Những ai không nên ăn nhiều cà tím?

Hà An

(Dân trí) - Cà tím là một kho tàng chất dinh dưỡng giúp bạn khỏe mạnh, rất giàu chất xơ và chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, có một số người không nên tiêu thụ quá nhiều.

Cà tím cung cấp chất xơ và nhiều chất dinh dưỡng. Loại rau ít calo này có trong chế độ ăn Địa Trung Hải. Một khẩu phần cà tím có thể cung cấp ít nhất 5% nhu cầu hàng ngày của một người về chất xơ, đồng, mangan, B-6, thiamine. Nó cũng chứa các vitamin và khoáng chất khác.

Ngoài ra, cà tím còn là nguồn cung cấp các hợp chất phenolic hoạt động như chất chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa là những phân tử giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do, những phân tử không ổn định có thể gây tổn hại cho tế bào nếu chúng tích tụ với số lượng lớn. Thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa một loạt bệnh tật.

Những ai không nên ăn nhiều cà tím? - 1

Cà tím rất giàu chất xơ và chất chống oxy hóa (Ảnh: Medical News Today).

Trong số các chất chống oxy hóa trong cà tím có anthocyanin, bao gồm nasunin, lutein và zeaxanthin.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), loại rau màu tím xinh đẹp này là một kho tàng chất dinh dưỡng giúp bạn khỏe mạnh. Nó chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất dinh dưỡng thực vật, hợp chất phenolic và flavonoid, ít calo và chứa nhiều chất xơ, nước. 

Màu tím đậm đặc là dấu hiệu của chất anthocyanins có trong rau, trong đó có một chất hiếm và cực kỳ có lợi là nasunin. Đây là nhân tố chính góp phần chống lại các gốc tự do gây hại cho cơ thể, nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của bệnh tật và lão hóa. Nasunin cũng được tìm thấy có tác dụng bảo vệ DNA và màng tế bào chống lại stress oxy hóa. 

Bạn cũng nên ăn cà tím vì 13 loại axit phenolic giúp chống ung thư. Axit chlorogenic rất có lợi trong việc chống lại sự phát triển của khối u ung thư và có đặc tính chống virus và chống vi khuẩn. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cà tím cũng có các hợp chất bảo vệ tim mạch mạnh mẽ. Nó cũng giúp ích cho sức khỏe tiêu hóa vì chứa nhiều nước và chất xơ.

Lợi ích sức khỏe của cà tím

Sức khỏe tim mạch

Chất xơ, kali, vitamin C, vitamin B-6 và chất chống oxy hóa trong cà tím đều hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Một đánh giá được xuất bản vào năm 2019 cho thấy ăn thực phẩm chứa một số flavonoid nhất định, bao gồm cả anthocyanin, giúp giảm các dấu hiệu viêm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy phụ nữ trung niên tiêu thụ hơn 3 phần quả việt quất và dâu tây mỗi tuần - nguồn cung cấp anthocyanin dồi dào - có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 32% so với những người tiêu thụ ít loại trái cây này.

Trong một cuộc khảo sát khác, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những phụ nữ hấp thụ nhiều anthocyanin dường như có huyết áp thấp hơn đáng kể và ít bị xơ cứng động mạch hơn những người ăn ít hợp chất này.

Cholesterol trong máu

Cà tím chứa chất xơ và điều này có thể có lợi cho mức cholesterol. Một bát cà tím nấu chín, nặng 96 gram, chứa khoảng 2,4 gram chất xơ.

Kết quả của một nghiên cứu năm 2014 trên loài gặm nhấm chỉ ra rằng axit chlorogen, chất chống oxy hóa chính trong cà tím, có thể làm giảm mức cholesterol "xấu" và giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Bệnh ung thư

Các polyphenol trong cà tím có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh ung thư. Anthocyanin và axit chlorogen bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại do các gốc tự do gây ra. Về lâu dài, điều này có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của khối u và sự lây lan của các tế bào ung thư.

Anthocyanin có thể giúp đạt được điều này bằng cách ngăn chặn các mạch máu mới hình thành trong khối u, giảm viêm và ngăn chặn các enzyme giúp tế bào ung thư lây lan.

Khả năng nhận thức

Các phát hiện của các nghiên cứu trên động vật cho thấy nasunin, một loại anthocyanin trong vỏ cà tím, có thể giúp bảo vệ màng tế bào não khỏi bị tổn thương do các gốc tự do gây ra. Nasunin còn giúp vận chuyển chất dinh dưỡng vào tế bào và đẩy chất thải ra ngoài.

Anthocyanin cũng giúp ngăn ngừa viêm thần kinh và tạo điều kiện cho máu lưu thông đến não. Điều này có thể giúp ngăn ngừa mất trí nhớ và các khía cạnh khác của tình trạng suy giảm tinh thần liên quan đến tuổi tác.

Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng nasunin có thể làm giảm sự phân hủy chất béo trong não, một quá trình có thể gây tổn thương tế bào.

Quản lý cân nặng

Chất xơ có thể giúp mọi người kiểm soát cân nặng của họ. Một người theo chế độ ăn nhiều chất xơ sẽ thường ít khi ăn quá nhiều vì chất xơ có thể giúp một người cảm thấy no lâu hơn.

Cà tím chứa chất xơ và ít calo, chúng có thể góp phần vào chế độ ăn ít calo, lành mạnh. Tuy nhiên, cà tím có thể hấp thụ nhiều dầu trong quá trình chiên. Bất cứ ai muốn giảm cân nên chế biến theo một cách khác, chẳng hạn như nướng hoặc chiên trong nồi chiên không dầu. 

Sức khỏe của mắt

Cà tím cũng chứa chất chống oxy hóa lutein và zeaxanthin. Lutein dường như đóng một vai trò nào đó đối với sức khỏe của mắt và nó có thể giúp ngăn ngừa chứng thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, có thể dẫn đến mất thị lực ở người lớn tuổi.

Rủi ro khi ăn cà tím

Theo Medical News Today, một số người không nên tiêu thụ quá nhiều cà tím.

Nasunin và hấp thụ sắt

Nasunin, một chất phytochemical trong cà tím, liên kết với sắt và loại bỏ nó khỏi tế bào. Quá trình này, được gọi là thải sắt, có thể hữu ích cho những người có quá nhiều chất sắt trong cơ thể. Trong khi đó, những người có lượng sắt thấp không nên tiêu thụ lượng lớn thực phẩm có chứa nasunin.

Ngộ độc solanine

Cà tím cũng thuộc họ nightshade, tất cả đều chứa chất độc tên là solanine. Solanine bảo vệ những cây này trong khi chúng vẫn đang phát triển. Ăn lá hoặc củ của những cây này có thể dẫn đến triệu chứng như rát cổ họng, buồn nôn và nôn và rối loạn nhịp tim, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong. 

Mọi người thường có nguy cơ hấp thụ nhiều solanine nhất nếu họ ăn khoai tây đã chuyển sang màu xanh. Cà tím chứa một lượng nhỏ solanine và ăn với lượng từ thấp đến trung bình khó có thể có tác dụng đáng kể.

Dị ứng

Trong một số ít trường hợp, một hoặc nhiều hợp chất trong cà tím gây ra phản ứng dị ứng. Nguyên nhân chính dường như là do protein vận chuyển lipid trong thực vật. Các triệu chứng có thể bao gồm nổi mề đay, sưng tấy và khó thở.

Bất kỳ ai gặp phải những triệu chứng này đều cần được trợ giúp y tế khẩn cấp vì họ có thể bị sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng.

Oxalat và sỏi thận

Cà tím chứa oxalat, mặc dù chúng có ít hơn hầu hết các loại trái cây và rau quả. Oxalat có thể góp phần hình thành sỏi thận ở một số người dễ hấp thụ oxalat hơn. Nếu không điều trị, sỏi thận có thể dẫn đến tổn thương thận cấp tính hoặc tử vong do thận.

Thực phẩm có chứa oxalat, chẳng hạn như cà tím, có thể không phù hợp với những người dễ bị sỏi thận. Bất cứ ai mắc bệnh này nên hạn chế ăn thực phẩm có chứa oxalate.