Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Tấm biển trên cây cầu ở Seoul và nỗi ám ảnh tự tử

Một buổi chiều đầu tháng 4 năm nay tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), khi đi ngang qua một cây cầu, tôi thấy một tấm biển viết bằng tiếng Anh, "How are you doing"? (Bạn cảm thấy thế nào). Sau này tôi mới biết, những tấm biển như vậy có ở nhiều cây cầu khác nhau tại Seoul khi nhảy cầu là một trong những phương thức tự tử được nhiều người lựa chọn.

Những tấm biển mang đến chút hy vọng cuối cùng cho những người có ý định tự tử, mong họ suy nghĩ lại trước khi quyết định kết thúc cuộc sống.

Tự tử đã trở thành nỗi ám ảnh với Hàn Quốc. Nhiều bài viết thậm chí không nhắc đến từ này mà chỉ dùng những từ ngữ phiếm chỉ như "một lựa chọn cực đoan" hay "lựa chọn cuối cùng". Mới nhất, nam diễn viên Lee Sun-kyun - tài tử phim Ký sinh trùng - được phát hiện đã tử vong và cảnh sát nhận định nguyên nhân nghi vấn là tự tử, một lần nữa khiến xã hội Hàn Quốc rúng động.

Tấm biển trên cây cầu ở Seoul và nỗi ám ảnh tự tử - 1

Tài tử Lee Sun Kyun - người vừa qua đời đột ngột, nghi là tự vẫn - trong bộ phim "Ký sinh trùng" (Ảnh: News)

Hồi đầu tháng 12/2013, tờ South China Morning Post đã đăng tải một video lý giải nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tự tử cao tại Hàn Quốc. Nếu tìm kiếm từ khóa "tự tử tại Hàn Quốc" trên Youtube, khán giả có thể tìm thấy rất nhiều video nói về vấn nạn này. Theo số liệu cập nhật của tổ chức Y Tế thế giới (WHO) vào năm 2019, Hàn Quốc xếp thứ 4 trên thế giới về tỷ lệ tự tử, với tỷ lệ 28,6/100.000 dân. Ba quốc gia phía trên Hàn Quốc đều là những nước nghèo (Lesotho, Guyana và Eswatini), Hàn Quốc đứng thứ tư danh sách vừa nêu nhưng là quốc gia dẫn đầu tỷ lệ tự tử ở các quốc gia phát triển. 

Cơ quan thống kê của Hàn Quốc cho biết, năm 2022, cả nước ghi nhận 12.906 vụ tự tử. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 35 người tìm đến cái chết và tự tử là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong độ tuổi từ 10 đến 39. 42.3% nạn nhân tự tử là trẻ vị thành niên. Hàn Quốc cũng là quốc gia có tỷ lệ tự tử ở nhóm người trên 80 tuổi rất cao với 60.6 trường hợp trên 100.000 dân. Vấn nạn tự tử ở Hàn Quốc cũng gây chú ý với truyền thông thế giới bởi sự ra đi của nhiều người nổi tiếng trong vài năm trở lại đây.

Nếu như tại một số quốc gia châu Phi với tỷ lệ tự tử cao, nguyên nhân chính dẫn đến tự tử do đói nghèo thì tại Hàn Quốc, tự tử là vấn đề phức tạp, tổng hòa từ nhiều yếu tố kinh tế - văn hóa - xã hội.

Với nhóm người cao tuổi, tỷ lệ tự tử cao do áp lực kinh tế, đứt gãy trong các giá trị gia đình truyền thống, hay tình cảnh cô độc khi về già. Người cao tuổi tại nhiều quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam có truyền thống đầu tư cho con cái và khi về già sẽ được con cái chăm sóc. Nhiều người không có thói quen giữ các khoản tiền hưu, tiết kiệm cho riêng mình. Chính vì vậy, nhiều người lâm vào cảnh nghèo đói khi về già trong khi không phải ai cũng được con cái chăm sóc. Hiện Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ nghèo đói ở nhóm người cao tuổi cao nhất trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế của các nước có nền kinh tế thị trường phát triển).

Câu chuyện ở Hàn Quốc thiết nghĩ là thực tế đáng tham khảo về mặt thiết kế chính sách cho các quốc gia đang phát triển kinh tế, và xã hội ít nhiều nảy sinh những áp lực tương tự. Hàn Quốc đã và đang triển khai rất nhiều chính sách và các biện pháp cụ thể để giảm áp lực xã hội, tấm biển viết bằng tiếng Anh "How are you doing" nêu ở đầu bài chỉ là ví dụ nhỏ.

Một ví dụ khác, hàng năm đến kỳ thi đại học đầy căng thẳng, Chính phủ Hàn Quốc thường hoãn tất cả các chuyến bay trong một khoảng thời gian nhất định để tránh làm ồn, ảnh hưởng đến các sĩ tử.

Tỷ lệ tự tử ở Việt Nam hiện được đánh giá vẫn ở mức thấp, xấp xỉ 7,5/100.000 dân (WHO). Tuy nhiên những năm gần đây chúng ta cũng đã chứng kiến rất nhiều sự việc đáng tiếc, nhiều bạn trẻ đã chọn lối thoát cực đoan. Hơn nữa tỷ lệ tự tử "thấp" chỉ có ý nghĩa về mặt thống kê khi 7,5 người đó hoàn toàn có thể là người thân của bất cứ ai trong số chúng ta.

Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu liên quan đến các hành vi tự tử. Nhưng văn hóa tại nhiều quốc gia Á Đông, trong đó có cả Việt Nam, lại coi việc đi gặp các chuyên gia tâm lý là biểu hiện của sự "yếu ớt" hay vấn đề tâm lý không phải điều gì quá to tát. Đây là vấn đề cần lưu ý để thay đổi xét từ góc độ nhận thức xã hội.  

Dân số ở Việt Nam được dự báo cũng sẽ bước vào giai đoạn già hóa sớm và số lượng người cao tuổi sẽ tăng cao trong những thập kỷ tới đây. Trong khi đó theo thống kê, chưa đến 50% người cao tuổi ở nước ta có lương hưu.

Xã hội Việt Nam có thể chưa phải đối mặt với những con số mang tính cực đoan trong áp lực thi cử, tỷ lệ sinh nở, tỷ lệ nghèo đói ở người cao tuổi nhưng câu chuyện trầm cảm, bắt nạt học đường, áp lực căng thẳng trong công việc… không phải điều xa lạ. Chúng ta không nên chờ đến khi tự tử trở thành một vấn nạn của xã hội thì mới bắt đầu quan tâm tới sức khỏe tinh thần của bản thân và những người xung quanh.

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!