Thú chơi roombox: Đẳng cấp tài hoa của giới trẻ

Là thú chơi xuất hiện gần đây, hơi kén người chơi do độ tinh xảo và tỉ mỉ, nhưng roombox (nhà mô hình thu nhỏ) vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.

Hình thức roombox gần gũi nhất chính là những ngôi nhà cho búp bê của trẻ em. Đối với những bạn trẻ đam mê mô hình và học ngành thiết kế, roombox chính là bước phác thảo ban đầu cho những tòa nhà sẽ được xây dựng.

 

Du nhập vào Việt Nam thông qua các bài chỉ dẫn trên Internet về cách cắt giấy, cưa gỗ, lắp ráp từ những chi tiết li ti thành mô hình từ đơn giản đến phức tạp, roombox lôi cuốn người chơi từ từ, chậm nhưng gây"nghiện". Xây được nhà rồi người chơi phải bỏ công ngồi làm từng chi tiết nhỏ như bàn ghế, giường ngủ, hàng rào với tỉ lệ vàng siêu nhỏ, không bao giờ vượt quá lòng bàn tay.

 

Thùy Dung (ĐH Kiến trúc), chơi roombox được gần một năm, chia sẻ bí kíp căn bản: "Đối với một tín đồ Roombox, thử thách khó khăn nhất là "xây" nền cho ngôi nhà. Khung mô hình được dựng trên một mặt phẳng cứng và dán cố định. Roombox sẽ có một lát cắt trống ở phía trước để nhìn thấy tổng quát bên trong. Mỗi ngôi nhà được ngăn làm 2 - 3 tầng và phải có ít nhất 5 căn phòng".

 
Thú chơi roombox: Đẳng cấp tài hoa của giới trẻ
 

Điều thú vị của thú chơi này là thỏa sức sáng tạo cũng như khai triển khả năng sưu tập, lượm nhặt những món đồ vứt đi ngoài phố về thiết kế cho ngôi nhà. Nhiều cô bạn chơi roombox như Dung còn trang trí ngôi nhà theo từng xu hướng xuân - hạ - thu - đông, lễ hội Halloween, Noel và Valentine... sau đó chụp ảnh chia sẻ cho cộng đồng roombox.

 

Mạnh Kha (ĐH Mỹ thuật TP.HCM), chơi roombox được gần hai năm, cho biết: "Một roombox hoàn chỉnh có thể coi như bằng chứng để bạn được công nhận là "tín đồ" hand made thứ thiệt. Thể loại này rất khó làm, phải tỉ mỉ và giỏi tính toán. Chỉ cần sai một chỗ hay làm không kỹ thì coi như căn nhà sẽ bị yếu, không chịu được sức nặng vật dụng chất lên".

 

Sức hút của tí hon

 

Ai nấy đều công nhận nhìn qua thì ngán vì độ tỉ mỉ, chi li nhưng chơi thử mới thấy, những mô hình tí hon này có sức hút kỳ lạ. Đầu tiên, người chơi phải mua gỗ mềm chuyên dụng và bắt đầu cắt gọt cho ra một bộ bàn ghế. Những ai giàu sáng tạo thì có thể thử sức với những mô hình khó hơn như quầy sushi, tủ chén...

 

Điểm đặc biệt là bất cứ chất liệu gì cũng có thể được biến hóa thành những mô hình, vật dụng tí hon. Trung bình, nếu không làm mà bỏ tiền mua, giá sản phẩm khá cao từ 200.000 - 600.000 đồng/bộ.

 

Dân chơi roombox chỉ mua những món không thể chế tạo như chảo, chén đĩa, đồ làm bếp... Những cô bạn khéo tay có thể tự đan cho ngôi nhà những tấm rèm cửa đủ màu hay cắt vải vụn để làm thành bộ ra giường bắt mắt. "Nhiều khi, ghiền roombox quá, cứ hý hoáy trong phòng chăm chút cho ngôi nhà, quên hết cả tụ tập bạn bè cà phê" - Hoài Thanh (ĐH Sài Gòn) chia sẻ.

 

 
Thú chơi roombox: Đẳng cấp tài hoa của giới trẻ
 

Thử ngắm qua một roombox được xem là chuẩn sẽ thấy: Phía trước của ngôi nhà thường để một khoảng rộng xây hàng rào, trồng cây hoặc làm bãi đậu xe với những chiếc xe mini. Cây cỏ cũng thật 100%, là những loại tảo cực nhỏ, nhìn như một cây thông thật nhưng phải thay cây hai ngày một lần nhằm đảm bảo "thảm xanh" cho căn nhà.

 

Thùy Dung "truyền" kinh nghiệm, để tránh những "tai nạn" cho roombox, người chơi nên chú ý chọn loại gỗ xây tốt, không bị mốc trong điều kiện không khí ẩm. Nên dán keo tốt hơn là đóng đinh vì ngôi nhà khá bé, đinh có thể làm mọi "đồ đạc" bên trong chấn động và bị vỡ.

 

Công đoạn khó khăn và cũng là công đoạn khiến roombox trở nên thật hơn hết, chính là "nối điện cho căn nhà".

 

Mạnh Kha khẳng định: "Bạn đừng nghĩ một căn nhà đồ chơi chỉ để ngắm cho vui mắt. Roombox trong mắt người thiết kế là một căn nhà thật, mọi thứ đều phải hoàn thiện. Nối điện là một bước khéo léo hết sức vì những bóng đèn rất bé, dễ vỡ, dây nối cũng mỏng manh vô cùng.

 

Hiện nay có loại bóng đèn tự sáng không cần điện rất tiện cho các fan Roombox sử dụng nhưng một số lại từ chối vì như vậy làm ngôi nhà kém thật, chẳng khác nào ngôi nhà búp bê. Trong thú chơi này, độ thật của ngôi nhà càng cao, càng khẳng định tài hoa và mức độ thành công của người thiết kế".

 

Thùy Dung cho biết: "Một ngôi nhà hoàn thiện sẽ phải làm từ 6 tháng đến 1 năm. Ở nước ngoài, một mô hình roombox hoàn chỉnh thường được bán với giá từ 1.000 - 3.000 USD. Thế nhưng ở Việt Nam, ít ai chịu bán sản phẩm của mình do độ khó và sự kỳ công của mô hình, trong khi thú chơi chưa phổ biến".

 

Theo SVVN