Thầy giáo sáng tạo xây dựng hoạt động Đội trong mùa dịch

Diệu An

(Dân trí) - "Càng gắn bó với mảnh đất này, ngôi trường này, được nhận sự yêu thương, đùm bọc của mọi người, nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của mình".

Luôn tâm niệm dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng hơn nữa

Thầy Trần Văn Lập sinh năm 1981, quê ở Hải Dương, hiện là Tổng phụ trách Đội, trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

Năm 2004, thầy được phân công về trường THCS Bảo Bình, nay là trường THCS Trần Hưng Đạo. Thầy chia sẻ: "Khi mới đặt chân về mảnh đất Bảo Bình, tâm trạng mình có hơi hồi hộp. Bản thân mình sống xa gia đình nên phải tự lập tất cả. Môi trường mới chưa kịp thích nghi nên đôi khi cũng cảm thấy có chút lo lắng. Tuy nhiên, càng gắn bó với mảnh đất này, tôi đã xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình".

Thầy giáo sáng tạo xây dựng hoạt động Đội trong mùa dịch - 1
Bản thân là người xa quê để học tập, làm việc, phải tự lập nên thầy Lập luôn cố gắng hết mình.

Thầy Lập kể lại: "Khi mới về công tác, cơ sở vật chất của trường thiếu thốn, tôi được phân công làm Tổng phụ trách Đội. Phòng sinh hoạt Đội phải mượn một góc của thư viện. Ngoài ra, đường xá đi lại khó khăn vì ngày đó chủ yếu là đường đất đỏ. Nhà học sinh ở xa và đa số các em là người Hoa nên một số phong tục cũng khác.

Năm 2011, trường được xây dựng lại, cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động giáo dục. Cũng trong thời gian này, tôi có tham mưu trang bị các dụng cụ, thiết bị hỗ trợ cho các hoạt động Đội của nhà trường như trống đội, trang phục nghi lễ, các bảng huấn cụ…"

Thầy giáo sáng tạo xây dựng hoạt động Đội trong mùa dịch - 2
Trường được xây dựng lại khang trang hơn đảm bảo môi trường học tập cho các em học sinh.

Có thể thấy, điều kiện học tập và sinh hoạt ở trường từ những ngày đầu thầy Lập về công tác là rất khó khăn, thiếu thốn; tuy nhiên, thầy chưa một lần nào có suy nghĩ muốn bỏ cuộc. Thầy luôn cố gắng phấn đấu, cống hiến sức trẻ của mình cho sự nghiệp giáo dục.

Thầy Lập bộc bạch: "Trong tâm thế của một người trẻ, tôi luôn tâm niệm dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng hơn nữa; mình phải là người truyền lửa, truyền nhiệt huyết tới các em. Đặc biệt, tôi cũng muốn tại địa phương mình sinh sống, các hoạt động Đội của thiếu niên phải được chú trọng, bài bản và thiết thực".

Thích ứng, sáng tạo trong tình hình dịch bệnh

Trong suốt 17 năm công tác tại trường THCS Trần Hưng Đạo, thầy Lập đã gặp rất nhiều hoàn cảnh khác nhau của các em học sinh. "Có em mồ côi, có em cha mẹ ly tán, cũng có nhiều em cha mẹ đi làm thuê nên cuộc sống đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn", thầy Lập nói.

Vì điều kiện cuộc sống khó khăn, các phong trào hoạt động Đội thời gian đầu không được phụ huynh ủng hộ, họ khá e dè khi quyết định cho con tham gia. Tuy nhiên, qua từng năm, họ nhận thấy hiệu quả khi các con được học thêm kỹ năng mềm qua hoạt động do trường tổ chức. Đến nay, các bậc cha mẹ đã rất đồng tình và ủng hộ cho các em tham gia các hoạt động tập thể.

Thầy giáo sáng tạo xây dựng hoạt động Đội trong mùa dịch - 3

Học sinh đang triển khai tập nghi thức đội.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh, các hoạt động Đội bị đình trệ, thầy Lập nói: "Với cương vị của một Tổng phụ trách Đội, tôi phải thay đổi và linh hoạt các kế hoạch hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Rất may mắn, tôi nhận được sự ủng hộ của Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô chủ nhiệm và đặc biệt là các bậc phụ huynh".

Thích ứng với tình hình dịch bệnh, thầy thường xuyên tìm hiểu, xây dựng các video tuyên truyền và gửi tới giáo viên chủ nhiệm để triển khai công tác tuyên truyền cho học sinh trong giờ sinh hoạt lớp. Thầy Lập cho biết: "Đây là một trong những nội dung mà tôi đang áp dụng mang lại hiệu quả khá tốt".

Thầy Lập chia sẻ thêm: "Trước diễn biến của dịch bệnh, để duy trì các phong trào đoàn đội của trường, giúp các em học sinh năng động khi ở nhà, tôi đang áp dụng một số mô hình nhằm tuyên truyền đến các em, xây dựng các video với nội dung hướng dẫn giúp giảm thiểu mỏi mắt khi học trực tuyến… Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền cho học sinh tham gia các cuộc thi trực tuyến do các cấp tổ chức như vẽ tranh, sáng tạo khoa học thanh thiếu niên và có những em đạt giải".

Thầy giáo sáng tạo xây dựng hoạt động Đội trong mùa dịch - 4
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, thầy Lập góp phần thay đổi môi trường giáo dục khó khăn ở Đồng Nai.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy giáo Trần Văn Lập còn được vinh danh là một trong những nhà giáo tiêu biểu vượt khó trong thời kỳ dịch bệnh tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức. Thầy cho biết: "Tôi rất vui mừng và vinh dự và sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ sự tin tưởng, mong đợi của mọi người".

Thích ứng với việc dạy học trực tuyến

Dịch bệnh diễn ra phức tạp đã khiến việc dạy học bị ảnh hưởng, thầy thẳng thắn bày tỏ: "Đối với việc dạy trực tuyến, bản thân tôi ban đầu cũng có những bỡ ngỡ và gặp một số khó khăn trong phương tiện dạy học. Để khắc phục, tôi đã sử dụng, tìm tòi và học hỏi các hình thức, công cụ hỗ trợ việc học trực tuyến và hướng dẫn các em học sinh làm quen".

Thực tế cho thấy, vì ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập còn hạn chế, đường truyền internet không đảm bảo. Ngoài ra, một số học sinh tham gia học tập chưa thật sự nghiêm túc, việc tương tác cũng còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự chung tay của chính quyền địa phương, các ban ngành, các mạnh thường quân, thầy cô giáo và chính bản thân các em, mọi việc đang tiến triển tốt lên.

Thầy giáo sáng tạo xây dựng hoạt động Đội trong mùa dịch - 5

"Việc áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học trực tuyến có những trục trặc khách quan nhưng tôi luôn cố gắng khắc phục, học hỏi nâng cao kiến thức công nghệ, thậm chí đưa ra các phương án dự phòng", thầy Lập chia sẻ.

Để bài giảng đến với học sinh một cách hấp dẫn, sinh động, thầy Lập vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học để phù hợp với đặc trưng bộ môn của mình. Thầy xây dựng video, sưu tầm tranh ảnh, thành lập hệ thống các câu hỏi hoặc thiết kế những trò chơi phù hợp với tâm lý lứa tuổi để thu hút sự tương tác của các bạn học sinh. Bên cạnh đó, thầy Lập còn đưa ra những phương án kiểm tra và đánh giá phù hợp để các em không cảm thấy áp lực.