DMagazine

Chuyên án phản gián TN25 và 3 cô gái xinh đẹp ở hậu phương Điện Biên Phủ

(Dân trí) - Chiến công lớn nhất của lực lượng Công an Nhân dân bảo đảm an ninh, an toàn, bí mật cho Chiến dịch lại không nằm ở mặt trận hay ở hậu phương trực tiếp mà là ở cách xa Điện Biên Phủ hơn 400km.

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, Bộ Chính trị nhận thấy cần tăng cường lực lượng Công an Nhân dân để đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ trong năm cuối cùng của cuộc kháng chiến, đi tới thắng lợi hoàn toàn.

Tại phiên họp từ ngày 27 đến ngày 29/8/1953, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Chính phủ đã quyết định đổi Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đồng chí Trần Quốc Hoàn được chỉ định giữ chức Bộ trưởng. Cán bộ chiến sĩ Công an Nhân dân trên toàn quốc đã tích cực hỗ trợ công cuộc cải cách ruộng đất ở vùng tự do, diệt ác, phá tề ở vùng còn bị địch tạm chiếm.

Chuyên án phản gián TN25 và 3 cô gái xinh đẹp ở hậu phương Điện Biên Phủ - 2

Trong toàn bộ công tác chuẩn bị chiến trường cho Chiến cục Đông Xuân 1953-1954 nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, nhiệm vụ "làm sạch địa bàn" hậu phương và hậu phương trực tiếp mặt trận là đặc biệt quan trọng.

Trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức (1941-1945), các đơn vị an ninh quân đội Liên Xô (SMERS) đã phối hợp chặt chẽ với các chiến sĩ NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ) cũng như cơ quan tình báo quân đội GRU thực hiện xuất sắc nhiệm vụ truy quét những nhóm điệp viên do Đức cài lại, các phần tử phản động và tội phạm khác trên vùng hậu phương trực tiếp và hậu phương xa mặt trận. 

Qua đó, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Hồng quân Liên Xô, giải phóng một nửa Châu Âu khỏi ách phát xít. Đó là những bài học kinh nghiệm rất quý giá.

Tại địa bàn Tây Bắc, thực dân Pháp mà trực tiếp là cơ quan tình báo quân đội SDESE ra sức tập hợp, kích động các phần tử phản động người dân tộc ở địa phương, tổ chức hoạt động phỉ, phục kích bắt, giết cán bộ, cướp phá nhiều bản làng. Để trấn áp các tổ chức phỉ đang hoành hành ở đây, Khu ủy Tây Bắc quyết định thành lập Ban Công tác chống phỉ thống nhất do đồng chí Trần Quyết, Bí thư khu ủy làm trưởng ban.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Công tác chống phỉ thống nhất, Công an các tỉnh Tây Bắc phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương truy bắt hầu hết phần tử đặc vụ Tưởng cài cắm trên địa bàn.

Nhiều toán phỉ đã bị Công an Việt Nam và Công an Trung Quốc phối hợp tiêu diệt như nhóm do Lưu Hán Xuân, Lô Tài, Sầm Kình Chái cầm đầu, hoạt động tại vùng biên giới Lai Châu, Lào Cai.

Tại các vùng Pha Long, Bắc Hà, Lào Cai, nơi các toán phỉ hoạt động mạnh, Công an Lào Cai và Hà Giang phối hợp với bộ đội địa phương đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, triệt phá các nhóm phỉ do Châu Quang Lô, Tạ Chín Củi, Hán Sào Lùng cầm đầu, giải thoát nhiều bản làng khỏi ách áp bức của chúng.

Chuyên án phản gián TN25 và 3 cô gái xinh đẹp ở hậu phương Điện Biên Phủ - 4

Với phương châm "lấy vận động chính trị là chính, kết hợp với tiến công quân sự", trong các chiến dịch tiễu phỉ ở Tây Bắc, lực lượng Công an Nhân dân phối hợp với bộ đội địa phương đã làm tan rã hơn 100 nhóm hoạt động phỉ, diệt và gọi hàng hơn 3.000 tên ở Lào Cai và Hà Giang, hơn 2.000 tên ở Thuận Châu, Sông Mã (Sơn La).

Đến sát trước ngày mở đợt tấn công quyết định vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (1/5/1954), Công an khu Tây Bắc đã dập tắt hầu hết các cụm phỉ lớn, có quân số hàng trăm tên ở Mường Tè, Mường Lay, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Quỳnh Nhai, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ hậu phương trực tiếp mặt trận.

Chuyên án phản gián TN25 và 3 cô gái xinh đẹp ở hậu phương Điện Biên Phủ - 6

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến lần cuối cùng và phê duyệt kế hoạch chiến dịch Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp soạn thảo. Ngay sau đó, Bộ Chính trị chỉ đạo Bộ Công an thành lập Ban Công an tiền phương thuộc Hội đồng Cung cấp mặt trận.

Đồng chí Trần Hiệu được chỉ định làm trưởng ban. Cán bộ an ninh chủ chốt của ban có các đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Thanh Sơn, Trần Triệu… các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ. Thanh Hóa cũng thành lập Ban Công an tiền phương cấp tỉnh.

Nhiệm vụ của Ban Công an tiền phương là tổ chức bảo mật, phòng gian, chống gián điệp, biệt kích địch, bảo vệ các lực lượng quân đội tham gia chiến dịch, bảo vệ dân công, bảo vệ tuyến giao thông vận tải, kho tàng, đường hành quân và nơi trú quân của bộ đội.

Công an tiền phương các tỉnh tham gia vào việc xét duyệt, tuyển chọn dân công phục vụ chiến dịch từ những người có đủ tiêu chuẩn chính trị, kiến nghị với bộ phận phụ trách bố trí họ vào những công việc phù hợp.

Lực lượng Công an nhân dân giúp địa phương tổ chức biên chế các đoàn dân công thành các đại đội, trung đội, tiểu đội, lựa chọn những người tin cậy để giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị.

Chuyên án phản gián TN25 và 3 cô gái xinh đẹp ở hậu phương Điện Biên Phủ - 8

Trước khi mỗi đoàn dân công xuất phát, Ban Công an tiền phương các tỉnh đều tổ chức tập huấn từ 3 đến 5 ngày. Các chiến sĩ Công an truyền đạt cho họ những kiến thức cơ bản nhất về kỷ luật chiến trường, về bảo vệ bí mật, phòng chống  gián điệp, do thám của địch, những quy định về việc đi lại, giám sát, tiếp xúc, kiến thức về ngụy trang phòng tránh máy bay địch trên đường hành quân và nơi trú quân... Quá trình tập huấn cũng tiếp tục sàng lọc những ai không đủ tiêu chuẩn tham gia dân công.

Để bảo vệ các tuyến đường hành quân bộ và hành quân cơ giới của bộ đội lên Điên Biên Phủ, lực lượng Công an tiền phương đã thiết lập nhiều trạm kiểm soát giao thông, kiểm soát người và phương tiện dân sự, lập các chốt, trạm an ninh ở điểm đông dân cư, quản lý chặt các hàng cơm, quán trọ dọc theo các tuyến đường, phát động quần chúng tích cực giúp đỡ Công an phát hiện những kẻ gian, những người lạ mặt khả nghi, những phần tử trộm cắp…

Tại các trọng điểm giao thông ngã ba, ngã tư, cầu phà, bến đò… là những nơi thường bị máy bay địch đánh phá, Công an tiền phương tổ chức các trạm quan sát và báo động sớm, bố trí điều tiết phương tiện hợp lý, không để giao thông ùn ứ và thực hiện phân tán phương tiện, giúp dân công tìm nơi ẩn nấp khi máy bay địch đánh phá.

Tại các kho tàng, trạm trung chuyển hàng hóa, trạm dừng nghỉ, lực lượng Công an tiền phương phối hợp với bộ phận quân nhu và hậu cần quân đội kiểm tra, lựa chọn những thủ kho có lý lịch trong sạch, phẩm chất chính trị tin cậy và đạo đức tốt.

Công an tiền phương cũng phối hợp với dân quân du kích tại địa bàn tổ chức canh gác chặt chẽ 24/24h, phát hiện sớm biệt kích địch và những phần tử xấu hoạt động phá hoại.

Từ các địa phương đông dân cư gần mặt trận như Hát Lót, Cò Nòi, Tạ Khoa, Tuần Giáo đến những địa phương hậu tuyến như Mường Vạc, Yên Châu, Suối Rút, Tu Vũ… có nhiều kho, trạm trung chuyển hậu cần, Ban Công an tiền phương các tỉnh đã phát động nhân dân tích cực tham gia phong trào "phòng gian, bảo mật", tham gia tuần tra, canh gác, bảo vệ kho tàng, tài sản phục vụ chiến dịch.

Chuyên án phản gián TN25 và 3 cô gái xinh đẹp ở hậu phương Điện Biên Phủ - 10

Trong hoạt động quân sự, việc thu thập thông tin của đối phương thông qua các hoạt động trinh sát, do thám luôn diễn ra dưới nhiều hình thức. Cuộc đấu trí, đọ sức giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam với quân đội thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ cũng không phải là ngoại lệ.

Trong giai đoạn ta chuẩn bị lại chiến dịch, đại tá Phillipe Trinquier, chỉ huy trưởng "Lực lượng biệt kích dù hỗn hợp" (GCMA) ở Đông Dương điều 4 tên biệt kích nhảy dù xuống Mường Ó, Thuật Châu, Sơn La.

Nhóm này có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo về quân số, vũ khí và phương tiện của ta thông qua kiểm đếm người và phương tiện di chuyển từ Thuận Châu lên Tuần Giáo. Tuy nhiên, nhóm biệt kích này đã bị bắt ngay khi vừa chạm đất.

Sát trước giờ nổ súng chiến dịch, đại tá Trinquier tiếp tục điều 6 tên biệt kích chia làm 2 nhóm nhảy dù xuống Bản Nhạn và chân đèo Pha Đin nhằm điều tra, phát hiện những cuộc chuyển quân của bộ đội, đánh mìn ngăn chặn các tuyến vận chuyển trên đèo Pha Đin và bến phà Tạ Khoa. Lực lượng Công an tiền phương phối hợp với bộ đội đã phát hiện và tiêu diệt toàn bộ hai nhóm biệt kích này.

Chuyên án phản gián TN25 và 3 cô gái xinh đẹp ở hậu phương Điện Biên Phủ - 12

Phối hợp với GCMA, cơ quan tình báo quân sự Pháp ở Đông Dương Deuxième Bureau (Phòng Nhì) cũng tung một số gián điệp, chỉ điểm vào các khu vực xung quanh mặt trận.

Ngay trong khi chiến dịch đang diễn ra ác liệt ở giai đoạn 2, Công an tiền phương tại mặt trận đã bắt được 2 tên do thám người Kinh đang trinh sát kho tàng của ta ở Nà Tán, bắt 4 tên người Thái là quân của Đèo Văn Long đang dò la các vị trí ta vừa chiếm được ở khu vực đồi Độc Lập.

Gần cuối chiến dịch, Công an tiền phương tiếp tục bắt các tên Lò Văn Khăm và Lò Văn Đính do Phòng Nhì Pháp tung vào hoạt động ở Bản Căm, chỉ điểm cho máy bay địch bắn phá các đoàn xe và dân công trên tuyến đường 41 từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ.

Tại hậu phương miền núi Nho Quan, Ninh Bình, Công an Liên khu 3 đã khám phá, bắt giữ toàn bộ mạng lưới gián điệp gồm 16 tên do Phòng nhì Pháp điều khiển. Nhóm này chia làm 5 tổ, hoạt động chỉ điểm cho máy bay địch đánh phá các kho tàng, cầu cống, nơi xung yếu trên những tuyến đường giao thông quan trọng từ Thanh Hóa lên Điện Biên Phủ.

Chuyên án phản gián TN25 và 3 cô gái xinh đẹp ở hậu phương Điện Biên Phủ - 14

Chiến công lớn nhất của lực lượng Công an Nhân dân bảo đảm an ninh, an toàn, bí mật cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lại không nằm ở mặt trận hay ở hậu phương trực tiếp mà là ở cách xa Điện Biên hơn 400km.

Đó là Chuyên án TN25 được xác lập tại Thị xã Thái Nguyên. Chuyên án phản gián điện đài này kéo dài tới 6 năm (1952-1958) và đã phục vụ rất đắc lực cho việc tạo thế, nghi binh, đánh lừa địch tại mặt trận Điện Biên Phủ trong Đông Xuân 1953-1954.

Cuối tháng 12/1952, đại tá Philippe Trinquier, chỉ huy trưởng GCMA chấp nhận đề nghị của trung úy Lucien Brocard, trưởng chi nhánh GCMA ở Phúc Yên tuyển chọn 3 nữ gián điệp xinh đẹp cùng quê ở Tam Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc gồm chị em ruột Chu Thị Lan (25 tuổi), Chu Thị Hương (22 tuổi) và cô em họ Lê Thị Tân (18 tuổi).

Sau khi được đào tạo cơ bản trong 6 tháng, giữa mùa hè 1953, nhóm 3 tên này được đưa đến Ba Giăng, Đại Từ, Thái Nguyên mở cửa hàng buôn bán làm ăn nhưng thực chất là tạo vỏ bọc để gây dựng cơ sở do thám, thu thập tin tức về lực lượng quân đội ta, về giao thông vận tải, các kho hàng, bến bãi và dùng điện đài thông báo về trung tâm GCMA ở Hà Nội, chỉ điểm cho máy bay Pháp bắn phá hoặc biệt kích nhảy dù phá hoại.

Cuối năm 1953, bà Lê Thị Hài, người đã giúp đỡ 3 chị em gián điệp này mở cửa hàng làm ăn, sau một lần nhìn thấy sổ ghi chép của cô chị Chu Thị Lan đã tố giác chúng.

Ba "nữ quái" lập tức bị bắt với đầy đủ tang vật. Ban chuyên án đã cử nữ trinh sát Trần Thị Nhất trực tiếp sinh hoạt và giám sát 3 nữ gián điệp tại nơi giam giữ. Bằng sự thuyết phục có lý, có tình, Trần Thị Nhất đã gần gũi, động viên và cảm hóa được họ đồng ý làm việc cho ta để lập công chuộc tội.

Chuyên án phản gián TN25 và 3 cô gái xinh đẹp ở hậu phương Điện Biên Phủ - 16

Từ đó, nhiều tên gián điệp ẩn nấp từ trước hoặc mới được tung vào trong vùng tự do của ta đã bị bắt mà không hiểu vì sao chúng lại bị lộ, dù chưa có hoạt động đáng kể. GCMA ở cả Hà Nội lẫn Phúc Yên cũng đều không hay biết gì về việc toán gián điệp của chúng sa lưới Công an Việt Nam.

Trong số những ổ nhóm gián điệp bị ta truy quét và triệt phá có các tên Nguyễn Kiên (bí danh là Hưng) và Lê Thị Ngôn do GCMA cài cắm từ trước vào vùng tự do của ta. Trong đó, Nguyễn Kiên là chỉ huy, Lê Thị Ngôn là nhân viên điện đài.

Bọn chúng không ngờ lại gặp được bộ ba chị em được tung vào để phối hợp hoạt động với chúng trong trại giam của Công an Việt Nam. Có nhân viên điện đài nhưng điện đài thì lại phải chờ GCMA cung cấp khi nhận được tín hiệu an toàn.

Sau khi Lê Thị Ngôn nhận làm việc cho ta, Ban chuyên án cho Lê Thị Ngôn đến một điểm liên lạc (hộp thư bí mật) ở khu vực giáp ranh Trung Giã phát tín hiệu đã bắt liên lạc được với nhóm của Chu Thị Lan và đang chờ cấp điện đài.

Nhưng các chỉ huy GCMA rất "tinh quái" nên chưa "cắn câu". Ngày 27/7/1953, điệp viên Lê Thị Ngọc được phái ra vùng tự do của ta để xác minh và cũng truyền về tín hiệu an toàn qua hộp thư bí mật. Đến đây thì Ban chỉ huy GCMA ở Hà Nội mới tin tưởng và ngày 15/8/1953, điện đài được máy bay Pháp thả dù xuống khu vực Ba Giăng.

"Trò chơi nghiệp vụ" bắt đầu. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã ra lệnh cho Vụ Bảo vệ Chính trị nội bộ sử dụng người và điện đài của địch để cung cấp các thông tin giả về Hà Nội và Phúc Yên theo đúng thời gian, mật mã và mật hiệu của chính nhóm này, kể cả các tiếng lóng hay ký hiệu để phân biệt thật giả hoặc báo động bất thường.

Chuyên án phản gián TN25 và 3 cô gái xinh đẹp ở hậu phương Điện Biên Phủ - 18

Thông qua liên lạc điện đài của địch và nhóm gián điệp mà ta bắt được và cảm hóa, Ban chuyên án yêu cầu nhóm gián điệp chỉ điểm giả mạo nhiều địa điểm đóng quân của đại đoàn chủ lực và kho tàng của ta ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang và một số tuyến giao thông quan trọng lên hướng Tây Bắc.

Nhận được các thông tin tình báo được cho là "rất tin cậy" do Công an Việt Nam "cung cấp", không quân Pháp ở Bắc Bộ lập tức hành động. Các căn cứ Gia Lâm và Cát Bi đã điều động nhiều máy bay, ném bom bắn phá vô tội vạ vào những địa điểm đã được mật báo.

Tất nhiên các địa điểm địch ném bom chủ yếu là rừng, khe suối được ta ngụy trang, dựng lên vài cái lán trại và công sự giả. Để địch không nghi ngờ, ta lại cho đăng tải trên báo Cứu Quốc những thông tin giả về thiệt hại, đồng thời cho người phao tin đồn về việc Việt Minh thiệt hại nặng.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là thông qua khai thác các toán gián điệp được cơ quan tình báo Pháp điều động xâm nhập vào vùng tự do, ta đã phần nào nắm được âm mưu, kế hoạch quân sự của quân Pháp ở Tây Bắc và các chiến trường khác, góp phần quan trọng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Những thông tin nghi binh, lừa địch còn góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đơn vị bộ đội, dân công, trụ sở cơ quan đầu não, sở chỉ huy, kho tàng, bến bãi, tuyến giao thông.

Đặc biệt nhất là nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Đại đoàn Công - Pháo 351, đơn vị pháo binh lớn nhất của ta khi đó đang hoàn thành những bài huấn luyện cuối cùng ở Thái Nguyên trước khi tiến lên chiến trường Điện Biên Phủ, trở thành "quả đấm thép" chôn vùi sức mạnh pháo binh và không quân Pháp tại đây.

Có một điều khá thú vị là ngay cả sau thất bại ở Điện Biên Phủ, tình báo Pháp vẫn không hay biết gì mà vẫn tin tưởng tuyệt đối và quyết định tặng thưởng "Huân chương thập tự sắt" cho các nữ điệp viên Lan, Hương, Tân, Ngôn, Ngọc.

Ngay khi rút khỏi Hà Nội ngày 9/10/1954, tình báo Pháp lại điều các gián điệp này về Hà Nội cùng 2 bộ điện đài và rất nhiều tiền Đông Dương. Không những thế, chỉ huy GCMA Philippe Trinquier còn bàn giao cho nhóm này hàng chục đầu mối gián điệp người Việt đã được Pháp cài cắm tại Hà Nội và một số địa phương khác.

Chuyên án phản gián TN25 và 3 cô gái xinh đẹp ở hậu phương Điện Biên Phủ - 20

Từ đó, lực lượng Công an đã phát hiện và bóc gỡ nhiều tổ chức gián điệp tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng và Quảng Ninh hoạt động chống phá ta trong thời kỳ khôi phục kinh tế, thu giữ hàng chục tấn vũ khí, phương tiện mà GCMA cất giấu tại nhiều địa phương.

Năm 1955, những tên lính Pháp cuối cùng xuống tàu ở Đồ Sơn để về nước, chiến tranh kết thúc ở miền Bắc Việt Nam nhưng "trò chơi nghiệp vụ" mang bí số TN25 vẫn tiếp tục.

Dựa vào tài liệu thu được của địch sau khi khai quật một địa điểm cất giấu điện đài ở phố Đội Cấn, khu Ba Đình, Công an đã phát hiện và bóc gỡ một tổ chức gián điệp hoạt động tại Quảng Ninh do tên Nguyễn Công Năm cầm đầu.

Năm nguyên là công nhân Xí nghiệp gạch Giếng Đáy, được GCMA Pháp tuyển dụng, huấn luyện. Sau đó, tên này câu kết, lôi kéo được Nguyễn Đăng Nhiên, Dương Công Chỉnh và Nguyễn Văn Điều làm việc cho hắn.

Nhóm gián điệp này do đại úy Phòng Nhì Camille Gouvernec trực tiếp chỉ huy đã cài mìn, âm mưu làm nổ lò nung và thiết bị của nhà máy gạch. Tuy nhiên, âm mưu hoạt động của chúng đã bị ta vô hiệu hóa ngay từ trong trứng nước. Cả 4 tên đều bị bắt khi đang cài thuốc nổ.

Tháng 1/1958, "Trò chơi nghiệp vụ" TN52 kéo dài 2.190 ngày kết thúc. Cũng trong tháng này, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa hình sự đặc biệt, tuyên phạt Nguyễn Công Năm 10 năm tù, Dương Công Chỉnh 3 năm tù, Nguyễn Đăng Nhiên và Nguyễn Văn Điều được hưởng án treo do thật thà khai báo.

Riêng ba chị em Chu Thị Lan cùng nhóm điệp viên đã cộng tác với Công an ta, do ăn năn, hối cải và lập công chuộc tội đã được Tòa án miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và được giao cho chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tạo công ăn việc làm.

Nội dung: Đại tá Nguyễn Minh Tâm

Thiết kế: Tuấn Huy