1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hà Nội thi hành án xong trên 14.000 tỷ đồng

Thế Kha

(Dân trí) - Cục Thi hành án dân sự Hà Nội thi hành xong trên 14.000 tỷ đồng. Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã xong trên 1.054 tỷ đồng.

Ngày 27/12, thông tin từ đại diện Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết, năm nay đơn vị đã quyết liệt chỉ đạo trong điều kiện số lượng án phải thi hành ngày càng tăng cao cả về vụ việc và về số tiền, đặc biệt tăng cao các vụ việc liên quan đến đại án hình sự về kinh tế, tham nhũng.

Cơ quan này đã thi hành xong gần 37.900 việc (tăng 1.890 việc, đạt tỉ lệ 83% so với năm 2022), vượt chỉ tiêu của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) giao; thi hành xong trên 14.000 tỷ đồng (tăng gần 2.700 tỷ đồng so với năm 2022), đạt tỷ lệ 46%.

Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã thi hành xong 52 việc (so với cùng kỳ năm 2022 giảm 31 việc), với số tiền trên 1.054 tỷ đồng (tăng 343 tỷ đồng so với năm 2022).

Hà Nội thi hành án xong trên 14.000 tỷ đồng - 1

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội Phạm Văn Dũng (Ảnh: Anh Thư).

Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện ở Hà Nội đều bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, bảo đảm ra quyết định đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực. Các việc liên quan đến án hình sự kinh tế, tham nhũng, tín dụng ngân hàng, vụ việc có giá trị thi hành án lớn đều được chỉ đạo tập trung quyết liệt.

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cũng đã có ý kiến với VKSND Tối cao tăng cường chỉ đạo VKSND các cấp kiểm sát, theo dõi thi hành án hành chính ngay từ giai đoạn thụ lý thi hành, nhất là công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhận định, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội là đơn vị có số việc và giá trị phải thi hành hàng năm đứng thứ 2 toàn quốc (sau Cục Thi hành án dân sự TPHCM).

Công tác thi hành án trên địa bàn Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Thành ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành liên quan. Vì thế các mặt công tác thi hành án cơ bản được triển khai thuận lợi, hiệu quả.

Dù vậy, Bộ trưởng Tư pháp đánh giá, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn Thủ đô vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như kết quả giải quyết án tín dụng, ngân hàng còn thấp; kỷ luật, kỷ cương hành chính tại một số cơ quan chưa nghiêm. Một số cơ quan chưa chủ động phối hợp với cơ quan, ban ngành có liên quan để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án…

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái nhìn nhận, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện triển khai hệ thống họp giao ban trực tuyến. Đây là bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, với điểm cầu chính tại Cục Thi hành án dân sự kết nối 30 Chi cục Thi hành án quận, huyện, sẽ mở ra trang mới trong công tác chỉ đạo điều hành.