1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bị cáo Nguyễn Duy Hải một mực nói ông Trần Hùng khai không trung thực

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - "Bị cáo không được hưởng lợi gì mà phải ngồi ở trại giam T16, mẹ già phải thăm nuôi. Bị cáo rất bức xúc trong vấn đề ngày hôm nay các anh ấy khai không trung thực", Nguyễn Duy Hải nói trước tòa.

Càu nhàu với vợ vì có người đến đưa tiền?

Ngày thứ 2 của phiên tòa xét xử bị cáo Trần Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường) và 35 bị cáo khác tiếp tục phần thẩm vấn.

Tại phần thẩm vấn các luật sư, đại diện Viện kiểm sát làm rõ việc Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) mang tiền tới phòng làm việc của ông Trần Hùng để xin "giảm nhẹ" hình phạt cho Cao Thị Minh Thuận (giám đốc Công ty Hưng Thành Phát).

Được gọi lên trả lời các câu hỏi của luật sư, bà Hoàng Thị Thu Hiền (vợ ông Trần Hùng) cho biết, vào trưa 15/7/2020 gia đình có giỗ người thân nên bà gọi điện cho chồng về ăn giỗ. 

"Hôm đấy, chồng tôi về nhà lúc 12h kém. Khi gặp ở cửa, chồng tôi càu nhàu về chuyện có đứa đến đưa tiền. Tôi cũng không hỏi kỹ vì chuyện đó nó xảy ra hàng ngày", bà Hiền nói và cho biết nhà có bảo vệ làm theo ca.

Ca sáng của bảo vệ từ 6h đến 14h, đến gần 14h ông Trần Hùng được bảo vệ đưa đi làm bằng xe máy. 

Bị cáo Nguyễn Duy Hải một mực nói ông Trần Hùng khai không trung thực - 1

Bị cáo Trần Hùng tại phiên xét xử (Ảnh: Nguyễn Hải).

Bị cáo nói biết rõ, người làm chứng nói không

Trước khi luật sư đặt câu hỏi, bị cáo Nguyễn Duy Hải tỏ vẻ bức xúc khẳng định, ông Nguyễn Văn Kim và Kiều Nghiệp (cùng là thành viên Tổ công tác 304, người làm chứng trong vụ án) đều biết việc Hải cầm tiền đến phòng ông Trần Hùng vào trung tuần tháng 7/2020.

Trong ngày 14/7/2020, Hải đã nhiều lần trao đổi với ông Kiều Nghiệp về vấn đề của Công ty Hưng Thành Phát.

Hải cũng khẳng định việc ông Hùng đuổi ra khỏi phòng vào ngày 15/7/2020 là không đúng sự thật. 

"Bị cáo không được hưởng lợi gì mà phải ngồi ở trại giam T16, mẹ già phải thăm nuôi.  Bị cáo rất bức xúc trong vấn đề ngày hôm nay các anh ấy khai không trung thực", cáo Hải nói.

Tại tòa, Hải cũng trình bày trước khi liên quan đến vụ việc của Công ty Phú Hưng Phát đã làm việc với ông Trần Hùng nhiều vụ như kiểm tra nhà xuất bản TP HCM.

Bị cáo Nguyễn Duy Hải một mực nói ông Trần Hùng khai không trung thực - 2

Bị cáo Cao Thị Minh Thuận đứng giữa (Ảnh: Nguyễn Hải).

Trong phần thẩm vấn chiều 20/7, luật sư cũng đặt câu hỏi với đại diện Tổng cục Quản lý thị trường.

Vị đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Tổ Công tác 304 có nhiệm vụ tham mưu, giúp Tổng Cục trưởng trong việc thu thập, tiếp nhận các thông tin về dấu hiệu vi phạm, báo cáo trình thủ trưởng xem xét. 

Tổ Công tác 304 theo chỉ đạo của Cục trưởng hoặc Tổng Cục trưởng phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra và giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của ngành quản lý thị trường, thực hiện nhiệm vụ khác do Tổng Cục trưởng phân công.

Vị đại diện Tổng Cục quản lý thị trường khẳng định, ông Trần Hùng chỉ có thẩm quyền thu thập, giám sát hoạt động của các đoàn kiểm tra trong trường hợp có chỉ đạo của Tổng Cục trưởng.

Trong trường hợp này, Tổng Cục trưởng đã xác nhận toàn bộ quá trình ông Hùng tiếp nhận thông tin, chuyển giao thông tin cho Cục Quản lý thị trường Hà Nội và tham gia vào quá trình hoạt động kiểm tra (nếu có) của các đoàn kiểm tra do đội quản lý thị trường tiến hành là không theo chỉ đạo của Tổng Cục trưởng, vì vậy hoạt động này là không đúng quy định pháp luật. 

"Trong vụ việc này, ông Hùng có buộc phải báo cáo Tổng Cục trưởng không?", luật sư đặt câu hỏi.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường đáp: "Về nghĩa vụ khi nhận được thông tin ông Hùng phải báo cáo Tổng Cục trưởng chứ không phải chuyển cho Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Ở đây việc chuyển cho Cục Quản lý thị trường Hà Nội ông Hùng chỉ đóng vai trò như một công dân bình thường.

Về nguyên tắc với vai trò là công chức khi nhận được thông tin về dấu hiệu vi phạm ông Hùng phải báo cáo trực tiếp cho Tổng Cục trưởng.

Khi đó, Tổng Cục trưởng sẽ quyết định phân công thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, thẩm tra xác minh hoặc giám sát đối tượng..."

Bị cáo Nguyễn Duy Hải một mực nói ông Trần Hùng khai không trung thực - 3

Bị cáo Nguyễn Duy Hải tại phiên xét xử (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Ông Hùng có phải bắt buộc báo cáo hết toàn bộ những thông tin mà ông ấy tiếp nhận được cho Tổng Cục trưởng sau đó mới được báo cho đơn vị khác không?", luật sư hỏi.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường trả lời: "Về nghĩa vụ công chức trực thuộc lãnh đạo trực tiếp là Tổng Cục trưởng khi tiếp nhận thông tin về dấu hiệu vi phạm phải lập tức báo cáo ngay với thủ trưởng trực tiếp của mình, tức là báo cáo với Tổng Cục trưởng". 

Trước đó, nhân chứng Nguyễn Văn Kim (thành viên Tổ công tác 304, Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết, vào sáng 14/7/2020 ngồi uống cafe cùng Trần Hùng và Kiều Nghiệp (đồng nghiệp) tại một quán trên phố Nguyễn Xí (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khi cả nhóm đang ngồi thì Nguyễn Duy Hải đi vào.

Sau đó, Hải và Trần Hùng qua một bàn khác ngồi nói chuyện.

Do quán ồn ào nên ông Nghiệp chỉ nghe loáng thoáng chuyện Hải đề cập nhờ Trần Hùng giúp đỡ Thuận.

Ông Nghiệp không biết giữa hai người có nói chuyện tiền nong hay không?

Đến 10h sáng hôm sau (15/7), Kiều Nghiệp gọi cho ông Kim lên phòng Trần Hùng uống nước. Khi đến nơi đã thấy Hải ngồi đấy.

Tiếp đó Hải có đưa điện thoại cho Trần Hùng nghe. Qua điện thoại ông Hùng rất bức xúc bảo "việc đó để Hà Nội làm".

Cũng theo lời ông Kim, khi Hải đi ra khỏi phòng Trần Hùng có kẹp một túi bóng đen ở nách. Tại quán bún ngan trên phố Hai Bà Trưng, Kiều Nghiệp còn nhắc Hải cất túi bóng cẩn thận.

Ông Kim khẳng định không gọi cho Hải để hỏi về vấn đề tiền nong.

Phản bác lại lời ông Kim, Hải cho biết: "Ông Kim có điện cho bị cáo để hỏi số tiền 100 triệu còn lại".