Tâm điểm
Vân Thiêng

Trung thực và dám nghĩ, dám làm

Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa quyết định thi hành kỷ luật đối với hai cán bộ là Ủy viên Trung ương và nguyên Ủy viên Trung ương, trong đó có ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre (bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng).

Quyết định này một lần nữa cho thấy sự nghiêm minh của các cấp có thẩm quyền, "không có vùng cấm, bất kể đó là ai".

Trước đó, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy: Ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định...

Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân.

Có thể thấy, là đảng viên, cán bộ trẻ và đi cơ sở để tạo nguồn, ông Lê Đức Thọ từng được đặt hy vọng là cán bộ năng động, nhiệt tình cống hiến. Thế nhưng, sự nghiệp chính trị của ông đứt gánh giữa đường vì ông "không trung thực" như nêu trên, và thậm chí đây là sự không trung thực kéo dài trong nhiều năm.

Sự việc của ông Lê Đức Thọ thì cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền đã quyết định. Tôi không bàn thêm. Nhưng nhìn rộng ra, làm người sống trên đời, một trong những phẩm chất cần thiết nhất chính là sự trung thực. Có trung thực với mình thì mới trung thực với gia đình, người thân, bè bạn và xã hội.

Là đảng viên, sự trung thực càng cần hơn nhiều. Bởi không trung thực với lý tưởng phấn đấu, anh sẽ là thành phần cơ hội. Đảng cần đảng viên trung thực, vì Đảng cần đảng viên là những người đi đầu, hy sinh, cống hiến nhiều hơn cho tổ chức, cho nhân dân, cho đất nước.

Bài học "trung thực" luôn rất cần trong việc lựa chọn con người! Cá nhân tôi nghĩ rằng, trung thực chính là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy người cán bộ, đảng viên đối với bản thân thì nghiêm khắc, gương mẫu, và đối với công việc thì dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nói rõ sự thật và dám hành động "vượt rào" vì lợi ích chung.

Trung thực và dám nghĩ, dám làm - 1

(Tranh minh họa: Ngọc Diệp)

Nếu không trung thực thì người cán bộ rất dễ bị bệnh thành tích, bị những sự nịnh bợ của cấp dưới chi phối.

Khi nói đến cán bộ dám nghĩ, dám làm, chúng ta thường nhắc đến Bí thư Tỉnh ủy như Kim Ngọc, người đã trung thực trong nhìn nhận thực tế khách quan tình hình sản xuất nông nghiệp lúc bấy giờ và dám "giao khoán ruộng" cho nông dân. Để rồi sau đó, hành động "vượt rào" của ông đã góp phần tác động vào chính sách, giúp nông nghiệp được cởi trói, đất đai, lao động được khai thác hiệu quả, tinh thần sáng tạo của nông dân được phát huy.

Chính vì nhìn thấy sự cần thiết phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nên Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 14; mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP là một bước cụ thể hóa Kết luận 14.

Giá trị của tinh thần đổi mới là điều ai cũng thấy, cũng công nhận. Nhưng để có cán bộ năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, đòi hỏi bản lĩnh của mỗi cán bộ và cơ chế khuyến khích, bảo vệ họ. 

Kết luận 14 và nghị định 73 càng trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thời gian qua, không ít cán bộ có tư tưởng an phận, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm. Trong khi đó, sự nghiệp đổi mới đất nước luôn cần một tinh thần quyết tâm lớn, nhìn thẳng vào sự thật và tấn công trực diện vào những biểu hiện trì trệ, những điểm nghẽn cần tháo gỡ trong cơ chế chính sách.

Đây cũng chính là cách xây dựng đội ngũ cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người nói dùng cán bộ là phải tạo môi trường động viên, khuyến khích "khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến… khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc… Phải đào tạo cán bộ phụ trách có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo "đập đi, hò đứng", không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng"(Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.319-3203).

Trong thực tiễn, cán bộ dám nghĩ, dám làm thì sẽ có va chạm, đó có thể là va chạm trong nội bộ hay va chạm với hành lang pháp lý, thậm chí ý tưởng mới ra đời dù đúng đắn và có tầm nhìn nhưng trong ngắn hạn lại thất bại.

Chính vì vậy, không chỉ khuyến khích, Nghị định 73 còn nêu rõ cơ chế bảo vệ cán bộ trong diện này với tinh thần mở đường cho đổi mới, sáng tạo nhưng cũng đảm bảo để cán bộ không đi chệch hướng, lâu ngày dẫn tới sai phạm.

Điều nhiều người băn khoăn là lằn ranh giữa đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với cố ý làm trái, lạm dụng đổi mới để trục lợi cá nhân luôn rất mong manh. Để phòng ngừa, Nghị định 73 đã quy định chế tài cụ thể đối với cá nhân, tổ chức nào đó lợi dụng cơ chế này để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Những yêu cầu về phẩm chất, năng lực đối với cán bộ, đảng viên đã được quy định trong các văn bản của Đảng và hệ thống pháp luật, tất cả đều phải được thực hiện nghiêm túc. Trong đó, từ đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, thiết nghĩ yêu cầu về sự trung thực, về tinh thần đổi mới dám nghĩ, dám làm đang là những vấn đề có tính thời sự.

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!