Chàng phi công dũng mãnh điều khiển chiến đấu cơ Su-30 trẻ nhất VN

(Dân trí) - Sinh năm 1988, Thượng uý Trần Thanh Luân nhập ngũ từ khi tốt nghiệp cấp 3, nhờ thành tích xuất sắc, anh trở thành người trẻ nhất được điều khiển Su-30 - chiếc máy bay chiến đấu được mệnh danh là "Hổ mang chúa".

Thượng úy Trần Thanh Luân là phi công lái cường kích đa năng Su-30MK2 trẻ nhất toàn quân (hiện Luân thuộc biên chế Phi đội 1, Trung đoàn 935, Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng Phòng không - Không quân).

Thượng úy Trần Thanh Luân
Thượng úy Trần Thanh Luân

Thượng úy Luân được đề cử là gương mặt trẻ xuất sắc, được đề cử Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2015. Anh cho biết anh cảm thấy vinh dự và trách nhiệm trong việc nỗ lực để trở thành phi công chiến đấu giỏi, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Anh Luân sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), có bố là bộ đội nên khi đang ngồi trên ghế nhà trường, anh ước mơ lớn lên được phục vụ trong quân ngũ. Luân kể, anh đến với nghiệp phi công rất tình cờ. Khi đó, anh đang học 12, chuẩn bị làm hồ sơ thi ÐH. Trong một lần đến cơ quan quân sự huyện đúng vào dịp đoàn khám tuyển phi công của Quân chủng Phòng không - Không quân, đủ chiều cao, cân nặng, Luân khám thử.

“Lúc đó mình cũng không ngờ quy trình khám tuyển phi công nghiêm ngặt, nhiều bước khó khăn, hàng trăm người khám chỉ chọn lấy được vài người. Nhất là phần khám về tiền đình, khi ngồi trên ghế quay xong nhiều người đứng không vững, xây xẩm và nôn mửa là chuyện thường".

May mắn Luân đủ sức vượt qua. Trúng tuyển và được đoàn khám tuyển mời ra Hà Nội khám vòng 2, sau hai lần “thử lửa” thành công, Luân trở thành học viên Trường Sĩ quan Không quân.

Ðể trở thành phi công lái máy bay chiến đấu, Luân phải trải qua hơn 5 năm học tập và rèn luyện, vượt qua hết những khó khăn ở trường. Ngoài học tập trên lớp, hàng ngày Luân phải học chạy dài, các môn thể thao hàng không, tập tiền đình, quay đu.

Quãng thời gian đầu, chưa quen với môi trường rèn luyện khắc nghiệt, nhiều hôm tập về người mệt lả, bỏ cả cơm. Nhưng với nỗ lực, quyết tâm theo đuổi đam mê trở thành phi công lái máy bay chiến đấu, Luân vượt qua tất cả những khó khăn, để tốt nghiệp ra trường với kết quả xuất sắc và là thủ khoa Khóa 37.

Anh Luân bên máy bay chiến đấu
Anh Luân bên máy bay chiến đấu

“Mỗi lần bay qua Trường Sa, đảo Song Tử Tây, nhìn qua buồng lái là lòng dâng đầy cảm xúc và thấy Tổ quốc mình đẹp vô cùng. Cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trên đảo, những ngư dân trên thuyền đánh cá… tất cả thôi thúc tôi cống hiến sức trẻ, dù có đổi bằng xương máu bản thân”. Thượng úy Trần Thanh Luân chia sẻ.

Là một trong 6 phi công ra trường được về đơn vị chiến đấu ngay, được bay thẳng chiến đấu cơ hiện đại Su-30MK2, được coi là “Hổ mang chúa” trên bầu trời. Ðây là tiêm cường kích đa năng siêu âm với tốc độ gấp 2 lần tốc độ âm thanh dùng để chiếm ưu thế trên không tấn công và tiêu diệt các mục tiêu trên không và mặt đất.

Ðến nay, Luân có tổng cộng 450 giờ bay trên các loại máy bay như Yak-52, L-39, Su-30MK2, trong đó Su-30MK2 chiếm gần 200 giờ bay (đây là con số “mơ ước” đối với nhiều phi công trước và cùng thế hệ của Luân).

Là một trong những phi công ở Sư đoàn 370 được tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu cấp 2, ngày và đêm theo đúng quy định, theo Luân, để điều khiển “Hổ mang chúa” nhào lộn, bay đúng kỹ thuật thì không quá khó, nhưng để làm chủ, sử dụng phát huy tối đa được tính năng của vũ khí, khí tài trang bị trên chiến đấu cơ hiện đại này là một quá trình dài học tập cả lý thuyết lẫn những đợt tập bắn, ném bom đạn thật.

"Tôi rất thích câu nói của thầy tôi: bình tĩnh mới làm được thủ lĩnh. Đối với nghề phi công, có những người dưới mặt đất học lý thuyết khá tốt nhưng khi lên không trung thì mức độ phản xạ lại chậm. Công việc đòi hỏi nhanh nhưng phải chính xác gần như tuyệt đối nên bình tĩnh luôn là chìa khóa vàng trong mọi tình huống để làm chủ bầu trời", Luân chia sẻ.

Mai Châm