng được. Lỡ con đầu là con gái thì lo lắng nếu con thứ 2 cũng là con gái thì phải đẻ nữa để có con trai. Phải công nhận rằng giữa con trai và con gái có một sự khác biệt, chưa tính các quan niệm định kiến của xã hội. Ngày xưa cấp 2, ba là đứa nhỏ con nhất lớp, nhưng chạy thể dục vẫn nhanh hơn bạn gái cao khỏe nhất, ba đã cảm nhận thấy sự khác biệt về thể lực giữa con trai và con gái rồi. Khi chứng kiến cảnh mẹ đau bụng mỗi tháng mặt mày tái xanh tái mét thì ba cũng cảm nhận thêm sự khác biệt về thể chất và tâm lý này. Trong những tháng trước và sau khi mẹ sinh con, mẹ không thể làm gì khác ngoài ăn uống tẩm bổ nghĩ dưỡng, trong khi ba vẫn duy trì học tập và công việc bình thường, ba thấy thêm một sự khác biệt về cơ hội và thời gian nữa. Nhưng ba còn nhớ như in hình ảnh của những người con gái làm ba ngưỡng mộ hết mình:

• Năm lớp 5, cô O. cao hơn ba 1 cái đầu tự tin lãnh đạo các hoạt động tập thể.

• Năm 2000, khóa được học bổng ASEAN du học Singapore của ba có 8 con trai và 15 con gái. Tự xung phong lãnh đạo nhóm là cô H., học siêu giỏi là cô T. vào Harvard, và sau này ra trường các cô đều nhanh chóng vươn lên vị trí cấp cao của các công ty.

• Năm 2008, khi kinh tế Mỹ xuống tận đáy, cô P. vẫn được việc ở công ty xem như là tốt nhất cho sinh viên mới ra trường.

• Năm 2013, mẹ leo núi Fansipan hừng hực khí thế, bỏ xa ba nhiều lần. Nhận thức của ba lúc trước về khác biệt thể lực là sai lầm.

• Năm 2014, ba hoàn toàn tin tưởng cô N. về năng lực và phẩm chất để cùng làm giáo dục, từ chối kha khá lời mời hợp tác của nhiều người thành đạt khác. Con à, ba không hiểu biết nhiều về phong trào nữ quyền, nhưng ba sẽ không để bất cứ vật cản nào ngăn con không thực hiện được ước mơ của mình chỉ vì con là con gái. Con chỉ đơn giản là con của ba mẹ, là thiên thần của mọi người”.

Lệ Thu