Gặp gỡ chàng sinh viên với niềm đam mê bất tận với công nghệ hạt nhân

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga, từ năm 2010 đến 2016 đã có hơn 400 sinh viên Việt Nam được cử sang Nga để theo học các chương trình về kỹ thuật hạt nhân. Vào tháng 2 năm 2017, 28 sinh viên Việt Nam khóa đầu tiên tại trường Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga MEPhI đã nhận bằng tốt nghiệp. PV đã có cuộc trò chuyện với bạn Nguyễn Trị, trưởng Khoá sinh viên Việt Nam tốt nghiệp năm 2017 về ngành nghề thú vị này.

Nhìn lại chặng đường đã qua, bạn có thể nói gì về việc học và trình độ đào tạo chuyên nghiệp ở một trường hạt nhân đứng đầu nước Nga?

Tôi luôn cảm thấy mình thật sự may mắn khi được học tập và rèn luyện trong MEPhI. Ở Nga, tôi không chỉ nhận được một lượng kiến thức lớn, cách suy luận logic, mà còn được trang bị các kĩ năng về cuộc sống và kĩ thuật, được rèn luyện trong các phòng thí nghiệm của trường, và ở nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh. Tôi đã làm tất cả các thí nghiệm từ đơn giản nhất với con lắc vật lí, tới phức tạp nhất với giả lập phòng điều khiển trung tâm của nhà máy điện hạt nhân. Cuộc sống ở Nga rất vui và đáng nhớ, có lẽ đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong đời tôi.


Bạn Trị (mặc áo Đoàn TNCS) trong một chương trình giao lưu văn hoá cùng sinh viên Nga

Bạn Trị (mặc áo Đoàn TNCS) trong một chương trình giao lưu văn hoá cùng sinh viên Nga

Vào ngày 13/02 trong khuôn khổ buổi lễ trao bằng tốt nghiệp, là tác giả của luận văn được hội đồng giám khảo bình chọn xuất sắc nhất, bạn đã được nhận giải thưởng danh dự từ tay của ông Valery Karezin, Giám đốc Phụ trách các Dự án Đào tạo của ROSATOM. Cảm giác của bạn thế nào?

Lễ tốt nghiệp của chúng tôi được ROSATOM quan tâm đặc biệt, vì nhóm chúng tôi là nhóm đầu tiên được đào tạo theo chương trình của ROSATOM liên kết với Việt Nam về xây dựng nhà máy. Tôi cảm thấy thật vinh dự và may mắn khi là 1 trong 3 sinh viên được nhận được bằng khen “luận văn tốt nghiệp xuất sắc nhất” và huy chương “sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất”, và nỗ lực của mình được đền đáp xứng đáng.

Việc dừng dự án Ninh Thuận 1 dù có gây khó khăn cho việc tìm kiếm việc làm của các chuyên gia trẻ, nhưng các lãnh đạo Việt Nam (như Viện Vinatom, Tập đoàn EVN) đều sẵn sàng đề nghị chỗ công tác cho các sinh viên tốt nghiệp khi về nước. Bạn có thể chia sẻ về công việc của mình hay dự định tương lai không?

Qua các cuộc nói chuyện với các bạn trong nhóm, tôi thấy đa số các bạn cảm nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam và chúng tôi được biết Bộ Khoa học Công nghệ và Vinatom hiện đang làm việc với Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga ROSATOM về dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân, sẽ thay thế cho lò phản ứng cũ tại Đà Lạt và trung tâm sẽ là điểm đến lý tưởng cho tất cả chúng tôi. Hiện tại, 19 người đã ký hợp đồng với EVN, và được sắp việc ở các công ty trực thuộc tập đoàn. Tôi tin với kiến thức thu được từ MEPhI, kĩ năng ở các phòng thí nghiệm của trường, và với kinh nghiệm đi thực tập tại Novovoronezh, chúng tôi sẽ có thể làm tốt ở bất kì lĩnh vực nào.


Khoá sinh viên Việt Nam trong lễ tốt nghiệp tại đại học MEPhI

Khoá sinh viên Việt Nam trong lễ tốt nghiệp tại đại học MEPhI

Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (CNEST) được dự kiến vận hành vào năm 2025. Là một chuyên gia trẻ, bạn đánh giá thế nào về lợi ích của dự án cho Việt Nam? Bạn có dự định công tác ở CNEST không?

Trung tâm sẽ là sự chuẩn bị cần thiết cho việc vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, những kinh nghiệm thu được từ vận hành lò phản ứng thế hệ mới ở trung tâm là yếu tố không thể thiếu để vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy điện hạt nhân. Quan trọng hơn hết là trung tâm sẽ tiếp tục nhiệm vụ phát triển công nghiệp hạt nhân ở Việt Nam, ví dụ như sản xuất đồng vị phóng xạ để ứng dụng trong y học, nông nghiệp, v.v. Nếu có cơ hội được làm việc ở CNEST, tôi sẽ không bao giờ bỏ qua, vì đơn giản đó là niềm đam mê của tôi, và tôi tin rằng điện hạt nhân sẽ quay trở lại Việt Nam trong tương lai.

Là một chuyên gia trẻ, đã qua nhiều năm học tập tại trường đại học về hạt nhân đứng đầu nước Nga và thực tập sản xuất tại các cơ sở hạt nhân của Nga, bạn thấy ứng dụng của công nghệ hạt nhân ở lĩnh vực nào là thiết thực nhất?

Hiện tại tôi nhận thấy ứng dụng của công nghệ hạt nhân vào nông nghiệp là hợp lý và cấp thiết nhất. Việt Nam hàng năm sản xuất ra rất nhiều sản phẩm nông nghiệp, nếu như có thể ứng dụng công nghệ hạt nhân để bảo quản thực phẩm và cải thiện chất lượng, tôi nghĩ nông sản Việt Nam sẽ nâng lên một tầm cao mới, xuất khẩu sang các thị trường khó tính sẽ dễ dàng hơn.

K.M