1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bộ Công an: Dao được dùng để gây án nên cần thiết phải bị coi là vũ khí

Hải Nam

(Dân trí) - Theo Bộ Công an, tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, luật hiện hành không quy định dao là vũ khí nên không xử lý được về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí.

Vừa qua, Chính phủ đã có Tờ trình số 83/TTr-CP trình Quốc hội Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật ngày 2/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, các chính sách lớn của Dự án Luật và các quy định của dự thảo Luật.

Theo Bộ Công an, Sau 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Bộ Công an nhận thấy nhiều tín hiệu hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc.

Bộ Công an: Dao được dùng để gây án nên cần thiết phải bị coi là vũ khí - 1

(Ảnh minh họa: Đ.T.).

Điển hình, tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao, nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao, gây án với tính chất rất manh động, gây bức xúc dư luận xã hội. Tuy nhiên, luật hiện hành không quy định dao là vũ khí nên không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí.

Bên cạnh đó, tình trạng đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với sử dụng trái phép súng quân dụng; đối tượng sử dụng trái phép vũ khí thô sơ diễn biến rất phức tạp...

Theo Bộ Công an, các loại vũ khí này khi đối tượng sử dụng để gây án gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm như vũ khí quân dụng nhưng theo quy định của luật hiện hành thì súng tự chế, vũ khí thô sơ không thuộc danh mục vũ khí quân dụng. 

Ngoài ra, Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) sẽ cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thì cần thiết phải rà soát thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ để cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công.

Dự án Luật cũng bổ sung quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ. Điều này sẽ giúp tận dụng nguồn lực từ nước ngoài.

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) sẽ gồm 8 chương, 74 điều, trong đó, sửa đổi 54 điều, bổ sung một điều, bỏ 3 điều so với luật hiện hành.