Thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam:

Tiềm năng lớn, song còn nhiều chông gai

Nếu nhìn vào xu thế phát triển của ngành quảng cáo toàn cầu và thực tế về tốc độ tăng trưởng CNTT - VT ở Việt Nam, thì thị trường quảng cáo trực tuyến trong nước là một "mảnh đất" rất giàu tiềm năng. Tuy nhiên, các DN QCTT Việt Nam còn phải vượt qua rất nhiều thách thức.

Theo ước tính, doanh số thị trường quảng cáo trực tuyến (QCTT) Việt Nam trong năm nay đạt khoảng 64 tỉ đồng, mới chiếm khoảng 0,5% tổng giá trị thị trường QC nội địa.

 

Xu hướng tất yếu

 

Theo nghiên cứu mới được thực hiện trên hàng trăm công ty tại Mỹ, thì tỉ trọng QCTT sẽ tăng từ 17% lên 23% trong tổng ngân sách năm 2006 của họ dành cho QC. Theo đó, Internet sẽ vươn từ vị trí thứ tư lên thứ nhất trong tất cả các phương tiện QC. QCTT trên toàn cầu được dự báo sẽ đạt 16,6 tỉ USD trong năm 2006 và tăng lên 33,8 tỉ USD vào năm 2010.

 

Rõ ràng, CNTT và Internet càng phát triển và phổ cập, QCTT càng tăng trưởng. VN cũng không là ngoại lệ, do đó một năm 2006 với những bước tiến mạnh mẽ và những sự kiện mang tính cột mốc (số thuê bao Internet tăng mạnh, các mạng di động đua nhau nâng cấp công nghệ, Bill Gates đến VN, Intel mở nhà máy, VN nhiều khả năng gia nhập WTO vào cuối năm...) tạo tiền đề cho người dân tiếp cận Internet nhiều hơn và hứa hẹn những bước tiến xa đối với ngành QCTT.

 

Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, Yahoo! và Google cùng ráo riết tung ra các dịch vụ bằng tiếng Việt. Điều này cho thấy thị trường QCTT ở VN đang và sẽ hấp dẫn các đại gia quốc tế.

 

Cũng chính vì thế mà giới kinh doanh QCTT nội địa đang tỏ ra lạc quan hơn bao giờ hết và ráo riết chạy đua giành thị phần. Hiện nay, QCTT ở VN được thực hiện chủ yếu trên các trang điện tử của các tờ báo giấy (Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên...) hoặc báo điện tử (Vietnamnet, Vnexpress, Dân Trí...) hoặc các website thông tin giải trí, QC (24h.com, Ngoisao...).

 

Các hình thức khác như tự xây dựng website, QC trên các công cụ tìm kiếm trực tuyến, QC trên các danh bạ trực tuyến (directory)... chưa mấy phổ biến.

 

Thách thức đặt ra

 

Theo ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT Cty CP dịch vụ QCTT, thì lý do chính khiến QCTT có doanh thu còn thấp là các nhà QC, các DN chưa quan tâm và đánh giá đúng mức thị trường này, dù trên thực tế QCTT có một lượng người xem khổng lồ với 12,5 triệu người dùng Internet, chiếm 15,08% dân số. Hơn nữa, những đối tượng này phần lớn là giới trẻ, có học thức và có sức mua cao.

 

Các báo điện tử có lợi thế là thu hút nhiều người truy cập, nhưng nội dung vẫn phải mang đậm tính báo chí là chính, nên việc QCTT chủ yếu nhằm cố gắng đánh vào tiềm thức của người đọc - người tiêu dùng. Có thể nói, cố gắng này ở VN còn thiếu tính sáng tạo, sử dụng những hình thức sáo mòn như QC trên banner, các logo xếp hàng dọc ở cột phải...

 

Nếu so sánh với các báo điện tử, website thông tin trên thế giới, có thể thấy họ sử dụng nhiều hình thức phong phú như QC cỡ to ngay giữa bài viết, QC "trôi" trên nền trang web, QC trên bản tin do người đọc yêu cầu gửi, QC thông qua đường dẫn từ các từ khoá ngay trong bài viết...

 

Mặt khác, các website thông tin giải trí và QC lại có ưu thế là phần lớn đối tượng người đọc chủ động tìm kiếm thông tin về các sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, để  trở nên phổ biến hơn và hấp dẫn các DN hơn, các website loại này cần xây dựng nội dung thông tin thật phong phú, củng cố những tiện ích như tìm kiếm, phân loại thông tin, phát triển các công nghệ QC mới, thống nhất cách tính phí, hình thành các tổng đại lý chuyên đại diện cho các website để bán quảng cáo...

 

Có thể nói, dù đã có sẵn tiềm năng và nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng ngành QCTT VN vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhiều chông gai phải vượt qua để thực sự trở thành một kênh QC có trọng lượng trên thị trường.

 

Theo Tuấn Anh

Lao động