1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đòi bồi thường, nhà thầu từ chối

Nguyễn Hải
Đà nẵng

(Dân trí) - Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam là chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi yêu cầu nhà thầu nếu sai phạm phải bồi thường nhưng họ đã từ chối.

Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu bồi thường

Chiều 17/10, HĐXX TAND Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi với các nhà thầu, chủ đầu tư trong vụ án vi phạm quy định về xây dựng, gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại giai đoạn 2 (dài 74km) dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Tại phiên tòa, Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được triệu tập với tư cách nguyên đơn dân sự.

Trả lời thẩm vấn, đại diện VEC mong HĐXX trong quá trình xem xét giải quyết vụ án, nếu xác định các nhà thầu thi công các gói thầu A1, A2, A3, A4, A5 có sai phạm, vi phạm pháp luật Việt Nam, gây thiệt hại cho chủ đầu tư cần phải bồi thường theo đúng quy định pháp luật, theo nguyên tắc thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó.

Chi tiết thiệt hại, VEC đã có văn bản gửi cơ quan điều tra và viện kiểm sát.

Đại diện VEC cho biết, cơ sở để yêu cầu bồi thường là hợp đồng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu. Các nhà thầu có nghĩa vụ xây dựng tuyến đường đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn, chất lượng, tiến độ. Khi nhà thầu thực hiện không đúng, không đầy đủ, sai sót thì phải bồi thường.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2 nếu còn khiếm khuyết, hư hỏng, VEC yêu cầu nhà thầu khắc phục theo trách nhiệm đối với công trình.

Có năm gói thầu trong giai đoạn 2 của vụ án gồm gói thầu A1, nhà thầu là liên danh Tổng Công ty Xây dựng số 1 và Lotte; gói thầu A2 nhà thầu là Tập đoàn Sơn Đông; gói thầu A3 nhà thầu là Giang Tô; gói thầu A4 nhà thầu là Lotte E&C; gói thầu A5 nhà thầu Posco E&C.

Kết quả điều tra, kết luận giám định của cơ quan giám định tư pháp xác định đối với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án, VEC đã thanh toán cho các nhà thầu thi công các hạng mục xây dựng không đảm bảo chất lượng số tiền là 460 tỷ đồng.

Trong đó, VEC thanh toán cho nhà thầu của gói thầu A1 là 47,5 tỷ đồng; gói thầu A2 là 129 tỷ đồng; gói thầu A3 là 85 tỷ đồng; gói thầu A4 là 127 tỷ đồng và gói thầu A5 là 71 tỷ đồng.

Tại tòa, đại diện VEC nhấn mạnh việc không yêu cầu các bị cáo trong vụ án bồi thường.

Chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đòi bồi thường, nhà thầu từ chối - 1

Các bị cáo tại phiên xét xử (Ảnh: Nguyễn Hải).

Theo VEC, các bị cáo trong vụ án đều là nhân viên, chuyên gia có đóng góp cho ngành giao thông vận tải, có nhiều bằng khen, giấy khen.

Đại diện VEC, mong HĐXX xem xét trên cơ sở tính nhân văn của pháp luật, "đánh người chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại'' xem xét cho các bị cáo mức án nhẹ nhất, coi đó như rủi ro nghề nghiệp.

Cũng theo đại diện VEC, bản án giai đoạn 1 đủ sức răn đe đối với các bị cáo. Một số tài sản của các bị cáo bị kê biên, phong tỏa, ngừng giao dịch.

VEC không yêu cầu các bị cáo bồi thường nên đề nghị HĐXX hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn này.

Theo vị đại diện VEC, các bị cáo nóng lòng hoàn thành cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2, chỉ mong sớm hoàn thành công trình, không cố ý, không rút ruột.

"Họ đều có nhân thân tốt, gia đình có công, nên đề nghị xem xét giảm nhẹ khoan hồng cho các bị cáo", đại diện VEC trần tình thay các bị cáo.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải giao VEC làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km.

Quá trình thực hiện dự án, 22 bị cáo trong vụ án có nhiều sai phạm dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng, vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, gây thiệt hại cho Nhà nước 460 tỷ đồng.

Nhà thầu từ chối bồi thường

Cũng tại phiên tòa chiều nay, đối với yêu cầu bồi thường của VEC, đại diện Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) không đồng ý bồi thường, không đồng ý với kết luận giám định.

CC1 đưa ra lý do, thời điểm lấy mẫu giám định đã sau 2-3 năm khi dự án được bàn giao. Đến nay dự án đã thông xe được 5 năm.

Ngoài ra, CC1 cũng không đồng ý yêu cầu bồi thường thiệt hại của VEC vì theo hợp đồng giữa hai bên, nhà thầu đã làm đúng quy trình thể hiện ở chỗ nhà thầu đã được thanh toán, trên hồ sơ nghiệm thu, thanh toán (IPC) có đủ chữ ký các nhân sự của chủ đầu tư. Nhà thầu không có lỗi.

CC1 mong HĐXX ghi nhận VEC đang có công nợ với nhà thầu A1 là 150 tỷ đồng, đây là khối lượng đã thi công nhưng chưa được thanh toán.

Ngoài ra, chủ đầu tư VEC còn đang giữ lại khoản tiền bảo lãnh bảo hành là hơn 47 tỷ đồng.

Theo đại diện CC1, mặc dù là liên danh nhà thầu nhưng sau khi trúng thầu, Lotte E&C đã có văn bản ủy quyền cho CC1 thực hiện gói thầu toàn bộ.

Tại tòa, Lotte E&C tham gia liên danh gói thầu A1 và là nhà thầu gói A4 cũng không đồng ý bồi thường và khẳng định liên danh đã thực hiện thi công đúng, đã kiểm tra chất lượng và đã được duyệt thông qua.

Sau khi hoàn thành, trong 2 năm, nhà thầu không nhận được công văn yêu cầu về việc sửa lỗi phát sinh trên gói thầu do Lotte E&C đảm nhiệm.

Đại diện Lotte E&C khẳng định cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang được vận hành bình thường, đảm bảo tốc độ của đường cao tốc.

Kể từ khi thông đường, tuyến đường chưa từng bị tạm dừng, tạm đình chỉ để sửa lỗi và vẫn đang vận hành thu phí thông thường.

Tại tòa, Lotte E&C gửi 3 video do nhà thầu thực hiện tháng 10/2022 và tháng 5/2023 cho thấy con đường vận hành bình thường không có sai sót gì và đề nghị HĐXX trình chiếu các video này.

Đại diện nhà thầu Posco E&C cũng phản đối yêu cầu bồi thường của VEC.

Qua 5 năm thông xe, Posco E&C không nhận được công văn từ các đơn vị vận hành yêu cầu sửa chữa liên quan gói thầu A5.

Posco E&C phản đối phương pháp thực hiện giám định và cho rằng đây là trường hợp duy nhất trên thế giới để đánh giá chất lượng con đường sau khi đường đã đưa vào sử dụng. 

 Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư với tổng chiều dài gần 140km.

Trong đó, giai đoạn 1 dài 65 km từ TP Đà Nẵng tới TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), thông xe tháng 8/2017; giai đoạn 2 dài hơn 74 km, từ TP Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) thông xe tháng 9/2018.

Song khi vừa đưa vào sử dụng, đường cao tốc trên đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân.

Các vi phạm tại giai đoạn 1 của dự án, dài 65km, đã được xử lý với 35 người Việt và 1 người Nhật Bản chịu chế tài hình sự.

Vụ án xảy ra tại giai đoạn 2 của dự án, dài 74km, trong số 22 bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố và đưa ra xét xử lần này, có 20 bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm quy định về xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng và 2 bị cáo bị xem xét về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan tiến hành tố tụng xác định, hành vi của các bị cáo khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được đưa vào vận hành và sau đó hư hỏng, vì vậy đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng.