DNews

Tết không về và những lần gạt nước mắt vì nhớ nhà của du học sinh Việt

Dĩ An

(Dân trí) - Chọn ở lại nơi xứ người vào dịp Tết nguyên đán, nhiều du học sinh Việt duy trì các nghi thức truyền thống như đi lễ chùa, nấu mâm cơm để xua tan sự buồn tủi.

Tết không về và những lần gạt nước mắt vì nhớ nhà của du học sinh Việt

Ngồi trên chuyến tàu điện ngầm ở Seoul (Hàn Quốc), Ngọc Anh (SN 1999, Hà Nội) lướt nhanh những dòng tin nhắn từ bố mẹ. Cô chợt nhận ra mình đã được hỏi không dưới 10 lần về việc "Có về ăn Tết không con?" từ hơn hai tháng trước.

Dù khóe mắt cay khi mỗi lần nhận được dòng tin nhắn, cô đành kìm lòng đáp lại: "Tết này con không về được, công việc vẫn rất lu bu mẹ ạ". Ngọc Anh hiện học thạc sĩ năm hai ngành Truyền thông. Đây cũng là năm thứ hai cô ăn Tết xa nhà.

Dù là khoảng cách gần 3.000km giống Ngọc Anh hay nửa vòng Trái Đất như nhiều du học sinh khác, cái Tết xa nhà vẫn luôn khó tả và không có từ ngữ nào có thể diễn tả đúng cảm xúc.

Không khí Tết chỉ có ở trên mạng

Về việc ăn Tết xa quê hương, Trần Hồng Phú (SN 2000, Đắk Lắk) có nhiều kinh nghiệm hơn Ngọc Anh. Phú hiện theo học ngành Marketing tại thành phố Vancouver, Canada. Anh đã ăn Tết 4 lần ở Mỹ và một lần tại Canada. Năm nay, anh cũng không về Việt Nam.

Tết không về và những lần gạt nước mắt vì nhớ nhà của du học sinh Việt - 1

Hồng Phú tận hưởng cái Tết theo cách riêng trong 5 năm qua (Ảnh: NVCC).

"Tết rơi vào tháng 2 Dương lịch mà kỳ học lại bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4. Vì lịch học cố định, tôi không thể nghỉ để về, trừ khi tôi nghỉ học kỳ đó luôn thì mới về được. Hơn nữa, giá vé máy bay đợt Tết cũng đắt đỏ. Tôi thường thu xếp về vào dịp nghỉ hè sẽ thuận tiện hơn", Hồng Phú tâm sự với phóng viên Dân trí.

Hơi buồn và nhớ nhà là những gì cô đọng trong ký ức của Phú về 5 cái Tết qua. Khi nói về cảm xúc, Phú luôn nhấn mạnh về "bên này", "bên kia", đủ để thấy khoảng cách xa không chỉ gói gọn trong hàng chục nghìn kilomet.

Ở bên kia màn hình, Phú nhìn thấy cảnh người thân náo nức sửa soạn, đón Tết với nhau. Ở bên này, Phú vẫn làm những hoạt động của một ngày bình thường. Vì thời điểm Tết rơi vào mùa đông ở Canada, anh càng không tránh khỏi cảm giác buồn rầu hơn.

Giống Hồng Phú, Minh Khuê (SN 2005) - du học ngành Quản trị kinh doanh và tài chính tại Đại học Aberdeen, Anh - cũng chọn ở lại đất khách đón Tết vì bận lịch thi cử. Tuy nhiên, việc tập làm quen với cảm giác tủi thân khá khó khăn với Khuê vì đây là năm đầu cô xa nhà.

Nguyễn Tuấn Nghĩa (SN 1998, Hà Nội) - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Bỉ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Truyền thông Liên hiệp Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại châu Âu - cũng xác nhận, vướng lịch học, thi cử là những lý do chính khiến du học sinh không thể về đón Tết.

Tết không về và những lần gạt nước mắt vì nhớ nhà của du học sinh Việt - 2

Tuấn Nghĩa đón Tết cùng đồng hương ở Leuven, Bỉ (Ảnh: IGNV).

Từng là du học sinh trong nhiều năm, Tuấn Nghĩa thấm thía từng cái Tết xa nhà. Qua nhiều lần tổ chức Tết cho cộng đồng sinh viên tại Bỉ, anh nhận ra rằng, những bạn sống một mình thường không cảm nhận được chút không khí nào.

Anh chia sẻ: "Nếu chơi với nhóm người, các bạn cũng chỉ mua bánh chưng để lấy không khí. Chẳng nơi nào thấy không khí Tết, trừ trên mạng. Mọi người hay gọi là ăn Tết online đó".

Tự tạo Tết cho chính mình

Qua lời kể của Tuấn Nghĩa, cái Tết xa nhà gợi lên không khí man mác buồn nhưng cũng ngập tràn kỷ niệm vui. Khi hội bạn tập trung đông đủ, họ sẽ bày ra nhiều thứ để làm như luộc gà, rán nem nhằm tạo ra mâm cơm giống ở nhà nhất có thể.

Vào đêm 30 Tết, họ cùng nhau xem pháo hoa qua màn hình nhỏ. Nhờ những lần đón Tết cùng cộng đồng người Việt, Tuấn Nghĩa được trải nghiệm mâm cơm đa dạng, đầy đủ văn hóa 3 miền đất nước.

Anh được thưởng thức món thịt kho hay canh khổ qua trong văn hóa Tết tại miền Nam. Khi ở nước ngoài và được kết nối, anh nhận thấy tình cảm của những người con Việt Nam ở xa quê rất khác. Mọi người có sự gắn kết đặc biệt hơn.

Với Hồng Phú, Tết luôn là dịp quan trọng bởi anh tự nhận mình rất mê văn hóa Việt.

"Tôi vẫn giữ các nghi thức như những năm đón Tết cùng gia đình. Ở đây, tôi tiếp xúc với văn hóa phương Tây mỗi ngày. Do đó, Tết cũng là dịp để tôi nhắc nhở về gốc gác người Việt Nam của mình", Phú nói.

Mỗi năm, Phú tự đón Tết theo các cách khác nhau. Cứ đến Giao thừa, anh lại đi xuất hành và ghé chùa. Đi hội chợ Tết do cộng đồng người Việt tổ chức hay tụ tập bạn bè để ăn uống, vui chơi là những hoạt động chính của Phú.

Tết không về và những lần gạt nước mắt vì nhớ nhà của du học sinh Việt - 3
Tết không về và những lần gạt nước mắt vì nhớ nhà của du học sinh Việt - 4

Năm nay, những ngày Tết rơi vào dịp cuối tuần nên anh dự định đi tham quan phố châu Á để xem lễ hội. Cộng đồng người châu Á ở Vancouver khá lớn nên lễ hội Tết thường có sự đầu tư. Thông thường, mọi người sẽ tổ chức chương trình countdown (đếm ngược) đón Tết, xem múa lân, lì xì, ẩm thực, văn hóa...

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với Phú là được xem và đi diễu hành vào dịp Tết năm ngoái. Màn biểu diễn của cộng đồng người Hoa ở phố châu Á trong vài giờ gồm các hoạt động múa lân, múa rồng, văn nghệ cổ truyền... đã thu hút anh.

Đặc biệt, người biểu diễn lại là các cô chú lớn tuổi. Nét mặt rạng rỡ và đầy tự hào của họ khiến Phú không thể quên. Là một người trẻ hòa mình vào khung cảnh đó, Phú cảm thấy bản thân được truyền cảm hứng nhiều về văn hóa.

Đi để trở về

Mỗi người con xa quê sẽ cảm nhận Tết theo những cách riêng. Với Ngọc Anh, Tết trong cô là nhìn thấy bố mẹ ở nhà vẫn mạnh khỏe và bản thân chăm chỉ làm việc trong những giờ tăng ca. Tại Hàn Quốc, cô "hưởng" được chút không khí vì người dân nơi đây cũng háo hức đón Tết cổ truyền.

Vì nghỉ ngắn ngày, Ngọc Anh đã chọn ở lại để tiết kiệm gần 15 triệu đồng tiền vé máy bay và duy trì công việc làm thêm. Mạnh mẽ đối diện với lựa chọn ở lại, nhưng mỗi khi tình cờ nghe được câu hát "Phố thị đèn kết hoa, chẳng nơi đâu bằng nhà ta", Ngọc Anh không ngăn nổi những giọt nước mắt rơi.

Nhưng cũng trong ca khúc quen thuộc Xuân không màu đó, cô lại tìm được niềm an ủi khi nghe câu "Sẽ về một ngày, giấc mơ của con đã thành".

Nhớ về lần đầu đón Tết xa nhà vào 7 năm trước, Tuấn Nghĩa không tránh khỏi cảm giác buồn, tủi thân. Tuy nhiên, cuộc sống hối hả ở đất nước khác lại "kéo" anh vào guồng. Anh tập trung vào những công việc thường ngày rồi tự thấy đỡ buồn. Khi nghĩ lại, anh thấy quá trình đó khá cần cho sự trưởng thành và phát triển của mình.

Tết không về và những lần gạt nước mắt vì nhớ nhà của du học sinh Việt - 5
Sau nhiều năm nghĩ lại, tôi thấy việc ăn Tết xa nhà cũng là giai đoạn quan trọng. Đi du học là lựa chọn của chính mình. Cái Tết được ở bên gia đình sau bao nhiêu năm đi học thực sự rất đặc biệt.
Nguyễn Tuấn Nghĩa - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Bỉ

"Không chỉ những du học sinh như tôi, nhiều người ở Việt Nam cũng phải xa gia đình vào dịp Tết vì lý do nào đó. Đó là những giai đoạn quan trọng. Việc đi học là lựa chọn của mình. Vài năm không được ăn Tết ở nhà và trở về sau bao nhiều ngày tháng, điều đó đặc biệt và ý nghĩa hơn rất nhiều", Tuấn Nghĩa bộc bạch.

Việc đi du học tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) là do Khánh Linh (SN 2005, Hà Nội) quyết định. Nhưng nhờ điều kiện thuận lợi về văn hóa lẫn khoảng cách địa lý, cô vẫn về được để đón Tết cùng gia đình trong năm đầu tiên rời xa vòng tay bố mẹ.

Cô nói: "Tôi có kỳ nghỉ đông và được nghỉ trước mọi người nên vấn đề chen lấn ở sân bay không thành vấn đề. Tôi đã đặt vé máy bay ngay sau khi biết lịch thi và ngày nghỉ. Tôi về đón Tết ở Việt Nam trong vòng một tháng.

Đây là năm đầu tôi sống xa nhà trong khoảng thời gian khá dài nên có nhiều thứ chưa thích nghi được hết, phần nào cảm thấy nhớ quê hương".

Tết không về và những lần gạt nước mắt vì nhớ nhà của du học sinh Việt - 6

Khánh Linh quyết định trở về nhà ăn Tết trong năm đầu tiên xa quê hương (Ảnh: NVCC).

Năm nay, Khánh Linh chọn trở về để đón Tết cùng gia đình. Nhưng năm sau, cô có thể mạnh dạn quyết định ở lại để trải nghiệm một cái Tết thật khác.

Với mỗi du học sinh, họ đi xa là để trở về. Tết của họ có thể thiếu bánh mứt, mâm cỗ đủ đầy... Nhưng vài năm nữa, họ tự tin mang "Tết" về nhà cùng với sự chín chắn, trưởng thành hơn.