1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga tuyên bố dẫn đầu về công nghệ hạt nhân

An Hoàng

(Dân trí) - Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev khẳng định kho vũ khí nguyên tử của Moscow có thể đảm bảo sự an toàn cho đất nước tới nhiều thế hệ sau.

Nga tuyên bố dẫn đầu về công nghệ hạt nhân - 1

Một tổ hợp tên lửa liên lục địa của Nga tham gia duyệt binh năm 2022 (Ảnh: AFP).

"Lần đầu tiên trong lịch sử, đất nước của chúng ta đang dẫn trước các đối thủ trong lĩnh vực hạt nhân", ông Nikolai Patrushev tuyên bố trong một bài phát biểu tại Moscow ngày 5/11.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga nói thêm: "Nga hiện sở hữu nhiều vũ khí chiến lược độc đáo, bao gồm cả vũ khí siêu thanh". Theo ông Patrushev, hệ thống mang tính chiến lược này "sẽ đảm bảo an ninh của Nga trong nhiều thập niên tới".

Một trong những vũ khí siêu thanh mà Moscow sở hữu bao gồm tên lửa Kinzhal được đưa vào biên chế năm 2017. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, Kinzhal không giống tên lửa đạn đạo thông thường, tính cơ động cao và tốc độ vượt trội cho phép nó xuyên thủng mọi hệ thống phòng không hiện có.

Năm 2018, quân đội Nga cũng tiếp nhận tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Bulava, được ví là "nền tảng tương lai" trong bộ ba hạt nhân của nước này.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tính đến năm 2023, Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với tổng cộng 5.889 đầu đạn. Xếp thứ hai là Mỹ với tổng cộng 5.224 đầu đạn.

Vào tháng 3, ông Patrushev từng nhấn mạnh, mặc dù Nga sở hữu tiềm lực vũ khí mạnh mẽ có thể ngăn chặn bất cứ mối đe dọa nào, Moscow tuyệt đối sẽ không đe dọa bất kỳ ai bằng sức mạnh quân sự của mình.

Đồng thời, Thư ký Hội đồng An  ninh Nga cũng bác bỏ suy đoán rằng Moscow sẽ không thể đáp trả trong trường hợp bị Washington tấn công phủ đầu. Ông khẳng định "đây là một ý tưởng thiển cận và cực kỳ nguy hiểm".

Tuyên bố của quan chức này được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và Mỹ ngày càng xấu đi sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Ngay sau khi cuộc xung đột nổ ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hạ lệnh đặt lực lượng hạt nhân của nước này trong tình trạng "cảnh báo đặc biệt". Tuy nhiên, giới chức Mỹ nhiều lần tuyên bố họ chưa phát hiện bất kỳ thay đổi đáng chú ý nào trong động thái hạt nhân của Moscow.

Theo RT