1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

EU tìm cách vực dậy quan hệ với Mỹ Latinh

CTV

(Dân trí) - Lần đầu tiên sau 8 năm, hội nghị thượng đỉnh EU - Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) sẽ được tổ chức với kỳ vọng tạo khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa hai khu vực.

EU tìm cách vực dậy quan hệ với Mỹ Latinh - 1

EU muốn vực dậy mối quan hệ với các nước Mỹ Latinh, Caribe (Ảnh: Reuters).

Hội nghị Thượng đỉnh EU - CELAC sẽ diễn ra trong hai ngày 17-18/7 tại Brussels (Bỉ). Hội nghị do Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cùng Thủ tướng Saint Vincent và Grenadines đồng thời là Chủ tịch lâm thời CELAC Ralph Gonsalves đồng chủ trì với sự tham dự của hơn 50 nhà lãnh đạo đến từ EU, Mỹ Latinh và Caribe

Trước thềm hội nghị, hai bên đều thể hiện mong muốn thiết lập quan hệ đối tác kinh tế lâu dài. Tuy nhiên, thảo luận về thông cáo cho hội nghị đã cho thấy khác biệt giữa các nước xung quanh những vấn đề như cuộc xung đột ở Ukraine và vai trò của châu Âu trong việc giải quyết vấn nạn buôn người.

Thông qua hội nghị, EU mong muốn hai bên có thể đưa ra một tuyên bố chung chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Tuy vậy, tuyên bố này rất khó đạt được bởi trong khi hầu hết các quốc gia CELAC ủng hộ nghị quyết của Liên hợp quốc vào tháng 2 yêu cầu Nga rút quân ngay lập tức, một số nước bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng.

EU đang nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và nguồn cung của Trung Quốc. Bằng việc xây dựng liên minh với "các đối tác đáng tin cậy", EU có thể mở ra nhiều cơ hội mới cho thương mại, từ đó đảm bảo nguồn cung lâu dài cho sản xuất cũng như quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp trong tương lai. 

EU cũng thừa nhận việc có những lúc coi nhẹ mối quan hệ với các đối tác Mỹ Latinh khi vai trò của Trung Quốc trong khu vực không ngừng tăng lên. 

Trong tương lai, EU dự kiến sẽ đầu tư 10 tỷ euro (khoảng 11,2 tỷ USD) vào các dự án cơ sở hạ tầng của CELAC, đồng thời hy vọng các hội nghị thượng đỉnh EU - CELAC tương tự sẽ được tổ chức thường niên nhằm tạo một đối trọng lớn với Trung Quốc.

Ở chiếu ngược lại, mặc dù quan tâm đến đầu tư của EU, nhưng CELAC nhìn chung vẫn ưu tiên lợi ích kinh tế từ sản xuất pin lithium và xe điện hơn những lợi nhuận nhỏ từ vận chuyển khoáng sản do nơi khác xử lý.

Tố Uyên

Theo Reuters