Dân ta quá coi thường tính mạng

Không khó để bắt gặp trên những cánh đồng ở ngoại thành thủ đô những vỏ túi, chai thuốc trừ sâu nằm vương vãi và đáng ngại hơn, khi người lao động (NLĐ) khá bất cẩn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dẫn đến những tai nạn chết người liên tục những năm qua.

 
Anh Nguyễn Văn Hưng (Tây Tựu, huyện Từ Liêm) tay trần bóc thuốc bảo vệ thực vật.
Anh Nguyễn Văn Hưng (Tây Tựu, huyện Từ Liêm) tay trần bóc thuốc bảo vệ thực vật.
 

Đùa với tính mạng

 

Đến cánh đồng phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng vỏ chai lọ, túi đựng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vứt ngổn ngang dọc mương nước, lẫn vào những bãi rác bốc mùi nồng nặc. Ngay sát đó là khu đầm cá rộng hàng hécta. Đem thắc mắc hỏi một nông dân tên là Nguyễn Thị Hải, chị cho hay, những cảnh tượng đó vẫn chưa thấm vào đâu so với việc người dân tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu mà không mang phương tiện bảo hộ lao động.

 

Theo hướng tay chị Hải chỉ, một người đàn ông không khẩu trang, dùng tay trần bóc túi thuốc trừ sâu. Không chỉ vậy, người này rà bình khắp ruộng, bất kể gió thổi khiến thuốc từ cần bình bay thốc ngược vào người phun. Cách đó không xa, một số nông dân khác cũng phun thuốc BVTV và cũng không mang bất cứ thiết bị bảo hộ lao động nào. Hỏi chuyện anh Nguyễn Hữu Lực - một nông dân gần đó - câu trả lời của anh khiến chúng tôi “ngã người”: “Lát về tắm, bao nhiêu thuốc cũng trôi sạch”. Nhưng trên thực tế, không phải nông dân nào sau khi buông bình thuốc là tắm ngay. Thậm chí, nhiều người còn có thói quen hút thuốc lá khi phun thuốc, hoặc chỉ vệ sinh qua loa rồi ăn uống. Hầu hết người dân sau khi phun thuốc đều có thói quen rửa bình phun tại kênh, mương, trực tiếp góp phần làm tận diệt nguồn tài nguyên thủy sản đang ngày một vơi cạn.

 

Cảnh tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo an toàn.

Cảnh tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo an toàn.

 

Theo cảnh báo của các bác sĩ, việc tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, không có đồ bảo hộ lao động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của NLĐ; hơn nữa, trong khi phun thuốc mà sử dụng thức ăn sẽ đẩy nhanh độ “ngấm” của chất độc có trong thuốc vào cơ thể; đến một lượng nhất định sẽ gây ngộ độc, nặng có thể dẫn tới tử vong.

 

Tai nạn được báo trước

 

Chúng tôi không khỏi choáng váng bởi mùi thuốc trừ sâu monister nồng nặc khi đi qua các vườn trồng cam, quất cảnh khu vực phường Phú Thượng (quận Tây Hồ). Khu vườn nằm liền kề với đường cái lại theo đúng hướng gió nên bao nhiêu khí thuốc phả ra, người đi đường hưởng trọn.

 

Tình trạng sử dụng thuốc BVTV một cách tràn lan và không đảm bảo như trên đã dẫn đến những hệ quả tất yếu, nhẹ thì làm suy giảm sức khỏe, nặng thì mất mạng. Mới đây, ông Nguyễn Văn H - trú tại thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) - đã nhập viện trong tình trạng bất tỉnh nhiều ngày do ngộ độc thuốc trừ sâu. Theo một số nhân chứng kể lại, ông H  sau khi phun thuốc trừ sâu về, chưa kịp vệ sinh mà đã ăn uống, kết quả là ông bị ngộ độc thuốc BVTV. Nhờ được đưa đi cấp cứu sớm nên ông may mắn còn giữ lại được tính mạng. Mới đây, ông Hoàng Công C (huyện Thanh Oai) đã giẫm phải vỏ chai thuốc sâu trên đường thăm đồng, khiến ông bị nhiễm trùng uốn ván, phải bỏ một chân.

 

Còn anh Nguyễn Văn Thắng (huyện Thanh Trì) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về vụ nhiễm độc thuốc Selecron cách đây nửa năm. Theo anh Thắng, như thường lệ, anh đi phun thuốc cho cam mà không mang theo bất cứ dụng cụ bảo hộ nào. Trong khi phun, anh còn liên tục hút thuốc và nhiều lần bị nước thuốc Selecron phả vào mặt. Phun chưa hết bình thuốc, anh bỗng thấy choáng váng và nôn ọe rồi ngã vật ra ruộng, bình thuốc còn lại cũng đổ cả lên người. Khi được đưa đến trung tâm y tế huyện cấp cứu, các bác sĩ tại đây phải rửa dạ dày, hô hấp trong tình trạng anh bị co giật và mạch đập yếu dần. Phải đến gần một tuần, anh Thắng mới tỉnh táo.

 

Từ thực trạng trên, không ai có thể nói trước về những tai nạn cận kề với nông dân, mà nguyên nhân bắt nguồn từ chính nhận thức và sự bất cẩn của họ.

 

Theo Thu Trang

Lao động