1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ nam sinh lớp 7 bị bạn đánh rối loạn tâm thần: "Càng yếu càng bị bắt nạt"

Hải Nam

(Dân trí) - Theo tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu, mục đích của đối tượng bắt nạt bạn học là để thỏa mãn, xoa dịu cái tôi đang bị tổn thương. Vì vậy, chúng sẽ đảm bảo rằng người bị bắt nạt sẽ không phản kháng.

Thời gian qua, dư luận nhức nhối với những vụ bạo lực học đường. Cá biệt, một nam sinh lớp 7 trường THCS Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị các bạn học bạo lực đến mức tâm thần.

Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, Thượng tá Đào Trung Hiếu (Tiến sĩ Tội phạm học) đã có những nhận định dưới góc độ chuyên môn.

Bạo lực học đường tác động xấu đến môi trường sư phạm

Theo ông Hiếu, mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng ngăn chặn, kiềm chế vấn nạn bạo lực học đường bằng nhiều giải pháp, tuy nhiên, những vụ bạo lực, bạo hành trong nhà trường hoặc bên ngoài trường học vẫn xảy ra.

"Những vụ việc xảy ra với tính chất rất nghiêm trọng, gây ra những tổn thương về thể chất và tinh thần đối với nạn nhân, tác động xấu đến chất lượng công tác giáo dục, môi trường sư phạm, gây lo lắng, bất an, bức xúc trong dư luận xã hội", Thượng tá Hiếu nói.

Vụ nam sinh lớp 7 bị bạn đánh rối loạn tâm thần: Càng yếu càng bị bắt nạt - 1

Nam sinh lớp 7 ở Hà Nội bị bạo lực đến tâm thần (Ảnh: Cắt từ clip).

Theo vị tiến sĩ, bạo lực học đường cần phải hiểu theo nghĩa rộng, chứ không chỉ có việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực giữa các chủ thể trong quan hệ học đường. Hành vi bạo lực có thể là các tác động lên thân thể con người, cùng các hành vi khác như tẩy chay, cô lập, nói xấu, hắt hủi, bắt nạt trên mạng…

Đồng thời, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết hành vi bạo lực học đường cũng xảy ra trong quan hệ giữa giáo viên với học sinh, học sinh với giáo viên; giáo viên với giáo viên... Trong đó, bạo lực trong quan hệ giữa học sinh với nhau là phổ biến hơn cả.

Phân tích về nguyên nhân tâm lý xã hội của hành vi bạo lực trong quan hệ học sinh, ông Hiếu nhận định thường là xuất phát từ những cảm xúc tiêu cực, như sự ác cảm, mất cảm tình, ganh ghét trong học tập, gia cảnh hay nhan sắc... hoặc do những mâu thuẫn trong sinh hoạt học đường, sinh hoạt trên không gian mạng, thúc đẩy trẻ giải tỏa các bức xúc tâm lý bên trong bằng các hành vi gây hại cho đối tượng gây cho mình sự khó chịu.

Bên cạnh đó, theo vị Thượng tá, có đối tượng bắt nạt bạn học không vì lý do gì, mà chỉ là sự tìm kiếm giá trị của bản thân. Khi không có gì để tự hào (về điểm số, kết quả học tập, gia thế, sắc đẹp, sự ngưỡng mộ của đám đông…), trong tâm lý kẻ bắt nạt xuất hiện sự mặc cảm, đố kỵ, tổn thương vì thua kém người khác

"Việc hành hung, đánh đập, tẩy chay, công kích bạn học như một cách thể hiện cái tôi, khiến lòng tự ái, cảm giác thua kém được xoa dịu. Thấy chúng bạn tỏ ra nể sợ, kiêng dè, kẻ bắt nạt coi đó là giá trị của mình, nghĩ rằng cứ hành xử bạo lực sẽ nhận được sự tôn trọng, thán phục của mọi người", ông Hiếu phân tích.

Tiến sĩ Tội phạm học cũng cho rằng, ở độ tuổi mới lớn, những rối loạn cảm xúc do sự thay đổi về thể chất khá phổ biến.

Về nhân cách, chúng đang trong quá trình tìm kiếm để định hình các phẩm chất tâm lý cá nhân. Đặc điểm nổi bật ở giai đoạn này là cái mới (sự trưởng thành, chín chắn trong suy nghĩ và hành động) đã manh nha xuất hiện nhưng chưa ổn định, cái cũ (tâm lý trẻ thơ) chưa mất hẳn, nên biên độ dao động cảm xúc của trẻ rất lớn.

Thêm vào đó, kinh nghiệm sống, sự hiểu biết, chín chắn về nhận thức còn rất hạn chế, nên trẻ thường có tâm lý bốc đồng, thích thể hiện cái tôi, ứng xử bản năng theo tác động của hoàn cảnh, thiếu suy xét bằng tư duy nhân quả trước mọi hành động.

"Càng yếu càng bị bắt nạt"

Ông Hiếu nhận định, hiện nay, môi trường sống với nhiều yếu tố bất lợi đang tác động lên quá trình "xã hội hóa cá nhân" của trẻ; ảnh hưởng từ phim ảnh bạo lực, đồi trụy, các trò chơi game online bạo lực, cùng với lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, đề cao giá trị đồng tiền, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân… mà trẻ chứng kiến trong gia đình, nhà trường hay ở cộng đồng, là những tác nhân nguy hại đến quá trình hình thành nhân cách tiến bộ của trẻ.

"Khi đã bị tiêm nhiễm những thói hư, tật xấu, lại thiếu đi sự quan tâm bảo ban, dạy dỗ của cha mẹ, bị lôi kéo bởi các nhóm xã hội xấu, trẻ rất dễ trượt dốc, thực hiện những hành vi đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức và pháp luật", Thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích.

Vụ nam sinh lớp 7 bị bạn đánh rối loạn tâm thần: Càng yếu càng bị bắt nạt - 2

Thượng tá Đào Trung Hiếu (Ảnh: Tổ quốc).

Do đó, khi đã chứa đựng trong nhân cách các đặc điểm tiêu cực, lệch lạc, trẻ gặp phải các tình huống bất như ý sẽ có xu hướng sẽ bảo vệ lợi ích, cái tôi của mình bằng mọi giá, ưu tiên dùng vũ lực theo cách mà chúng thường thấy trên trò chơi, phim ảnh bạo lực. Ông Hiếu cho rằng đây chính là nguyên nhân tâm lý xã hội của tình trạng trẻ hóa tội phạm.

Phân tích về lý do "càng yếu càng bị bắt nạt", vị tiến sĩ nói, mục đích của đối tượng bắt nạt bạn học là để thỏa mãn, xoa dịu cái tôi đang bị tổn thương. Vì vậy, chúng sẽ đảm bảo rằng người bị bắt nạt sẽ không phản kháng để chúng bị "mất mặt".

"Với những người hơn hẳn về sức khỏe, mối quan hệ thì trẻ không dám nghĩ đến việc bắt nạt họ. Nếu thể hiện cho kẻ có ý định bắt nạt mình biết rằng mình là đối tượng "khó nhằn", nếu động vào sẽ phải gánh chịu những thiệt hại, thì đa số kẻ bắt nạt sẽ tìm đối tượng khác để gây sự", Thượng tá Đào Trung Hiếu cho hay.

Như Dân trí đã đưa tin, chiều 25/10, một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một học sinh bị đánh hội đồng bởi một nhóm học sinh khác. Nhóm này gồm 5-6 người dồn nam sinh vào góc tường, liên tục đấm đá thô bạo vào mặt, đầu, bụng của bạn.

Sự việc này được xác định xảy ra tại Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội hồi tháng 9. Nhóm học sinh đều đang học lớp 7. Nạn nhân là em V.V.T.K.. Do sợ hãi, cháu K. không báo với thầy cô và gia đình biết.

Sau đó, nhà trường và gia đình mới biết sự việc. Hiệu trưởng đã triệu tập hội đồng kỷ luật nhà trường, các học sinh đánh bạn cùng gia đình nhận lỗi. Bên gia đình cháu K. chấp nhận lời xin lỗi, thống nhất cho các cháu đi học bình thường.

Khi thấy cháu K. có biểu hiện sang chấn tâm lý, gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ thăm khám, được bệnh viện cho về điều trị tại nhà.

Cháu K. đi học trở lại nhưng tiếp tục bị một bạn dọa đánh nên cháu có biểu hiện lo sợ. Gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Kết quả chẩn đoán cháu K. bị sang chấn tâm lý, rối loạn phân ly.

Từ đó tới nay, cháu K. gián đoạn việc học do phát bệnh liên tục.